Huệ Thi với những sợi ‘Tơ trời’ khắc khoải

24/07/2021 14:00 GMT+7

Đọc Tơ trời của Huệ Thi, người đọc như trở về với những gì của đời thường, những gì gần gũi, thân thương nhất. Ở đó là những câu chuyện tình yêu, là cuộc sống trần thế với nhiều những cung bậc, thanh âm và sắc màu khác nhau.

Bao trùm lên cả tập Tơ trời của Huệ Thi là nỗi nhớ, sự lỡ hẹn, những hoang hoải, bất trắc trong tình yêu. Để rồi lúc nào nhà thơ cũng đau đáu, day dứt, suy tư, trăn trở về nó. Đó cũng là dịp để nhà thơ giãi bày, bộc lộ những nỗi niềm sâu kín của lòng mình.
Điều dễ nhận thấy trong tập thơ Tơ trời là dày đặc những thanh âm buồn. Cái buồn và cô đơn trong thơ Huệ Thi là cái buồn và cô đơn của sự xa vắng, thiếu hụt, bội bạc trong tình yêu. Vì thế, người đọc nhận thấy tần số lặp lại liên tục của những hệ từ chỉ sự đau buồn, tổn thương trong hầu khắp các bài thơ. Ngay cả cách đặt tên nhan đề ở nhiều bài thơ cũng đã nói lên điều đó: Trả người về chốn tơ duyên, Yêu sai, Gói nhớ vào đêm, Buộc nhầm sợi tơ, Xóa sạch niềm riêng, Về nhặt sương khuya, Ta sẽ về đâu, Chữ tình một kiếp bán mua, Bạc tình, Còn gì cho ta, Vá mảnh đời nhau, Lỗi hẹn đời nhau, Yêu là một lần chết...
Vết thương trên thể xác có thể lành nhưng vết thương lòng không bao giờ lành hẳn. Mà nó luôn hiện diện, thường trực trong con người và cả trong suy nghĩ. Đặc biệt là những vết thương trong tình yêu. Vậy nên có lúc nhà thơ muốn “Trả người về chốn tơ duyên”: Mấy bận em ngập ngừng/ Trả anh về bên ấy/ Mà tim đau như vậy/ Hỏi của người hay em?/ Chắc người cũng đêm đêm/ Vuốt đau từng sợi tóc/ Tiếc một đời ngà ngọc/ Yêu anh và khổ đau... Mấy bận trời không xanh/ Dây tơ chùng muốn đứt/ Em buông tay rất thực/ Đi về phía bờ xa/ Anh là của người ta/ Em muôn đời lặng lẽ/ Cuộc đâu còn trẻ/ Sao đứng hoài ngã ba?...
Khao khát có một tình yêu lý tưởng khiến người phụ nữ trở nên mạnh mẽ, cái tôi cá nhân trỗi dậy một cách quyết liệt: Ước hóa khùng, ước nhớ nhớ quên quên/ Chẳng muốn biết sớm mai có còn được sống/ Cạn một ngày chắt chiu bằng tất thảy/ Là yêu thương là dâng hiến tột cùng (Đêm là đêm).
Tình yêu nồng cháy và cuồng nhiệt của người phụ nữ được bộc lộ một cách tinh tế qua những vần thơ giàu hình tượng, với những cách nói đầy ám ảnh: Và rồi em nhớ anh/ Nhớ quay quắt/ Nhớ gầy ruộc/ Nhớ mái tóc đôi phấn sợi bạc/ Cả ngàn lần em úp ngược vào môi/ Nhớ sương điểm da mồi/Tháng năm áo cơm xếp hằn thành khóe sóng.
Thơ Huệ Thi thể hiện tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên cảm xúc tâm trạng. Hầu như tất cả các bài thơ đều bắt nguồn từ một cảm xúc nào đó. Vốn là người nhạy cảm, nên cái gì thoáng qua mắt chị cũng tạo nên những trắc ẩn và làm chị nao lòng. Chị có linh cảm những điều không hay xảy ra, nên chị thấy sợ khi mùa đông về: Ta chắc nợ gì nhau/ Mùa đuổi mùa qua phố/ Đừng cợt đùa bão tố/ Rối bùng mái tóc xanh/ Mùa đông thật rồi anh/ Nhanh hơn từng nỗi nhớ (Sóng tình).
