Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và Đài truyền hình VN (VTV) đã đạt được thỏa thuận về việc phát sóng các giải đấu lớn nhất nước.
VTV thế chỗ AVG
Trong bối cảnh AVG cương quyết không nhượng bộ trước các đài lớn như VTV, VTC mà vẫn bảo lưu những yêu cầu khó chấp nhận về bản quyền truyền hình, cách đây một ngày, Hội đồng quản trị VPF đã có cuộc họp với VTV và đi đến những quyết định, có thể nói cũng mang tính lịch sử với bóng đá VN. Theo đó, VPF với tư cách đã được Bộ VH-TT-DL thừa nhận là đơn vị có quyền quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp VN, đã chính thức chọn VTV là đối tác chính để “chuyển nhượng” bản quyền phát sóng.
Ngày 29.12, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch HĐQT của VPF - đã có công văn số 20/VPF/2011 gửi cho VTV, VTC, các đài địa phương, BTC địa phương, với nội dung như sau: “Căn cứ vào điều 53 luật Thể thao năm 2006 và Nghị quyết ngày 19.12.2011 của HĐQT Công ty VPF, VPF xác nhận cho phép VTV và các đơn vị truyền hình thuộc VTV được tuyên truyền, truyền hình trực tiếp và phát lại các trận bóng đá tại giải Ngoại hạng quốc gia, giải Hạng nhất, Cúp quốc gia và Siêu cúp quốc gia, cho tới khi Công ty VPF có thông báo mới về vấn đề bản quyền truyền hình các giải đấu nêu trên. Nhằm phục vụ đông đảo người hâm mộ cả nước và quảng bá cho các giải chuyên nghiệp, VPF đề nghị VTV hỗ trợ VTC và các đài truyền hình địa phương có nhu cầu trong việc truyền hình các trận đấu”.
Theo bản thỏa thuận ghi nhớ giữa VPF và VTV, ở mỗi lượt trận của giải Ngoại hạng, VTV sẽ có quyền phát 6 hoặc tối đa cả 7 trận, song VTV sẽ không phát sóng nguyên vẹn cả 7 trận mà sẽ chia sẻ bản quyền cho các đài và sẽ chỉ tường thuật nhiều nhất 4 trận. Như vậy, số trận mà khán giả được xem trên VTV (bao gồm các kênh VTV3, VTV2, Bóng đá TV, Thể thao TV, K+) sẽ tăng hơn nhiều so với đề xuất của AVG trước đây, chỉ cho chọn trước 1 trận để phát sóng.
Hợp đồng cực lớn
Sự hợp tác của VTV và VPF không chỉ đem đến nhiều cơ hội thưởng thức bóng đá nội cho khán giả mà còn mang lại khoản lợi nhuận lớn cho VPF - một trong những cam kết của các nhà sáng lập tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất. Theo một thành viên HĐQT của VPF, trị giá bản hợp đồng trong 3 năm là hơn 74 tỉ đồng, riêng năm 2012 là 20 tỉ. Đây là một khoản tiền cực lớn, nếu so với 6 tỉ đồng/năm (có lũy tiến hằng năm) mà AVG trả cho VFF.
Một điều đáng lưu ý là, trước đây, AVG và VFF khi ký hợp đồng với thời hạn 20 năm đã viện dẫn những cơ sở pháp lý. Chẳng hạn như theo điều 12 Nghị định Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật TDTT thì “vì VFF là chủ sở hữu các giải chuyên nghiệp nên sở hữu tất cả các quyền về ghi hình, sản xuất, phát thanh, truyền hình… VFF được chuyển nhượng quyền sở hữu theo hợp đồng do các bên thỏa thuận”. Và nay, VFF cũng viện dẫn pháp luật đã ký hợp đồng với VPF để chuyển quyền sở hữu các giải kèm những quyền khác, bao gồm chuyển nhượng quyền sở hữu phát thanh, truyền hình. Nói như lãnh đạo VFF vào hôm qua, các giải đấu đã thuộc về VPF và điều này đã được hiện thực hóa bằng bản hợp đồng giữa VPF với VFF nên VPF có cơ sở pháp lý để làm tất cả những gì có trong hợp đồng.
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định việc VPF giao quyền cho VTV cũng dựa trên Điều lệ VFF, luật TDTT, Nghị định quy định chi tiết thi hành luật TDTT.
|
Sẽ phát sóng sạch?
Như đề cập ở trên, VTV sẽ chia sẻ bản quyền truyền hình cho các đài và nếu muốn, VTV có quyền đòi hỏi các đài phải tiếp sóng cả logo, quảng cáo lẫn tường thuật trước, giữa và sau trận đấu. Tuy nhiên, theo VPF, VTV không chỉ cho tiếp sóng miễn phí mà cam đoan sẽ phát sóng sạch. Động thái tích cực này của VPF đã được đón nhận ra sao? Ông Vũ Quang Huy - Giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, cho biết: “Đơn vị nào chấp nhận các yêu cầu của VTC là được quyền tự sản xuất, tự tường thuật và tiếp nhận sóng sạch thì chúng tôi sẽ hợp tác. VTC sẽ ngồi lại với VTV3, Bóng đá TV để bàn vấn đề chia sẻ các trận đấu. Vì đã quá gấp nên mới chỉ chia vòng đầu tiên và trước mắt VTC sẽ phát 1 trận”.
Đại diện Đài truyền hình TP.HCM (HTV) tỏ ra thận trọng hơn. Đài này cho biết đã nhận được công văn chia sẻ từ VTV vào chiều 29.12 song vẫn phải chờ ý kiến phản hồi từ AVG vì AVG đã gửi văn bản tới từ trước. Tuy nhiên, HTV vẫn mong muốn được chủ động chọn trận, nhất là những trận thuộc khu vực phía nam và quyền tự sản xuất. Vì quyền lợi của khán giả, HTV đã lên lịch và chấp nhận phát sóng “nguyên đai nguyên kiện” trận đấu “derby” giữa hai đội bóng cùng thành phố là Navibank Sài Gòn gặp Sài Gòn FC ngày 1.1.2012, với đầy đủ logo, quảng cáo của AVG. Đại diện HTV cho biết nếu VPF khẳng định được quyền sở hữu hợp pháp quyền phát sóng và công văn gửi các đài là hợp lệ, thì ngày 31.12, HTV sẽ bố trí các phương tiện kỹ thuật để tự tường thuật trận đấu này mà không tiếp sóng từ AVG.
VTV cũng đã có lịch phát sóng trận đấu vào ngày 31.12 giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai gặp Hải Phòng và ngày 1.1 là trận giữa CLB bóng đá Hà Nội và Hà Nội T&T.
Cuộc chiến pháp lý Cuộc chiến pháp lý giữa VPF và AVG không sớm dừng lại và chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Ngay trong chiều 29.12, AVG đã phản hồi công văn của VPF và cho rằng việc VPF mời các đài truyền hình là vi phạm pháp luật và AVG sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Văn bản của AVG nêu: “Nếu đúng là có văn bản như vậy thì đây là hành vi cố ý làm trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế về vấn đề bản quyền”. Ông Hoàng Xuân Bắc, đại diện AVG, cho biết AVG sẽ gửi hồ sơ chứng lý tới các cơ quan chức năng và các cơ quan hữu quan để bảo vệ quyền lợi hợp pháp ghi nhận trong Hợp đồng bản quyền giữa AVG và VFF. (Nhật Duy) |
Lan Phương
Bình luận (0)