Hôm nay đề xuất mức kỷ luật đối với từng học sinh

16/03/2010 22:10 GMT+7

Hôm nay, trường THPT Trần Nhân Tông sẽ họp hội đồng kỷ luật để kiểm điểm và đề xuất mức kỷ luật đối với từng cá nhân có liên quan.

Kỷ luật nghiêm khắc

Chiều qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp với Ban giám hiệu trường THPT Trần Nhân Tông để thông báo kết luận của cơ quan công an về clip nữ sinh bị đánh, đồng thời yêu cầu nhà trường họp hội đồng kỷ luật để Ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cũng như mỗi học sinh (HS) có liên quan phải tự kiểm điểm và căn cứ vào đó Sở GD-ĐT sẽ đưa ra mức xử lý kỷ luật theo đúng quy định.

Ông Mai Sỹ Nhật - Trưởng phòng HS - sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết quan điểm của Sở là sẽ xử lý nghiêm khắc, giúp nhà trường, phụ huynh và mỗi HS nhận thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc. "Tuy nhiên, sẽ không đuổi HS ra khỏi môi trường học đường vì như thế là vứt một đứa trẻ ra ngoài xã hội, hậu quả sẽ rất khó lường. Chúng tôi sẽ yêu cầu nhà trường phải mời phụ huynh của những HS có liên quan đến để họ thấy rõ trách nhiệm của gia đình, đồng thời bàn biện pháp hiệu quả hơn trong việc phối hợp giáo dục những HS này", ông Nhật nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông cho biết: sáng hôm nay (17.3) nhà trường sẽ tổ chức họp hội đồng kỷ luật, đồng thời sẽ đề xuất mức kỷ luật cụ thể với từng HS. "Sự việc xảy ra ngoài nhà trường, bản thân tôi không hề biết HS của mình đánh nhau, nhưng vụ việc xảy ra đối với HS của trường mình thôi cũng thấy rất xót xa và thấy mình chưa làm hết trách nhiệm", ông Sơn nói.

"Tôi thực sự bất ngờ khi biết sự việc này. Giáo dục đạo đức cho học sinh thời gian gần đây rất khó khăn, các em bây giờ ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, trong đó có gia đình, xã hội…".

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ: "Tôi thực sự bất ngờ khi biết sự việc này. Giáo dục đạo đức cho HS thời gian gần đây rất khó khăn, các em bây giờ ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, trong đó có gia đình, xã hội... bởi vậy nhà trường không thể đứng một mình trong việc này được, phải có sự liên kết tốt hơn". Ông Hiển nhận định: Thực tế cho thấy, do chưa hiểu biết về pháp luật đầy đủ nên nhiều khi những hành vi mà các em gây ra thì người lớn thấy nghiêm trọng, thấy lo sợ nhưng bản thân những HS ấy lại vẫn thấy... bình thường, đó mới là cái khó.

Theo ông Hiển, giáo dục để thay đổi nhận thức, để giúp trang bị cho HS những kỹ năng ứng phó với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, biết cách giải quyết xung đột, giúp HS biết cách phòng tránh để không vi phạm pháp luật và không trở thành nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật... đang là một trong những mục tiêu mà môn giáo dục kỹ năng sống sẽ đưa vào giảng dạy thí điểm trong nhà trường (từ tiểu học đến THPT), bắt đầu từ năm học tới.

Cô đã "lờ" đi?

Xung quanh vụ việc này, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với cách giải quyết của GVCN lớp 10A13. Trên diễn đàn của HS trường này, có ý kiến bức xúc: bạn bè của hai em Quỳnh Anh và Diệp khi biết sự việc đã báo rõ với cô rất kịp thời nhưng cô đã "lờ" đi và cho rằng hai em chỉ "va chạm nhẹ".

Ông Mai Sỹ Nhật cũng nói: "GVCN phải rút kinh nghiệm vì bám sát tình hình lớp không tốt. Cô giáo báo cáo rằng các em chỉ có va chạm nhẹ nhưng sao lại dẫn đến tình trạng này?".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, ngành GD-ĐT cũng nhận ra rằng, lâu nay hầu như chỉ mới quan tâm khen thưởng giáo viên khi họ có nhiều HS đoạt giải HS giỏi các cấp. Quan niệm này cần phải thay đổi khi chúng ta đề cao giáo dục toàn diện, cần phải tôn vinh giáo viên giỏi trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có công tác chủ nhiệm lớp.

Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau sự việc này, Sở cũng đã có văn bản gửi tới các trường nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trường học. Trong đó, có đề cập tới nội dung nâng cao vai trò, trách nhiệm của GVCN lớp trong việc theo dõi, quản lý HS; GVCN phải bám sát lớp, nắm chắc các diễn biến tiêu cực của HS, từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp, có hiệu quả.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.