‘Hung thần’ vẫn ngang nhiên tung hoành giữa phố: Trưởng phòng CSGT nói ‘đây là vấn đề tế nhị’

16/01/2019 07:44 GMT+7

Trong khi xe ben là “vấn đề tế nhị” thì liên quan việc xe buýt vi phạm, xe tải lưu thông vào giờ cấm, đường cấm..., Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM phát biểu khá mạnh mẽ.

[VIDEO] Uất ức nhìn những đoàn xe ben tung hoành lúc nửa đêm ở TP.HCM - Video tư liệu
Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài “Hung thần” vẫn ngang nhiên tung hoành giữa phố khiến người dân bức xúc nhiều năm nay, trả lời PV Thanh Niên hôm qua, trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM, nói: “Đây là vấn đề tế nhị nên sẽ trả lời sau”.
Xe ben vượt đèn đỏ ảnh: Đức Tiến
Xe ben vượt đèn đỏ ảnh: Đức Tiến
Xe ben vượt đèn đỏ Ảnh: Đức Tiến
Trong khi xe ben là “vấn đề tế nhị” thì liên quan việc xe buýt vi phạm, xe tải lưu thông vào giờ cấm, đường cấm..., vị trưởng phòng này phát biểu khá mạnh mẽ.

Nhà xe chấp nhận vi phạm, đóng phạt?!

Cụ thể, liên quan đến việc xe tải ra vào đường cấm, giờ cấm, trung tá Phong mong muốn “người dân có cái nhìn toàn diện về vấn đề này”. Theo ông Phong, trước đây theo quy định xe tải sau 0 giờ mới được vào TP nhưng hiện để đáp ứng nhu cầu nên TP chấp thuận cho xe tải được phép vào trung tâm sau 22 giờ. Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển của TP, nhiều phương tiện được Sở GTVT cấp giấy phép lưu thông vào đường cấm, giờ cấm.
Trung tá Phong trả lời báo chí sáng 15.1 ảnh: Công Nguyên
Trung tá Phong trả lời báo chí sáng 15.1 Ảnh: Công Nguyên
Theo tìm hiểu của CSGT, mỗi ngày có khoảng 2.500 lượt xe tải được cấp phép lưu thông giờ cấm, đường cấm. Một số phương tiện lợi dụng việc này để chạy sai quy định. “Khi CSGT kiểm tra xe tải vi phạm thì một số lái xe thừa nhận để đảm bảo hợp đồng với một công trình hàng tỉ đồng, nhiều nhà xe chấp nhận vi phạm giao thông, đóng phạt để không bị đền hợp đồng”, ông Phong nói và mong muốn giới lái xe, chủ xe chia sẻ những khó khăn của CSGT mà chấp hành luật giao thông cho tốt.
Bên cạnh đó, ông Phong “than” việc tác nghiệp của CSGT còn gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ khi CSGT tổ chức ra quân thì bằng cách nào đó giới lái xe biết nên không chạy; CSGT không thể tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát 24/24 trên tất cả các tuyến đường mà chỉ để xử lý xe tải; CSGT còn phải thực hiện nhiều công tác khác để đảm bảo an toàn giao thông...
Đối với số phương tiện được Sở GTVT cấp phép chạy vào giờ cấm ban đêm, CSGT cũng rất khó nhận diện được. Phòng CSGT đã đề nghị Sở GTVT cung cấp danh sách xe được cấp phép, nhưng với số lượng trên 2.000 xe được cấp phép để CSGT nhớ hết cũng rất khó khăn. “Trách nhiệm của CSGT chúng tôi luôn cố gắng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhưng để triệt tiêu các vi phạm giao thông thì đòi hỏi cộng đồng xã hội, từ phía chủ doanh nghiệp, từ phía người lái xe”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, để xử lý xe tải, xe ben chạy vào đường cấm, giờ cấm, CSGT đang phối hợp với Sở GTVT xây dựng đường dây nóng kết nối với các trung tâm có hệ thống camera để xử lý các xe này. “Chúng tôi đã xây dựng và xin ý kiến TP về đề án xử phạt qua camera nhưng do còn một số yêu cầu nên chưa triển khai. Các tuyến đường Trường Chinh - Cộng Hòa, Nguyễn Văn Cừ... đang nằm trong kế hoạch lắp đặt camera, tuy nhiên chưa triển khai được”, ông Phong nói.

Sẽ xử nghiêm xe buýt vi phạm

Liên quan đến bài “Hung thần” xe buýt giữa phố, trung tá Huỳnh Trung Phong khẳng định CSGT không phân biệt xe buýt với các phương tiện giao thông khác, thậm chí xác định xe buýt vẫn là đối tượng phải tập trung xử lý. “Sự nguy hiểm của xe buýt rất lớn, vì xe buýt to chở lượng hành khách nhiều nên khi xe buýt đi ẩu sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường và kể cả những người ngồi trên xe buýt”, ông Phong nói.
Để xử lý xe buýt vi phạm, CSGT đã áp dụng nhiều biện pháp, bao gồm phối hợp với trung tâm quản lý xe buýt tuyên truyền cho đội ngũ lái xe, nhân viên xe buýt. Trong thời gian tới CSGT sẽ kiểm tra chất ma túy, sức khỏe đối với những lái xe, nhân viên xe buýt. “Chúng tôi cam kết sẽ không bỏ qua những trường hợp xe buýt vi phạm luật giao thông. Chúng tôi cũng đang phối hợp với trung tâm quản lý xe buýt trích xuất thiết bị giám sát hành trình để phát hiện sai phạm tài xế xe buýt để xử lý”, ông Phong nói.
 
Đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn và hạn chế tối đa vi phạm thì cần có ý thức của người dân, lái xe và các chủ doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT phải có các biện pháp tăng cường tuần tra kiểm soát, khắc phục những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ... “Tôi hy vọng sắp tới kế hoạch lắp đặt camera trên các tuyến đường trọng điểm kết nối với các trung tâm camera đi vào hoạt động sẽ góp phần kéo giảm tối đa tình trạng xe tải, xe ben đi vào đường cấm, giờ cấm hoặc phóng nhanh vượt ẩu. Đây cũng là cơ sở để CSGT giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm”, đại tá Tài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.