Hôm nay trái đất chính thức gặp mặt trăng thứ hai: Người Việt có quan sát được?

29/09/2024 10:32 GMT+7

Hôm nay 29.9, trái đất gặp mặt trăng thứ hai. Nhiều người yêu thiên văn Việt Nam đã quan tâm, chia sẻ về thông tin này.

Space.com thông tin, các nhà khoa học NASA đã tính toán rằng trái đất bắt gặp mặt trăng thứ hai vào hôm nay 29.9. "Mặt trăng mini" này được biết đến với ký hiệu tiểu hành tinh 2024 PT5, được các nhà khoa học phát hiện hôm 7.8, xuất phát từ vành đai thiên thể Arjuna và sẽ quay lại nơi đây sau khi rời quỹ đạo trái đất.

"Mặt trăng mini" này sẽ xoay quanh trái đất từ hôm nay đến ngày 25.11, trước khi dần dần thoát khỏi quỹ đạo. Tuy nhiên, thiên thể chỉ có kích thước khoảng 10 m nên rất khó quan sát từ trái đất.

Hôm nay trái đất chính thức gặp mặt trăng thứ hai: Người Việt có quan sát được?- Ảnh 1.

Mặt trăng ước tính có đường kính là 3.475 km rộng hơn tiểu hành 2024 PT5 tới 308.108 lần

ẢNH: HUY HYUNH

"Trong khi bạn đồng hành chính của trái đất là mặt trăng, đã quay quanh hành tinh của chúng ta trong khoảng 4 tỉ năm kể từ khi hình thành vào thời kỳ đầu của hệ mặt trời, thì tiểu hành tinh này sẽ chỉ là vật cố định tạm thời và thậm chí sẽ không tồn tại hết năm nay", Space.com cho biết.

Có quan sát được?

Theo các chuyên gia, mặc dù ý tưởng trái đất có thêm một mặt trăng thứ hai nghe có vẻ khó tin, nhưng thực chất hiện tượng này khá phổ biến. Sau thời gian ngắn quanh trái đất, tiểu hành tinh 2024 PT5 sẽ tiếp tục quay quanh mặt trời như một phần của nhóm tiểu hành tinh Arjuna.

Trong khi mặt trăng thống trị bầu trời đêm trên trái đất trong ít nhất nửa tháng, 2024 PT5 sẽ không thể quan sát được đối với người quan sát bầu trời nghiệp dư. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học chuyên nghiệp có thể chụp một số hình ảnh về mặt trăng thứ hai này.

Như vậy, với những thiết bị ngắm bầu trời thông thường, người yêu thiên văn nghiệp dư không thể quan sát được tiểu hành tinh này. Điều này chủ yếu do sự khác biệt lớn về kích thước giữa hai vật thể. Mặt trăng ước tính có đường kính là 3.475 km rộng hơn tiểu hành 2024 PT5 tới 308.108 lần.

"Vật thể này quá nhỏ và mờ đối với kính thiên văn và ống nhòm nghiệp dư thông thường. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học có thể chụp lại chúng bằng những kính thiên văn chuyên nghiệp", chuyên gia cho biết.

Dù không thể quan sát tiểu hành tinh 2024 PT5 nhưng với anh Nguyễn Tấn, đây là một thông tin thú vị với những người có niềm đam mê với bầu trời như anh. Chàng trai cho biết trong lúc chờ ngắm những bức ảnh mặt trăng thứ hai của trái đất từ các chuyên gia, anh sẽ dành thời gian "săn" sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan – ATLAS) nổi tiếng, đang thắp sáng bầu trời lúc rạng sáng những ngày cuối tháng 9 này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.