(iHay) Trong khi những hoạt động du lịch thương mại tại Sa Pa nhuốm màu sắc thị trường gây không ít thất vọng cho du khách, thì cách đó tầm 70 km về hướng đông bắc thành phố Lao Cai, có một nơi vẫn còn giữ được nét văn hóa truyền thống độc đáo của chợ phiên vùng Tây Bắc. Đó là chợ phiên Bắc Hà.
>> Say' thắng cố chợ phiên Đồng Văn
|
Chợ phiên Bắc Hà được mở vào mỗi sáng chủ nhật ngay trung tâm thị trấn và được coi là chợ phiên lớn nhất của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, là nơi mua bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa của người Mông, Giáy và Dao, Tày, Nùng... từ bao đời nay.
Từ 2-3 giờ sáng chủ nhật, khắp các bản làng heo hút xa xôi, những cư dân vùng núi này đã gùi nai nịt gọn gàng để xuất phát đi bộ, leo qua mấy ngọn đồi tìm đến chợ. Đa số gùi hàng trên lưng, nhưng nếu mang quá nhiều hàng hóa, có nhà phải cột lên lưng ngựa, rồi cứ thế, dẫn ngựa vượt từ ngọn núi này sang ngọn đồi nọ để đến kịp chợ phiên, mở lúc trời vừa rạng sáng.
|
Ngoài những sản vật thu hoạch từ trên nương như dưa gang, mận, lê hay những vật dụng cần thiết cho người làm rẫy như dao, xẻng, cuốc… rượu ngô Bản Phố của người Mông là một trong những đặc sản tại phiên chợ này.
Song những chiếc túi xách thổ cẩm được dệt bằng tay của những phụ nữ Mông, Dao, Tày, Nùng với giá rẻ “kinh hồn” lại hút hồn du khách. Một chiếc túi xách thổ cẩm nếu mua tại Sa Pa có giá 120.000 - 150.000 đồng/chiếc thì ở đây chỉ có giá từ 25.000 - 30.000 đồng/chiếc.
Độc đáo hơn là mua bán nhộn nhịp trâu bò ngựa tại khoảng sân rộng mênh mông sau chợ.
|
Một con ngựa/trâu có giá khoảng 4-5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều tay buôn chuyên nghiệp từ dưới xuôi lên chỉ trả với giá 6 triệu đồng/2 con. Trưa, chợ cũng có người bán. Một phụ nữ che dù, mặc đúng bộ đồ truyền thống của gái Mông, địu con sau lưng cho biết năm nay cô 16 tuổi, đang chờ chồng bán ngựa xong cho tiền mua áo đẹp.
Một bộ váy áo đẹp theo cô cho biết khoảng 500.000 đồng. Ngựa bán được 3,5 triệu đồng, chồng đến đưa ngay cho cô vợ 16 tuổi 500.000 đồng, rồi nhanh chân bá cổ bá vai những người bạn đang chờ vào trong chợ mua rượu hoặc tìm tí đồ nhấm.
|
Có một chi tiết thú vị là ngay tại các quầy bán thịt heo, trâu, nhiều đàn ông người dân tộc ở đây lại chơi trò thách đố kiểu “chặt đúng” khá thú vị. Hình thức là vài ba người đàn ông trong chợ sẽ đặt cược một anh chàng chặt một lượng thịt đúng cân nặng họ yêu cầu.
Nếu đúng, người chặt sẽ lấy số thịt đó mà không phải trả tiền, chính những người đặt cược phải trả tiền cho người bán. Nếu không chặt đúng cân lạng, phải trả tiền cho người đặt cược và lấy số thịt đó. Tuy nhiên, ai trả tiền thì cuối cùng các người đàn ông này đều mang đến một sạp bán thắng cố cạnh đó để luộc và cùng nhậu tại chợ.
|
Với người vùng cao, chợ phiên không chỉ đơn thuần là nơi mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là cơ hội họ gặp gỡ, uống rượu và chuyện trò nhâm nhi bên nồi thắng cố. Đây là món ăn truyền thống rất được yêu thích nơi đây, được nấu hổ lốn bởi: gan, lòng, phèo, bao tử, thịt... của heo hoặc trâu bò. Ai không quen sẽ rất khó nuốt.
Trưa tan chợ. Rất dễ bắt gặp cảnh người phụ nữ hí ha hí hửng ôm bịch áo váy đẹp, lưng địu con, lầm lũi đi sau những người chồng say ngật ngưỡng để về nhà. Nếu nhà có ngựa anh chồng người Dao sẽ nằm vắt ngang trên lưng ngựa, còn người vợ lặng lẽ dẫn ngựa đi bộ bên cạnh.
Theo những người lên đây mua trâu về mổ bán, trước đây, hoạt động của chợ chủ yếu là hàng đổi hàng chứ không phải trả tiền và thường đổi ngang nhau cho những ai có nhu cầu. Ví dụ một con lợn con có thể đổi được chú gà trống, con trâu đổi lấy con ngựa, cái xẻng đổi lấy thùng rượu ngô, chiếc túi xách đổi lấy 2 cây kem…
|
Người dân tộc tại chợ phiên Bắc Hà hôm nay dùng tiền đồng để mua bán, tuy nhiên, đến đây, du khách vẫn tìm thấy sự hồn nhiên, khoáng đạt và vô tư như tính cách vốn có của những người con vùng cao.
Phượt ký của Nguyên Nga
>> Rộn ràng chợ phiên Cán Cấu ngày cuối năm
>> Thử đi chợ phiên Tây Bắc
>> Bắc Hà ngày không chợ phiên
>> Khám phá chợ phiên Cán Cấu
Bình luận (0)