(Tin Nóng) Ít người biết được một trong những vai trò quan trọng nhất của quân đội Nga lại nằm trên bốn chân của người bạn thân nhất của con người: loài chó, với khoảng 6.000 quân khuyển.
|
Ai nấy đều biết về các chú cảnh khuyển, nhờ vô số chương trình và phim ảnh quay lại hoạt động thường ngày của những đặc vụ bốn chân. Tuy nhiên, những chú chó phục vụ trong các lực lượng vũ trang trên thế giới lại thường bị lãng quên.
Theo trang tin Russia beyond the headlines (RBTH, Nga) ngày 14.4, tại Nga hiện có khoảng 6.000 chú chó chiến đấu đang tại ngũ. Được trao trọng trách định vị thiết bị gây nổ và tuần tra, các quân khuyển của lực lượng Nga trải qua quá trình huấn luyện vô cùng kỹ càng và khắt khe tại Trung tâm Huấn luyện Chó nghiệp vụ số 470. Tại đây, có hơn 400 ứng viên tương lai cho vị trí huấn luyện quân khuyển đã bước vào giai đoạn cuối trong quá trình chuẩn bị trước khi trở thành huấn luyện viên chính thức.
Kiên nhẫn và hòa nhã
Kể từ khi việc huấn luyện quân khuyển được xem là một trong những nghề nghiệp có uy tín nhất trong lực lượng vũ trang Nga, Bộ Quốc phòng có khuynh hướng chọn những dân thường có nghề nghiệp tương tự như bác sĩ thú y hoặc chuyên viên chăm sóc thú tại các sở thú. Bên cạnh đó, tính cách cá nhân cũng là yếu tố quan trọng. Những người kiên nhẫn, hòa nhã, có trách nhiệm và chịu đựng được những hoạt động đơn điệu có cơ hội cao để được tuyển dụng, vì công tác huấn luyện chó thường xuyên phải phát ra những mệnh lệnh tương tự và triển khai những bài tập giống nhau.
Việc chọn được đúng người phù hợp đã là thành công một nửa, đặc biệt trong những giai đoạn ban đầu của quá trình chuẩn bị, cả người lẫn chó có thể xảy ra va chạm đáng kể, gây cản trở cho mục tiêu huấn luyện. “Dù nghe hơi lạ tai, nhưng giai đoạn chuẩn bị ban đầu là khó khăn nhất”, ông Vadim Popov, công tác tại trung tâm huấn luyện chó số 470 nói với RBTH. Theo Popov, quá trình chuẩn bị về mặt tổng thể không khác mấy so với các khóa huấn luyện chó dân sự.
“Đối tượng được huấn luyện luôn đi sát bên bạn, với vòng cổ và dây buộc, được huấn luyện để nhảy, leo thang đứng và bơi lội. Khi bạn bắt đầu tương tác với con vật, bạn sẽ phạm sai lầm: Bạn phát ra những mệnh lệnh sai và con vật sẽ không hiểu được bạn muốn gì. Hoặc bạn tỏ ra quá đòi hỏi đối với con vật, đánh giá quá cao khả năng của chúng”, ông Popov nói.
Tuy nhiên, bằng việc bắt tay vào khóa huấn luyện kỹ năng quân sự, mọi việc bắt đầu có tiến triển và chuyện dạy quân khuyển sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn huấn luyện chúng làm những nhiệm vụ khó, như phản ứng trước pháo sáng chỉ đồ tiếp tế hoặc chất nổ, phân biệt được mặt trước với đằng sau, và ngăn cản những kẻ xâm nhập.
|
Kỹ năng sống còn
Trung tâm 470 hiện tập trung vào hai mục tiêu chính khi huấn luyện: Phát hiện mìn và tuần tra. Nhiệm vụ của chó tuần tra là phát hiện một kẻ xâm nhập ở khoảng cách xa và bắt đầu sủa báo động để cảnh báo lính gác về sự hiện diện của kẻ lạ. Quân khuyển được huấn luyện để tự quyết định có nên tấn công hay không, và nếu cần chúng sẽ khống chế kẻ xâm nhập.
Do nguy cơ tấn công khủng bố ngày càng nghiêm trọng hơn, chức năng dò mìn đang được đặt nặng hơn so với nhiệm vụ tuần tra. Đây cũng là chức năng trời sinh cho loài khuyển và hiện vẫn chưa có công nghệ nào sánh được.
Theo tư lệnh quân đội Dmitry Karchevsky, mũi chó là “phát minh lớn nhất” về khoản đánh hơi. Thậm chí những thiết bị dò mìn phức tạp nhất cũng có thể không phản ứng trước thiết bị bọc nhựa chứa chất nổ, nhưng loài chó chắc chắn sẽ tìm ra nó. Những huấn luyện viên có kinh nghiệm xác nhận rằng trong một nhiệm vụ, một công binh khuyển có thể ngửi ra mùi thiết bị nổ ở bên dưới 2 tầng lầu.
Năng lực đánh hơi dao động theo giống chó. Đối với công tác dò mìn, loài chó Spaniel và Labrador là số một, trong khi các giống chó Shepherd, Rottweiler và Moscow Watchdog đứng nhất về khoản tuần tra, do chúng to xác hơn, khỏe hơn và cừ hơn.
Đời quân ngũ của loài khuyển
Đôi khi, chó nhập ngũ cùng với chủ của chúng trong khoảng 1 năm và rời vị trí. Tuy nhiên những trường hợp như vậy khá hiếm. Thông thường, chó và đồng đội người gặp nhau tại trung tâm huấn luyện và chúng thường tại ngũ trung bình khoảng 8 năm, so với 1 năm của đời lính nghĩa vụ. Do vậy, quân khuyển thường thay đổi đồng đội từ 7 đến 8 lần trong thời gian nhập ngũ.
Dù lúc nào cũng hoạt động bên nhau, nhưng binh sĩ không được phép mang quân khuyển về nhà. Chúng là tài sản của Bộ Quốc phòng Nga, cũng giống như xe tăng và máy bay chiến đấu. Tyu nhiên, một khi giải ngũ, quân khuyển được quân nhân nhận nuôi và được chăm sóc đàng hoàng cho đến khi chết.
Phi Yến
>> Tấm ảnh cô bé khóc bên xác chó ở Việt Nam lên báo nước ngoài
>> Chủ hút thuốc, chó chết vì ung thư phổi
>> Chú chó được cứu khỏi nhà hàng Việt ở Thái Lan đoạt giải thưởng quốc tế
>> Chó cưng thừa hưởng tài sản triệu đô
>> Chó H’Mông cộc đuôi, chó săn cổ của đại ngàn
>> Dạy chó lái xe
>> Luyện chó phục vụ bia
Bình luận (0)