Hôm nay bão số 3 vào bắc Trung Bộ

24/08/2010 00:32 GMT+7

Nhiều khả năng tâm bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An, gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất rất cao.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, 22 giờ ngày 23.8, tâm bão ở khoảng 17 độ vĩ bắc; 108,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình khoảng 150 km về phía đông, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tại các tỉnh ven biển trung Trung Bộ đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, riêng tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có mưa trên 300 mm. Tại đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến cuối giờ chiều qua 23.8, các lực lượng đã thông báo, kêu gọi và hướng dẫn tổng cộng 69.588 tàu thuyền với 296.112 ngư dân biết diễn biến của bão số 3, chủ động di chuyển phòng tránh.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ chiều nay 24.8, bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, tâm bão nằm ngay sát bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ. Tâm bão nhiều khả năng sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An. Sau đó, bão suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Chịu ảnh hưởng của bão, từ sáng nay 24.8, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Khu vực các tỉnh bắc Trung Bộ, trung Trung Bộ và Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình cần đề phòng nước biển dâng kết hợp thủy triều cao từ 2 - 4m.

Mưa lớn sẽ gây ngập lụt nặng

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, cơn bão này có đặc điểm là sẽ gây mưa trên diện rộng và kéo dài. Mưa sẽ xuất hiện cả trước, trong và sau khi bão đi qua. Các tỉnh bắc khu V, khu IV (cũ) và nam đồng bằng Bắc Bộ sẽ là tâm mưa, lượng mưa lên đến 200 - 400 mm, các khu vực khác mưa dưới 200 mm. "Diễn biến mưa sẽ tương tự như trong cơn bão số 5 năm 2007. Khi đó, mưa lớn đã gây ra lũ đặc biệt lớn trên một số sông, gây ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh bắc Trung Bộ", ông Tăng cảnh báo.

Miền Trung mưa lớn kèm lốc xoáy

Trong 2 ngày 22-23.8, tại tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh thì chỉ trong buổi sáng 23.8, lượng mưa đo được tại huyện Quảng Trạch là 96 mm, TP Đồng Hới 51 mm; ghi nhận của PV cho thấy mưa đã gây ngập cục bộ tại nhiều nhà dân ở các xã Quảng Thuận (H.Quảng Trạch), Thanh Trạch, Trung Trạch (H.Bố Trạch). Hiện toàn tỉnh vẫn còn 120 thuyền cá chưa vào bờ trú ẩn.

Trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to, tuy nhiên do vừa trải qua những đợt hạn kéo dài nên mực nước đo được tại các sông lớn trên toàn tỉnh vẫn chưa vượt qua mức báo động I.

 
Một người dân tại khu vực Đống Đa (Đà Nẵng) hướng dẫn xe ô tô đi hướng khác để tránh những cơn sóng đập vào nhà dân - Ảnh: N.Tú  

Tại xã Quảng Lợi (H.Quảng Điền) trưa qua đã có một đợt gió lốc mạnh làm tốc mái 27 ngôi nhà, 7 thuyền câu nhỏ trên đầm phá bị chìm; toàn tỉnh hiện hơn 300 ha lúa và 50 ha sắn và hoa màu tại các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền cũng đã bị ngập úng có nguy cơ lên mộng. Người dân địa phương đang ra sức tập trung gặt lúa chạy lũ. Tính đến chiều 23.8, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn 11 tàu thuyền và 60 lao động vẫn chưa vào đất liền để trú bão, tuy nhiên các tàu này đã liên lạc được với Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh và đang trên đường vào bờ tránh bão.

Tại Đà Nẵng, vào 13 giờ chiều 23.8, qua liên lạc bằng phương tiện máy ICOM, Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã nhận thông tin tàu DNA 61406 với thuyền trưởng là Nguyễn Út (trú tổ 36, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) đang bị hỏng máy ở tọa độ 16 độ 25 phút bắc, 108 độ 28 phút đông. Trên tàu hiện đang có 10 lao động. Hiện khu vực tàu bị nạn có gió cấp 6, cấp 7. Nhận được tin báo, vào lúc 15 giờ ngày 23.8, tàu SAR của Trung tâm Cứu hộ hàng hải khu vực 2 đã lên đường ứng cứu. Đến 16 giờ 30, tàu SAR đã tiếp cận được tàu DNA 61406.

Mưa lớn liên tục từ trưa cho đến chiều hôm qua (23.8) đã biến nhiều khu dân cư và hàng loạt các tuyến đường ở Đà Nẵng thành sông. Nhiều khu dân cư mới ở đường Hồ Nghinh (phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà), Phan Tứ (phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn)... bị nước chia cắt. Trong khi đó, ngay khu vực đầu cầu sông Hàn giáp với đường Phạm Văn Đồng như một dòng sông và nước chảy xiết. Hàng loạt xe máy, thậm chí cả xe ô tô cũng chết máy. Các khu vực Lê Đình Lý - Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi bị ngập sâu hơn 0,5m. Tại nhiều tuyến đường vốn là điểm đen thường xuyên ngập lụt mỗi khi trời mưa như khu vực đường Quang Trung, Đống Đa, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Lương Bằng, Trương Định... nước tràn vào nhà dân hơn 0,5m. Nặng nhất phải kể đến KDC An Đồn (Q.Sơn Trà), nước ngập gần cả mét.

Tại Quảng Nam, từ đêm 22.8 và suốt ngày hôm qua có đã mưa nhỏ và vừa. Lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đã được Ban PCLB-TKCN tỉnh ban hành từ sáng 23.8, đồng thời với công điện gửi các đơn vị, địa phương đề phòng lũ quét và sạt lở đất tại miền núi. Do ảnh hưởng của bão số 3, trong 2 ngày qua, tại Quảng Ngãi có mưa vừa đến mưa to làm 1.400 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch ở các huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh bị ngã đổ, ngập chìm trong nước, trong đó nặng nhất là H.Mộ Đức với khoảng 1.000 ha.

H.X.H - D.H - H.T- B.N.L - N.P - Q.N - H.Cừ

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.