Hỗn loạn chờ tiêm vắc xin: Trách nhiệm của ai?

27/12/2015 06:01 GMT+7

Nhiều ý kiến bạn đọc sau bài Hỗn loạn chờ tiêm vắc xin đăng trên Thanh Niên ngày 26.12 đã nhắc đến trách nhiệm của ngành y tế, cụ thể trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Nhiều ý kiến bạn đọc sau bài Hỗn loạn chờ tiêm vắc xin đăng trên Thanh Niên ngày 26.12 đã nhắc đến trách nhiệm của ngành y tế, cụ thể trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Nhiều người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin 5 trong 1 tại TP.HCM - Ảnh:L.NgọcNhiều người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin 5 trong 1 tại TP.HCM - Ảnh:L.Ngọc
Quá khổ!
Đọc bài báo, tôi hình dung cảnh những bà mẹ vừa mới sinh con được mấy tháng đã phải chầu chực, chen lấn trong sự hỗn loạn để mong con mình được tiêm mà ứa nước mắt. Tại sao lại xảy ra tình cảnh này ở thế kỷ 21? Một đất nước đã từng là quốc gia đầu tiên ở châu Á ký vào Công ước về quyền trẻ em mà sao sự chăm sóc y tế cho trẻ lại bầy hầy đến vậy? Quá khổ cho những người có con nhỏ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện này?
Đình Dũng
(Q.12, TP.HCM)
Bị động hoàn toàn
Theo dõi tình hình khan hiếm vắc xin và sự hoang mang của các bậc phụ huynh trong nhiều tháng qua, tôi thấy ngành y tế rất thiếu tính chủ động, xem như bị động hoàn toàn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu trẻ em. Vấn đề này rất lớn, cần phải có chiến lược, kế hoạch lâu dài, tại sao lại để rơi vào thế bị động suốt gần 2 năm trời như vậy?
Nguyễn Thị Lệ
(Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng)
Cần làm rõ trách nhiệm
Lãnh đạo ngành y tế nói rằng khan hiếm vắc xin, tại sao vẫn có vắc xin tiêm chui; rồi trước tình trạng rất nhiều phụ huynh bồng bế con đi tiêm ngừa ở Singapore, vẫn không có giải pháp để đáp ứng cho nhu cầu vắc xin dịch vụ trong nước. Khi nhập được vắc xin về, tại sao không có khuyến cáo, tuyên truyền cho các bà mẹ biết là sẽ tiêm theo hình thức cuốn chiếu, những trẻ cận ngày sẽ tiêm trước, trẻ có thể chờ (tức là chưa đến tháng thứ 4 như khuyến cáo của WHO) thì sẽ tiêm sau, để giảm tải cho các cơ sở y tế?... Theo tôi, cần làm rõ trách nhiệm về những chuyện này.
Trần Ngọc Huy
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Khủng hoảng lòng tin
Tôi rất đồng ý với bà Phạm Khánh Phong Lan là việc khan hiếm, thiếu hụt vắc xin thời gian qua đã làm “khủng hoảng lòng tin” trong nhân dân đối với ngành y tế. Dù có nỗ lực cải cách, đổi mới bao nhiêu đi chăng nữa nhưng riêng cái vụ vắc xin này thì quả thật ngành y tế nước nhà còn rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Ai có con cháu cần tiêm vắc xin mới hiểu rõ sự bức xúc này lên cao độ như thế nào!
Nhật Linh
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
Có phải tạo khan hiếm giả ?
Trong khi nhiều quan chức ngành y tế cứ phân trần là thế giới đang rất khan hiếm vắc xin, khi dư luận xã hội bức xúc, thì đùng một cái có ngay hàng trăm ngàn liều vắc xin được nhập về, các quốc gia lân cận vẫn dư vắc xin để tiêm cho trẻ. Đó có phải là tạo khan hiếm giả, để một số người “đục nước béo cò”? Là người dân, tôi đề nghị phải điều tra làm rõ chuyện này, với cấp độ quốc gia, vì đây là chuyện vô cùng lớn.
Văn Tuấn
(tuanvan1966@yahoo.com)
Mai Thị Hồng
Tại sao các bậc phụ huynh phải thức từ ba bốn giờ sáng để đăng ký chích ngừa cho trẻ, dù đó là chích dịch vụ, phụ huynh muốn như thế hay sao? Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ các nhà quản lý y tế hãy một lần tự mình đưa con trẻ đi chích ngừa sẽ thấy được nguyên do, lúc đó mới đánh giá đúng thực tế, để có được kế hoạch phù hợp về quản lý, phân phối về lĩnh vực vắc xin vì nhu cầu sử dụng rất cao, rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Mai Thị Hồng
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Xảy ra tình trạng hỗn loạn trong việc tiêm vắc xin là do cơ quan quản lý yếu kém. Và điều này ngành y tế phải nhìn thấy để khắc phục ngay trong thời gian tới, xin đừng quanh co vì ai cũng thấy được điều đó cả.
Lê Văn Bửu
(Q.12, TP.HCM)

An Phong - Bùi Chiến
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.