Hơi thở của xã hội hóa

18/02/2009 10:54 GMT+7

Sau hơn 14 năm kể từ ngày phát sóng đầu tiên (9-1994) của Văn nghệ chủ nhật (VNCN) và gần tám năm tồn tại của Điện ảnh chiều thứ 7, chiều 28-2-2009 cả hai chương trình này sẽ chính thức chấm dứt để thay vào đó là một chương trình giải trí hoàn toàn mới với tên gọi Rubic 8 (Tuổi Trẻ ngày 16-2-2009).

Ra đời vào thời điểm các rạp chiếu bóng bị thu hẹp hoặc lấy đất để làm trung tâm thương mại, phim bộ Hong Kong tràn ngập các quầy cho thuê băng, phim Mỹ, châu u được nhập về rón rén do chưa có tiền và chưa có chỗ chiếu, những bộ phim video đầu tiên của Đài truyền hình VN được đón nhận thật nồng nhiệt.

Kỹ thuật thô sơ, máy móc cũ, đề tài xưa, nhưng kịch bản thì khá trau chuốt, diễn viên nhập vai chỉn chu, đạo diễn - do chờ đợi mãi không đến lượt làm phim nhựa - đầy tâm huyết và quyết tâm khẳng định mình. Có thể kể đến gần trăm đầu phim với hàng chục tên tuổi đạo diễn đã nổi lên từ VNCN, mà nổi bật nhất vẫn là Khải Hưng, Nguyễn Hữu Phần, Quốc Trọng, Trọng Trinh, Trần Lực, Đỗ Thanh Hải... với hàng trăm tập phim.

Từ buổi đầu làm Mẹ chồng tôi chỉ có hai tập, dân tình dài cổ chờ từ chiều chủ nhật tuần này đến chủ nhật tuần sau, cho đến khi có những phim kéo từ xêri nọ qua xêri kia như Cảnh sát hình sự, VNCN tiến từ chỗ được khen không tiếc lời đến chỗ bị chê “không có đất mà chui”. Thô, giả, ẩu, vụng, diễn viên xấu, thoại nhạt, phục trang đạo cụ sai, đạo diễn non, kịch bản yếu... không còn gì để chê, những buổi chiều vơi dần sự chờ đợi, lâu ngày biến thành chán nản.

Nhưng hình như khán giả và cả công luận đã không công tâm lắm với VNCN nói riêng và các phim của VFC nói chung. 14 năm vẫn một đơn giá làm phim. 110 triệu đồng cho một tập phim truyền hình. Giá cả từ thời bắt đầu bỏ cấm vận đến thời khủng hoảng tài chính thế giới lần thứ hai trong vòng mười năm đã tăng đến không dưới ba lần. Con trai của các đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Khải Hưng, Quốc Trọng cũng đã kịp trở thành đạo diễn của hãng (Hữu Trọng, Khải Anh, Trọng Khôi), họ vẫn đi làm phim bằng đúng khoản tiền mà cha họ mười mấy năm trước đã cầm đi làm phim.

Không thể lấy chuyện tiền nong để bào chữa cho chất lượng, nhưng quả thật nói như đạo diễn Khải Hưng, cựu giám đốc VFC: “Cứ mỗi tối phát Chạy án, trung tâm quảng cáo thu về cả tỉ đồng, nhưng giá thành một tập phim vẫn tính y như cũ, thấy bất nhẫn với anh em nghệ sĩ quá”.

Nhưng dù có “công thần” đến mấy thì VFC vẫn phải thừa nhận là rating của VNCN đang xuống và ngày càng xuống. Trong khi đó, giờ vàng phim Việt buổi tối, ngưng phát Chạy án là lập tức phim VFC phải nhường chỗ cho phim BHD với Cô gái xấu xí Bỗng dưng muốn khóc, trước nữa là nhường chỗ cho phim Đông A với Chàng trai đa cảm... Không thể lãng phí hai buổi chiều liên tiếp của kỳ nghỉ cuối tuần với hai chương trình na ná như nhau (Điện ảnh chiều thứ 7 ra đời với mục đích ban đầu là tạo sân chơi thể nghiệm cho các nghệ sĩ điện ảnh chưa có điều kiện làm phim nhựa, càng ngày càng trở thành bản sao mờ nhạt của VNCN với 15 phút tin tức + phim tài liệu + 45 phút phim Việt).

Và VFC bắt buộc phải lựa chọn. Họ chọn sự thay đổi theo hướng thị trường, với một đối tác rất có kinh nghiệm trong việc nắm bắt thị hiếu khán giả: Thiên Ngân Galaxy. Chưa thể nói gì về một chương trình truyền hình dài hơi khi nó chưa phát sóng, nhưng công chúng có quyền lo lắng cho một chương trình đã bị mất thương hiệu tạo dựng từ lâu.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, tân giám đốc VFC:
Một chương trình giải trí có thẩm mỹ

* Thưa đạo diễn, VNCN xưa nay vốn được coi là “thành lũy cuối cùng” trước làn sóng xã hội hóa, nay để rũ bỏ ấn tượng về sự khô khan, nặng nề, Rubic 8 chấp nhận xã hội hóa ở mức độ nào để vẫn có thể hấp dẫn mà không “đánh mất mình”?

- Chúng tôi hợp tác sản xuất chương trình với thời lượng 50-50. Thiên Ngân sản xuất chương trình của họ, bằng kinh phí của họ và đổi quảng cáo với VTV, chúng tôi không can thiệp. Chúng tôi sản xuất chương trình của mình bằng kinh phí của VTV (chắc là ít hơn so với chi phí sản xuất cùng thời lượng của họ - cười). Tuy nhiên, khung chương trình do cả hai bên cùng bàn bạc, thương thảo.

Chúng tôi cố gắng để tìm được tiếng nói chung trước các vấn đề xã hội cũng như hình thức thể hiện. Khi không thể thống nhất được, quyết định của VFC vẫn là quyết định cuối cùng, vì chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước VTV và trước pháp luật về nội dung và tác động của chương trình. Nói nghe nghiêm trọng vậy thôi, chứ chúng tôi đã cùng nhau làm được 7-8 chương trình gối đầu (mỗi chương trình 65 phút). Tôi thấy rất vui vẻ, vui cả về nội dung và hình thức.

* Nếu có thể phác họa chân dung của Rubic 8, anh có thể nói thật đơn giản và ngắn gọn trong một câu thôi...

- Một chương trình giải trí có thẩm mỹ.

V.H. thực hiện

Theo Việt Hoài / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.