Tổng kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ cho biết thông tin trên khi trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại chiều qua 29.6.
Hỗ trợ lãi suất cho vay mua thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất chưa đi vào đời sống nhân dân - Ảnh: D.Đ.M |
Hỗ trợ lãi suất cho cả doanh nghiệp… thừa vốn
Theo Báo cáo kiểm toán, số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến ngày 31.12.2009 cho thấy, số tiền phải hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho các đối tượng vay vốn là 11.178 tỉ đồng. Số tiền các tổ chức tín dụng đã HTLS cho các đối tượng vay vốn là 10.644 tỉ đồng. Số tiền NHNN đã tạm ứng cho các tổ chức tín dụng là 6.218 tỉ đồng và đến ngày 31.12.2010, tổng số tiền NHNN đã chuyển cho các tổ chức tín dụng để cho vay HTLS là 11.231,4 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc HTLS cho vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn chưa thực sự đi vào đời sống của nhân dân.
Liên quan đến chính sách cho vay HTLS, Báo cáo thẩm tra sơ bộ về quyết toán NSNN năm 2009 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cũng nhận định: bên cạnh mặt tích cực, chính sách HTLS năm 2009 mới tác động trên phạm vi hẹp, chưa thực sự bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ theo dự kiến, còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, trong thực tế đã cho vay cả DN thừa vốn, sử dụng vốn sai mục đích, cho vay trùng lặp đối tượng, các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn này còn hạn chế.
Ủy ban này dẫn chứng bằng số liệu trong báo cáo ngày 26.5.2011 của Thanh tra Chính phủ, đó là tại các ngân hàng thương mại còn bộc lộ sai phạm, như HTLS cho các khoản vay để kinh doanh hàng tiêu dùng có nguồn gốc từ nhập khẩu với số tiền 466,04 triệu đồng; cho vay và HTLS đối với các khoản vay đã được vay và được HTLS tại các ngân hàng khác với tổng doanh số cho vay 18 tỉ và số tiền HTLS là 174,917 triệu; cho vay HTLS để mua hàng nhưng không có hàng với số tiền 18,2 tỉ đồng…
Tổng vốn kích cầu đầu tư “đội” lên gấp 3,5 lần
Cũng theo Báo cáo thẩm tra, cuối năm 2008, trước tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực đến nền kinh tế VN và ảnh hưởng đến việc làm, đời sống nhân dân, QH và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhóm giải pháp cấp bách với chính sách tài khóa tiền tệ đặc thù cho năm 2009 để ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có giải pháp kích cầu đầu tư khoảng 76.000 tỉ đồng.
Mặc dù khẳng định tác động tích cực của gói kích cầu, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ rõ những bất cập trong thực hiện giải pháp kích cầu này, đó là “việc phân cấp mạnh trong quản lý đầu tư và cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ nhưng nhiều dự án chưa được chuẩn bị tốt, chưa căn cứ vào khả năng ngân sách, chưa có cơ chế quản lý, cơ chế trách nhiệm phù hợp, nên không ít trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn do mở rộng quy mô dự án”.
Hạn chế khác là đã bổ sung nhiều hạng mục không đúng mục tiêu của chương trình, đầu tư dàn trải, nợ đọng lớn và tăng số công trình dở dang, tạo áp lực đối với ngân sách T.Ư trong cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện giai đoạn tới. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cuối năm 2009, tổng mức đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã điều chỉnh lên 390.000 tỉ đồng, tăng 3,5 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu trình QH.
Bảo Cầm
Bình luận (0)