Đây là những công việc nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành khảo cổ học giữa Viện Lịch sử Văn hóa vật chất và Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, với đề tài “Quá trình hình thành các nền văn minh sớm ở miền Nam VN qua tư liệu khảo cổ học. Kinh nghiệm nghiên cứu khảo cổ học Trung Á và văn hóa Kushan ở Nga”. Thực hiện chương trình này, đoàn sẽ khảo sát các sưu tập hiện vật khảo cổ học bảo quản tại các bảo tàng địa phương và điều tra các di tích khảo cổ ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và TP.HCM.
Việc khảo sát và đào thám sát này nhằm có cơ sở lựa chọn các di tích có triển vọng để có thể tiến hành các cuộc khai quật trong chương trình hợp tác trong năm tiếp theo. Kinh phí thực hiện chương trình do Quỹ Khoa học Nhân văn của Chính phủ Nga tài trợ (trong 3 năm).
Sau khi khảo sát di tích khảo cổ học Cát Tiên, tiến sĩ Zavyalov Vladimir Alekseevich cho rằng, đây là một di tích vĩ đại với nhiều hiện vật quý có khả năng phát triển du lịch rất tốt - sẽ là một trong những điểm tham quan rất có giá trị. Cũng theo tiến sĩ Alekseevich, một trong những hiện vật quý là chữ viết trên đá và vàng, chữ viết bao giờ cũng cung cấp những thông tin về lịch sử hết sức quý báu... Di tích Cát Tiên sẽ được nghiên cứu trong nhiều năm nữa…
Gò 2 - khu di tích Cát Tiên |
PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Giám đốc Bảo tàng trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết: Đây là lần trở lại thứ 3 của các tiến sĩ ngành khảo cổ học ở Viện Lịch sử Văn hóa vật chất. Trước kia, khoảng từ những năm 1988 - 1992, các tiến sĩ ở Viện này đã phối hợp với các nhà khảo cổ học VN khai quật phế tích kiến trúc dạng đền đài Hindu giáo ở Cây Gáo (lòng hồ thủy điện Trị An hiện nay) và một số di tích nguyên thủy ở Tây Ninh. Được biết, Viện Lịch sử Văn hóa vật chất chuyên nghiên cứu về lịch sử văn hóa châu Á và có đội ngũ chuyên gia về châu Á hàng đầu Nga.
Gia Bình
Bình luận (0)