Và thơ Huệ Thi cũng chính là tiếng lòng trăn trở của một người phụ nữ khao khát mãnh liệt trong tình yêu. Đêm qua, gọi khát canh tàn/ Khóc cùng dĩ vãng, ăn mày nỗi đau (Bạc tình). Đằng sau đó là những cuộc tình không trọn vẹn, là tiếng nấc nghẹn, tiếng thở dài của nhân vật trữ tình. Ta về vá lại niềm riêng/ Chung chiêng mắc biết đổ miền đơn côi/ Vá lần/ Vá lữa vành môi/ Sơn tô chẳng dám sợ rời gối đêm (Vá mảnh đời nhau). Khi tình yêu lỡ nhịp, khi chuyến đò tình đã lỡ, nhân vật trữ tình “ta” đành ngậm ngùi, chua chát: Ta về vá lại hơn thua/ Che đôi mắt ướt sớm trưa đợi chờ/ Người đi nhớ ngẫm cùng thơ/ Ta ngồi vá chữ ngẩn ngơ bão đời (Vá mảnh đời nhau). Bởi nhà thơ ý thức sâu sắc rằng: Đời đàn bà được nhiêu lần đóng nữa?/ Chẳng buồn vui, mặc kệ tháng ngày/ Ngầm xếp lại yêu thương vào góc tối/ Đốt một lần và uống cạn tỉnh say (Xóa sạch niềm riêng).
Bên cạnh những bài thơ viết về người, về mình, Huệ Thi có một bài thơ hay viết về mẹ - viết cho mẹ với lòng thành kính thiêng liêng và sự biết ơn vô hạn. Với chị, dù có đi đâu, làm gì, dù đã trưởng thành đi nữa; trước mẹ mình vẫn bé bỏng muốn được mẹ ôm vào lòng để mẹ chỉ bảo, vỗ về. Nhưng giờ mẹ đã trở thành người thiên cổ, mẹ đã về với cỏ xanh mây trắng. Nhà thơ ngậm ngùi, xót thương mẹ bằng những câu thơ viết ra tận đáy lòng mình về mẹ. Người đọc cũng cảm thấy rưng rưng.
Mẹ ơi mưa hắt bên sông/ Đêm nay trăng khuất chuông ngân vọng về/ Tựa đời gọi khản u mê/ Cuốc kêu tìm bạn bốn mùa mênh mông
Mẹ ơi bên ấy vui không/ Nhớ con biết có xót lòng hay chăng/ Hay là mẹ hóa chị Hằng/ Đêm đêm rọi xuống nhân gian gọi thầm
Mẹ ơi đốt một nén trầm/ Thảo thơm xin gói lặng câm dâng người/ Thương con giữ vẹn môi cười/ Thu này, thu nữa... thu rời mẹ xa
Có lẽ ở miền cực lạc, người mẹ cũng cảm thấy ấm lòng vì có một đứa con hiếu nghĩa. Nét nổi bật và làm nên sự độc đáo trong thơ Huệ Thi đó là chị thể hiện cảm xúc nồng nàn, mạnh mẽ, mãnh liệt trong thơ của mình qua việc sử dụng rất nhiều biện pháp điệp. Hình thức điệp nhóm từ, hình ảnh thơ, câu thơ được Huệ Thi sử dụng khá hiệu quả trong việc bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình. Nhóm từ, hình ảnh thơ: anh, em, ta, người, bắt đền, ta về, ướp, này anh, đêm, thu, đau, phải chăng, một lần, nhớ, ở, đi, khóc, sầu... nhằm khẳng định, nhấn mạnh tâm sự yêu đương, khát vọng dâng hiến, nỗi đau đớn, sự thất bại đến xót xa của một hồn thơ giàu nữ tính.
Thơ là lẽ sống, là nơi giải tỏa, gửi gắm những buồn vui của cuộc đời. Với Tơ trời, Huệ Thi đã cho bạn đọc thấy được những nội dung phong phú của cái tôi trữ tình: cái tôi mãnh liệt khao khát yêu đương và cái tôi tự khẳng định mình. Thơ chị có giá trị trước hết ở sự chân thành, bởi một tâm hồn cháy bỏng yêu đương, những khát vọng vô bờ bến, một tính cách sắc sảo, sôi nổi và giàu nữ tính.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.