Họp Hội đồng tư vấn Việt - Mỹ về chất độc da cam: Thời điểm cho những thỏa thuận chính thức

09/09/2009 00:50 GMT+7

Trong rất nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, Việt Nam ưu tiên 2 nội dung chính: xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng để ngăn chặn các phơi nhiễm mới và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nạn nhân.

Đây là ý kiến được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Xuân Cường cho biết tại cuộc họp thường niên lần thứ 4 Hội đồng tư vấn hỗn hợp Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin (JAC) được tổ chức hôm qua (8.9) tại Hà Nội.

Theo ông Cường, chăm sóc nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin là một việc rất nặng nề và lâu dài, không chỉ riêng vấn đề y tế mà còn cả chính sách xã hội. Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết: trong số trẻ khuyết tật bẩm sinh có một số không nhỏ là do ảnh hưởng của chất da cam/dioxin mà ông bà hoặc bố mẹ là người bị phơi nhiễm; đồng thời bày tỏ mong muốn: nhóm công tác Việt - Mỹ về y tế được thành lập tại hội nghị sẽ nhanh chóng đề xuất được lộ trình, các giải pháp cụ thể, nhanh chóng triển khai, để mong muốn của hai phía về vấn đề này trở thành hiện thực.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Đại sứ Mỹ tại VN Michael Michalak ghi nhận việc thực hiện các dự án y tế và môi trường đã được bàn thảo trong cuộc họp năm 2008. Về mặt y tế, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã ký các thỏa thuận hợp tác có hiệu lực 3 năm với một số tổ chức nhân đạo để cung cấp các dịch vụ y tế và phục hồi chức năng và phát triển việc trợ giúp sinh kế cho người khuyết tật ở khu vực Đà Nẵng. Về khắc phục môi trường, Mỹ đã nhận các hồ sơ thầu và sẽ sớm công bố hợp đồng cho công tác đánh giá môi trường và chuẩn bị khắc phục tại sân bay Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ông Michael Michalak nhìn nhận rằng: vấn đề về chất da cam là "khá nhạy cảm đối với nhiều nhóm người ở Mỹ và Việt Nam". Ông M.Michalak cũng cho rằng sự hiểu lầm và thông tin sai lệch đã khiến tình hình tiến triển phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, Đại sứ Mỹ cho rằng có thể thông qua đối thoại cởi mở, thẳng thắn như đã diễn ra trong 3 cuộc gặp trước đó của JAC. Trong những năm gần đây phía Mỹ đã có những biểu hiện tích cực trong vấn đề chất độc da cam dioxin như việc quyết định chi 3 triệu USD vào năm 2007 và 3 triệu USD năm 2009 cho việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT, sau cuộc họp lần thứ 3 hồi tháng 9.2008, nhóm công tác môi trường Việt - Mỹ đã được thành lập và đã đưa ra được lộ trình, giải pháp kỹ thuật để xử lý các điểm ô nhiễm nặng tại phía bắc sân bay Đà Nẵng và các kết quả này được phía VN đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Cường, khoản kinh phí mà Chính phủ Mỹ công bố dành cho tẩy độc môi trường tại sân bay Đà Nẵng đến nay vẫn chưa được triển khai để kết quả tư vấn của nhóm công tác về môi trường và của Hội đồng tư vấn trở thành hiện thực như mong muốn của cả hai phía.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự phối hợp giữa chính phủ VN và Mỹ trong năm qua trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả cụ thể còn rất hạn chế. Vì vậy đã đến thời điểm chính phủ hai nước cần có những thỏa thuận chính thức với một chương trình dài hạn, hiệu quả cho vấn đề này, ông Cường nhận định.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.