Hơn nửa triệu công nhân ngành than, thép Trung Quốc về lái taxi

31/07/2016 19:00 GMT+7

Nửa triệu trong số 1,8 triệu công nhân ngành than, thép bị sa thải ở Trung Quốc hiện đang làm tài xế cho Didi Chuxing, ứng dụng gọi taxi là đối thủ của Uber ở Đại lục.

Khi Luo kể chuyện mình lái xe taxi, ông sôi nổi đến mức thật khó ai nghĩ rằng ông từng làm công việc khác.
Thực ra, ông từng là công nhân trong ngành thép, là một trong khoảng 1,8 triệu người mất việc khi Trung Quốc can thiệp xử lý thực trạng thừa năng lực sản xuất ở hai ngành than và thép. Ông Luo có 21 năm làm việc tại doanh nghiệp nhà nước Wuhan Iron and Steel, song năm ngoái, ông bắt đầu làm tài xế taxi cho Didi Chuxing, đối thủ của hãng Uber ở Trung Quốc.
Chuyện ông Luo phải nhảy việc xuất phát từ đợt cải cách kinh tế của Bắc Kinh, chuyển mình từ chỗ tăng trưởng nhờ sản xuất và công nghiệp nặng truyền thống sang tăng trưởng bền vững hơn nhờ dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng. Dịch vụ gọi xe taxi Didi phản ánh sự thay đổi này: công ty hiện có khoảng 530.000 cựu công nhân ngành than, thép trong biên chế.
Với người lao động như ông Luo, bước chuyển kinh tế nước nhà đồng nghĩa với xáo trộn trong kế sinh nhai. Sau khi bị sa thải, ông bắt tay vào tìm việc mới, chơi chứng khoán nhưng không kiếm được bao nhiêu. Tiếp theo, ông được một người bạn làm việc cho Didi giới thiệu đến công ty. Nửa năm sau, ông hạnh phúc với giờ làm việc ngắn hơn nhưng được trả nhiều tiền hơn so với thời làm công nhân thép.
“Trước đây tôi không biết về loại công việc này. Giờ đây tôi thấy độc lập khi xây dựng lịch làm việc riêng, tôi có thêm thời gian dành cho con trai và lương của tôi cũng tăng”, người đàn ông 43 tuổi chia sẻ.
Ông bắt đầu ngày mới lúc 6 giờ và thường nhận chở khách trong tám tiếng trước khi về nhà giúp con làm bài tập. Hiện ông kiếm được hơn 2.000 nhân dân tệ, tương đương 300 USD, so với thời làm ở Wuhan Steel. “Công nhân như là robot ấy”, ông nói khi hiện đã tìm được việc hấp dẫn hơn.
Linh vật đặt phía trước trụ sở Didi Chuxing ở Bắc Kinh (Trung Quốc) Reuters
Khi chính phủ Đại lục dành quỹ riêng để hỗ trợ công nhân thất nghiệp tìm việc làm mới, các hãng tư nhân như Didi cũng nhân cơ hội này tuyển thêm nhân viên. Didi Chuxing vừa nhận khoản đầu tư 1 tỉ USD từ Apple và đang có hàng triệu tài xế trên khắp Trung Quốc.
Hãng cung cấp nhiều khóa đào tạo cho cựu binh và công nhân bị đuổi việc. Tất cả ứng viên được nhận đều phải trải qua vòng xem xét lý lịch, phỏng vấn, kiểm tra và học về mọi thứ, từ an toàn đến cách phục vụ khách hàng. Khoảng 80% tài xế là cựu công nhân ngành công nghiệp nặng đang nhận mức lương bằng, hoặc cao hơn so với hồi làm ở nhà máy.
Tại Wuhan Steel, một trong các doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới, khoảng 40.000 nhân công đã bị sa thải. Tháng trước, hãng này cho hay họ sẽ sáp nhập với Baosteel, một công ty thép lớn khác của Đại lục. Việc chuyển đổi nền kinh tế là thách thức với Trung Quốc, nước đang có mức tăng trưởng hằng năm thấp nhất 1/4 thế kỷ.
Đôi khi, Bắc Kinh vẫn dùng nhầm giáo trình kinh tế cũ khi thực hiện các biện pháp để kích thích nhanh nền kinh tế, thay vì gắn bó với các cải cách sẽ giúp họ về lâu dài.
Giống như chính phủ, Luo còn khá băn khoăn về tương lai nghề nghiệp của mình. Ông dự định làm ở Didi vài năm nữa trước khi suy nghĩ lại. Dù nói rằng mình thậm chí sẽ xem xét chuyện quay lại làm công nhân thép, sau đó ông lại cho hay: “Làm taxi có nhiều thứ tốt. Tôi có thêm thời gian cho gia đình”.

tin liên quan

Trung Quốc đang 'bỏ quên' giáo trình kinh tế
Khi Đặng Tiểu Bình từ bỏ đường hướng của Mao Trạch Đông, lèo lái nước nhà hòa vào kinh tế thế giới đầu thập niên 1980, Trung Quốc được cho là thủ khoa chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.