HoREA phản đối tăng hệ số K quá cao

Đình Sơn
Đình Sơn
06/03/2019 10:29 GMT+7

Việc UBND TP.HCM trình HĐND TP đề xuất tăng hệ số K để áp dụng trong năm 2019 đã vấp phải sự phản đối của dư luận.

Trước việc UBND TP.HCM có tờ trình gửi HĐND TP.HCM điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn TP (hệ số K), với mức đề xuất tăng từ 19 đến 30,7% so với năm 2018, HoREA đã phản ứng và cho rằng mức tăng này quá cao và chưa hợp lý.
Cụ thể UBND TP.HCM đã đề xuất tăng hệ số K áp dụng trong năm 2019 so với năm 2018. Trong đó hệ số K tại khu vực 1 dự kiến tăng 19%, khu vực 2 dự kiến tăng 21%, khu vực 3 dự kiến tăng 23,5%, khu vực 4 dự kiến tăng 26,6% và khu vực 5 dự kiến tăng đến 30,7%. Theo UBND TP, sau khi tổng hợp ý kiến các quận huyện, sở ngành và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thì hầu hết các đơn vị đều thống nhất với đề xuất điều chỉnh hệ số K. Do vậy việc điều chỉnh hệ số K cho phù hợp thực tế là cần thiết.
Thế nhưng thực tế, HoRea không đồng tình với đề xuất này. Bởi theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hệ số K tác động chủ yếu đến hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện thủ tục hợp pháp hóa quyền sử dụng đất ở ngoài hạn mức; tác động đến doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khi thuê đất hoặc giao đất trong một số trường hợp, kể cả đối với dự án bất động sản quy mô nhỏ, có mức thu tiền sử dụng đất dưới 30 tỉ đồng. Việc xây dựng hệ số K hiện nay dẫn đến hộ gia đình, cá nhân tại các quận ven và các huyện ngoại thành phải chịu tỷ lệ tăng hệ số điều chỉnh giá đất cao hơn các quận nội thành, tác động trực tiếp đến số đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị cư trú xa trung tâm.
Không những vậy, bảng giá đất và hệ số K còn tác động trực tiếp đến nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của đông đảo hộ gia đình và cá nhân, mà đa số là sử dụng nhà để ở, không có kinh doanh dẫn đến nhiều hộ phải xin được nợ tiền sử dụng đất. Đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo để đảm bảo ổn định an sinh xã hội về nhà ở, vì có thể dẫn đến tình trạng nợ tiền sử dụng đất gia tăng trong thời gian tới đây. Bên cạnh đó, tổng số nợ ngân sách Nhà nước về đất năm 2018 tăng 38,2% so với tổng số nợ năm 2017 cũng là hiện tượng cần được nghiên cứu, giải mã để có chính sách phù hợp.
“Bảng giá đất và hệ số K cũng có tác động nhất định đến giá cả của thị trường bất động sản và người dân nên TP cần xem xét quyết định áp dụng mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 tương đương cách tính mức tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 theo Quyết định 09, tăng từ 5 - 8,33% so với năm 2017, vì mức đề xuất tăng từ 19% đến 30,7% là quá cao và chưa hợp lý”, ông Châu kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.