Huế

10/10/2020 06:12 GMT+7

Mọi thứ có thể rời xa, trong thoáng chốc hay mãi mãi, nhưng vẫn niềm tin cũ: Huế đủ thiết tha cho những ai đã từng và sẽ đến.

Nếu ở lâu, những cơn mưa dầm sẽ khiến người kiên nhẫn, biết lắng nghe, hòa vào dòng sông mặc tưởng trong cái thơm tho của một giấc ngủ vùi những ngày chớm đông; nếu thoáng qua một góc phố, một giáo đường, một cổ tự, một con đường dài trong thinh lặng, dưới tàng cây, nắng chỉ kịp ghẹo má hồng, thì bạn sẽ yêu Huế bất chấp, yêu Huế không ngần ngại.
Bốn mùa, xứ này, tuy không rõ như đâu đó, nhưng cũng kịp vấn vương nỗi niềm ở cỏ cây, sông nước và những tâm hồn đa cảm mang tên Huế.
Một ngày tháng giêng, cỏ tràn ra sông, xuân nõn nà triền cỏ, xuân thơm hương sông thì con gái, xuân đậm vị mứt gừng Kim Long, thứ cay không chỉ ba vạn sáu nghìn ngày, cay để mà nhớ, để mà trông, để người con tha hương tận trời Tây vẫn đoái mong một lát mứt gừng mẹ ngào vào ngày cũ.
Thu ngang qua xứ này với trời xanh, trong, và gió, trời như thấp hơn trời mùa hạ bởi bộn bề mây trắng, núi lô xô phía cầu Dã Viên. Chỉ nhìn mây núi thôi, đã thấy đời nhiều mộng tưởng.
Vào hạ, trời cao xanh, nắng hong tinh tươm những bó hương trên đường dẫn lên lăng Tự Đức. Chè hạt sen Tịnh Tâm bọc nhãn lồng Đại Nội phải duyên nhau nên chịu đời Ngưu Lang Chức Nữ bởi hái nhãn năm nay thì phải mất hai năm cây mới lại cho quả. Đợi một trái nhãn lồng, sen và người cũng hóa ngẩn ngơ.
Đông, giấc ngủ người Huế có phần mộng mị, kệ ai đó xúng xính áo mưa trên phố, mặc ai đó đã quàng dở khăn lên cổ, chỉ đoái hoài nhấc đầu ra khỏi gối khi ai đó hát bài Tôi đưa em sang sông. Đông xứ này như con gái mới lớn ngủ dậy muộn, cuộn mình trong chăn ấm, chỉ một chút co vẫn hít hà vì lạnh.
“Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây” của hồn Trịnh vang lên khi vòng tay chưa kịp đan nhau, Diễm đã lướt qua đời kẻ lụy, để ai đó mãi vùi quên trong tay một đóa hồng. “Tôi yêu Huế như mắt em”, nếu Trần Long Ẩn đã nói hộ lòng ai thì bấy giờ Diễm cũng nghìn thu xa cách. May mắn cho ai phải lòng một cô Diễm và cũng khắc khoải như ai nếu để vụt mất Diễm giữa cuộc đời bởi Huế đánh thức ở người đàn ông một bờ vai và nhắc nhở con gái Huế một mái đầu nương náu. Phụ nữ Huế, dựa vai chồng mà nhớ lời ba: “Thương chồng nấu cháo le le, nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”.
Hoa ở Huế không muôn thắm nghìn hường nhưng là cốt cách người Huế đó. Dù thành phố hay nông thôn, nét dễ nhận ra của những khu vườn Huế là sân trước chào đón khách bằng một cây hoàng mai, mộc lan hay hồng cổ, những loài “tuy kín tiếng ở màu sắc nhưng đài các ở hương thơm” (Nguyễn Quang Hà).
Huế không chỉ có hoa, Huế còn có quả. Mẹ dặn con: “Vội vàng chi nhãn tháng năm, ung dung ngồi đợi hồng ngâm tháng mười”. Hồng thắp nắng cả ngày trong những khu vườn Huế, quả ngon nhưng chỉ đủ cho người thân. Thanh trà Thủy Biều quyến luyến du khách từ hương hoa tháng hai, với những gốc cây được vun cao sạch sẽ, tới tháng tám, thanh trà vào mùa, vị ngọt thanh, tép giòn, ráo nước, ráo chứ không khô, quả ngon nằm ở hướng mặt trời.
Món Huế dễ khiến người ta nhung nhớ. Buổi sáng, chỉ với 5 ngàn, các bạn sinh viên đủ ấm dạ đến trường, cứ một đời cơm bụi nuôi ước mơ mai kia sẽ là bác sĩ, kỹ sư, là Lưu Nguyễn giữa cuộc đời. Cái xứ ra đường là gặp sinh viên, đời huyền thoại đạp xe long nhong giữa phố, mùi mồ hôi chua lét cũng cố leo dốc Nam Giao đưa nàng lên Thiên An. Xe đạp là một ân tình với sinh viên nghèo và tình tự cũng là một ân tình của Huế.
Muốn trốn xa phố thị phải ở trong lòng Huế, vì Huế có đủ cả mơ và thực, cả đời và mộng. Xuôi nẻo về Vĩ Dạ hay ngược mạn lên Kim Long, Huế rộng rãi ban trải sự bình yên cho những tâm hồn. Huế, vì thế, không khiến ai cảm thấy mình lạc lõng. Huế không giàu nhưng có nếp văn minh của khu phố Tây giữa lòng thành phố. Tiếng Huế trầm, ấm chứ không nặng, xứ ni trầm mà không buồn.
Mỗi góc phố đều tựa mình vào thơ và nhạc nên chỉ đi qua vẫn ngoái đầu nhìn lại, tiếng guốc nào vọng lại khi Diễm đã xa, giáo đường nào rêu phong ngày thánh lễ?
Huế được yêu chiều nên Huế có chút đặt để, nhưng Huế không tự phụ. Khi một cô gái thỏ thẻ: “Tím ni là tím Huế, mưa ni là mưa Huế…” là tại nàng muốn lâu dài để ai đó phải biết đến Huế và gìn giữ Huế mà thôi.
Cũng có người xếp Huế lại mà đi, ra đi cũng nhọc lòng, rồi lại nhớ nhung. Đó là cái giá phải trả khi ai đó lỡ tơ vương Huế trong kỷ niệm của mình. Huế đẹp vì Huế lừng khừng, vì Huế chầm chậm, tưởng chừng như trễ nải. Nếu gấp gáp, Huế không là Huế nữa. Liệu ai còn muốn thấy một Huế không phải là cố nhân?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.