Ông Trương Đức Giang, nhân vật quan trọng thứ 3 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 17.5 bắt đầu chuyến thăm Hồng Kông kéo dài 3 ngày để bàn về tương lai cũng như tình hình của đặc khu này trước cuộc bầu cử chọn lãnh đạo mới.
Ngay trước chuyến đi của ông Trương, nhiều người Hồng Kông đã thể hiện sự chống đối. South China Morning Post cho biết chính quyền Hồng Kông đã huy động 6.000 cảnh sát, tức 1/5 số cảnh sát của thành phố này, để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của ông.
Cảnh sát huy động cả đội đặc nhiệm Phi Hổ (Flying Tigers) tham gia vào công tác an ninh, cử thợ lặn rà mìn ở cảng Victoria, nơi gần trung tâm hội nghị và khách sạn Grand Hyatt mà ông Trương Đức Giang sẽ đến. Bốn cảnh sát túc trực 24 giờ để bảo vệ ông Trương bất kể ông ở đâu.
Giao thông ở trung tâm hội nghị và khách sạn Grand Hyatt được phong tỏa, xe lưu thông hạn chế hoặc bị cấm tùy từng tuyến đường trong thời gian ông Trương có mặt.
tin liên quan
Đón quan chức Trung Quốc, Hồng Kông trấn áp Hội Tam HoàngCảnh sát Hồng Kông ra tay truy quét các thành viên của Hội Tam Hoàng trước chuyến thăm của một quan chức cấp cao Trung Quốc.
Trong khi đó, những người phản đối đã treo pano lớn ở núi Sư Tử với dòng chữ “bầu cử phổ thông đầu phiếu” cho Hồng Kông, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thành phố, theo tờ Apple Daily.
Cảnh sát cho biết một nhóm biểu tình sẽ kéo đến khu vực hội nghị nơi ông Trương Đức Giang có mặt. Tuy nhiên, cuộc biểu tình này không được phép của chính quyền, theo Bloomberg.
|
Bloomberg nhận định chuyến thăm của ông Trương được chú trọng an ninh hơn cả chuyến đi của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Hồng Kông nhân kỷ niệm 15 năm thành phố này được trao trả cho đại lục, hồi năm 2012. Nguyên nhân là căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Hồng Kông liên quan đến quyền tự quyết của đặc khu này.
“Ông Trương đến để đánh giá tình hình chính trị của Hồng Kông, nếu chỉ vì Hội nghị 'Một vành đai, một con đường' thì ông ấy chả cần đến làm gì”, Ding Xueliang, giáo sư khoa học xã hội của Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông, nói.
“Ông ấy nên đến sớm hơn. Lúc này là thời điểm xấu nhất trong quan hệ Hồng Kông và đại lục”, ông nói tiếp, theo Bloomberg.
Những cuộc biểu tình liên tục của các tổ chức dân sự nhằm phản đối chính sách của Bắc Kinh, cao trào của làn sóng này là cuộc chiếm đường phố của phong trào “Dù vàng” do học sinh, sinh viên khởi xướng hồi năm 2014. Chính quyền Hồng Kông dường như không thể kiểm soát phong trào dân chủ, đòi độc lập ở đặc khu này.
“Điều quan trọng mà chúng tôi muốn nói với ông ấy là tình hình ở Hồng Kông rất tồi tệ”, bà Emily Lau, lãnh đạo của đảng Dân chủ, người sẽ tham gia cuộc gặp của ông Trương với giới chức Hồng Kông cho biết. Bà Lau đổ lỗi cho “tình hình tồi tệ” của Hồng Kông là do sự điều hành của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh, người luôn có quan điểm thân Trung Quốc.
Bình luận (0)