Vụ lật xe tải chở gỗ tại xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (Nghệ An) vào rạng sáng ngày 7.12 làm 10 người chết, 5 người bị thương nặng được xem như một thảm họa giao thông không chỉ đối với vùng cao xứ Nghệ mà là cả nước.
Cách đây khoảng nửa tháng, một thảm họa khác, với một “kịch bản” tương tự, đã làm 6 cửu vạn chết ngộp trong một chiếc xe tải chở gỗ tại huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi).
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hai vụ tai nạn trên đây có khác nhau, một đàng thì chết ngộp do nước tràn vào chiếc xe bị lật, một đàng thì gỗ trên xe đè chết, nhưng nguyên nhân sâu xa thì rất giống nhau. Đó là dùng xe tải để chở người, trong khi độ an toàn của xe lại không đảm bảo mà lái xe thì bất chấp nguy hiểm, cắm đầu cắm cổ chạy bạt mạng. Đừng nghĩ ở thành phố mới có “hung thần xa lộ”, ở miền núi, loại “hung thần chở gỗ” như hai trường hợp trên đây, đếm không hết hiện nay. Hằng năm, tỉnh nào cũng có người chết do xe chở gỗ bị lật tại các huyện vùng cao.
Rồi đây, các cơ quan hữu trách ở Nghệ An sẽ ngồi lại “mổ xẻ” để tìm nguyên nhân dẫn đến 10 cái chết thương tâm trên đây. Nào là tài xế chạy ẩu, qua khúc cua, đường trơn mà vẫn đạp ga nên xử lý không kịp; nào là do số người làm thuê trên xe giục chạy cho nhanh để sớm về nhà trước khi trời sáng, kịp làm việc khác… nhưng có một góc khuất rất dễ bỏ qua, đó là tình trạng “bệnh tật” của chiếc xe tải.
Ai cũng biết điều này: có đến 90% những chiếc xe tải dùng để chở gỗ hoặc vật liệu xây dựng cho các công trình trên miền núi hiện nay đều hết hạn sử dụng, được các ông chủ vận tải ở đồng bằng bán tống bán tháo để mua xe mới. Loại xe này mà tham gia giao thông ở đồng bằng, số tiền bị cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông phạt hằng năm có khi còn nhiều hơn giá trị chiếc xe. Vì vậy, các chủ nhân của loại xe “đời cô Lựu” này bèn chuyển địa bàn hoạt động lên miền núi. Lên núi thì xe loại này khỏi bị bắn tốc độ, không bị kiểm tra “quá tải quá khổ” nên tha hồ chở người, tha hồ chạy bạt mạng. Hậu quả thế nào thì như mọi người đã biết.
Câu hỏi đặt ra lúc này là: những chiếc xe quá đát trên đây, liệu có được các cơ quan đăng kiểm “tiếp sức” để lưu hành không? Thú thật, nhiều chiếc xe tải quá hạn đang chở gỗ ở miền núi mà vô tình “đi lạc” vào thành phố thì dân cả con phố ấy đều ngộp thở do khói từ chiếc xe nọ thải ra. Thế nhưng, chiếc xe ấy vẫn “chui qua lỗ kim” đăng kiểm để lưu hành đàng hoàng đấy. Vậy là, “hung thần trên núi” không hẳn tự dưng xuất hiện mà đôi khi chúng còn được “tiếp sức” bởi một vài cơ quan chức năng làm ăn tắc trách nữa.
Sự nghiêm khắc trong xử phạt đối với xe chở khách ở đồng bằng là rất cần thiết, song sự nghiêm khắc ấy cũng phải được áp dụng với cả những “hung thần trên núi” nữa thì mới mong chấm dứt được những thảm họa trên đây.
Trần Đăng
Bình luận (0)