Hồi ức về xuyên tâm liên

Thanh Lương
Thanh Lương
16/05/2021 04:40 GMT+7

Xuyên tâm liên là loại thảo dược từng rất quen thuộc với nhiều thế hệ người VN, nổi danh với vị đắng khó quên và dược tính thanh nhiệt, giải độc, trị được nhiều loại bệnh.

Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho hay trước đây khi các loại thuốc tây hay thuốc kháng sinh còn chưa phổ biến, xuyên tâm liên thường được nhớ đến là loại dược liệu rất phổ biến ở nước ta.

Vị thuốc trứ danh

Giải thích về sự phổ biến này, tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan cho biết xuyên tâm liên là loài thảo dược giúp kháng khuẩn, giảm viêm tốt, hơn nữa cây cũng dễ mọc, dễ trồng, có thể thu hoạch sau 1 - 2 năm. Do đó, trong thời điểm kinh tế đất nước còn khó khăn những năm 1980, cây này thường được dùng để chủ trị nhiều căn bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp, viêm nhiễm đường ruột, nóng sốt, dị ứng, đau nhức cơ thể...
Từ điển y học Medical Dictionary cũng ghi nhận xuyên tâm liên (tên khoa học Andrographis Paniculata) là loại thảo dược có vị đắng nổi bật, được mệnh danh là “vua của những vị đắng”, đồng thời chứa nhiều dược chất giá trị như andrographolide, terpenoid, flavonoid… Do đó có thể trị được nhiều chứng bệnh viêm nhiễm do vi trùng, vi rút.
Đặc biệt, hồi tháng 4.2021, báo Bangkok Post đưa tin một nhóm chuyên gia Thái Lan đã bước đầu chứng minh được xuyên tâm liên có tác dụng hỗ trợ điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 nhẹ.
Tại VN, trong Công văn số 1306/BYT-YDCT ngày 17.3.2020 do Bộ Y tế ban hành về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (vi rút gây dịch Covid-19) bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, xuyên tâm liên có được dùng trong một số bài thuốc như ngân kiều tán và ngân kiều tán gia giảm. Theo đó, đây là những bài thuốc được dùng hỗ trợ điều trị trong giai đoạn khởi phát của bệnh, để giải quyết các triệu chứng như: phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi…
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo dù cả trong giai đoạn khởi phát, người dân cũng không được tự ý sử dụng xuyên tâm liên để điều trị, mà phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và bác sĩ chuyên ngành.

Hồi ức của nhiều thế hệ

Chia sẻ câu chuyện với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Hoàng (58 tuổi, ngụ TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay xuyên tâm liên từng là cây thuốc gắn bó với ông trong khoảng thời gian đi học xa nhà. “Khoảng năm 1981, khi đó tôi đang theo học tại Trường trung cấp Ngân hàng II T.Ư (thuộc tỉnh Phú Khánh, nay là tỉnh Phú Yên). Do chưa quen với môi trường mới, nên thường xuyên bị đau đầu, đau bụng, mệt mỏi… Những lúc không khỏe, tôi đến phòng y tế của trường để kiểm tra và thường được cấp các toa thuốc có xuyên tâm liên. Cũng nhờ cây thuốc này mà tình trạng sức khỏe của tôi ổn định trong thời gian theo học tại đây”.
Ông Nguyễn Thành Phương (63 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết: “Những ai sống vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước gần như đều biết thuốc xuyên tâm liên. Khi trước, vợ tôi từng mắc bệnh nhiễm trùng máu, được điều trị tại Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) và nhờ uống thuốc này theo chỉ định của bác sĩ mà khỏi. Sau này, khi tân dược phổ biến hơn thì người ta cũng dần quên cây thuốc này”.
Cùng tâm tư, ông Tống Ngọc Đức (45 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Cây xuyên tâm liên là loại dược liệu chữa được nhiều bệnh. Không chỉ ở thành thị, tại nhiều vùng nông thôn cho đến bây giờ, nhiều người già vẫn nhớ rất rõ”. Ông Đức kể, vào thời thuốc men còn thiếu thốn, ba mẹ ông (sống tại tỉnh Trà Vinh) vẫn thường được điều trị bằng các loại thuốc nam, trong đó có xuyên tâm liên. Bây giờ, khi thị trường thuốc tây phát triển, người dân ít dùng các cây thuốc nam hơn nên thế hệ ngày nay cũng dần xa lạ với loại thảo dược này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.