‘Hương mắt lồi’ - sản phẩm dị dạng từ Facebook

26/03/2015 16:05 GMT+7

Một đám đông mới lạ lùng bắt đầu xuất hiện từ khi Facebook du nhập vào Việt Nam. Internet góp phần tạo nên một luồng dư luận mới mang tên “dân mạng”, với phẩm chất tiêu biểu là cả tin.

Một đám đông mới lạ lùng bắt đầu xuất hiện từ khi Facebook du nhập vào Việt Nam. Internet góp phần tạo nên một luồng dư luận mới mang tên “dân mạng”, với phẩm chất tiêu biểu là cả tin.

Những hình ảnh được cho là "Hương mắt lồi" đang lan truyền trên mạng - Ảnh chụp màn hình
Đơn cử như câu chuyện gần đây, internet xuất hiện một nhân vật đình đám: “Hương mắt lồi”.
Theo thông tin từ các trang mạng, đây là nữ quái chuyên dàn cảnh để cướp tài sản ngay giữa thành phố. Những người sử dụng internet còn chia sẻ cho nhau bức ảnh chụp người phụ nữ đi xe gắn máy với biển số rõ ràng và cho rằng đó là nhận dạng của “Hương mắt lồi”.
Bằng sự nôn nóng rất quen thuộc, dân mạng tuyên bố sẽ truy lùng cho bằng được chiếc xe với biển số trên, đồng thời “xử” luôn nếu gặp “Hương mắt lồi”.
Nhưng rồi cuối cùng, “Hương mắt lồi” chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Cơ quan công an xác nhận chưa từng nghe nói đối tượng nào có tên, biệt danh là “Hương mắt lồi”. Người phụ nữ sở hữu chiếc xe máy với biển số kia cũng không biết “Hương mắt lồi” là ai, nhưng phải sống trong sợ hãi vì những đe dọa từ dân mạng.
Tôi nghĩ, vốn xã hội này rất bình thường, phát triển hoặc rối ren rất bình thường theo những quy luật định sẵn, cho đến khi dân mạng xuất hiện và biến mọi thứ trở thành phức tạp.
Sự công bằng về phát ngôn của internet biến họ - một đám đông – trở thành các luật sư, các quan tòa, các nhà quản lý đạo đức ở tầm vĩ mô. Họ thiếu định lượng cho bất cứ thông tin nào tiếp nhận được từ internet.
Dễ thấy nhất là hiện tượng một cô hotgirl khoe hàng, một hotboy khoe của thường được họ xếp ngay vào thành phần “vô đạo đức”. Nhưng xin thưa, xét đến cùng, nếu điều đó không gây chết người, chẳng gây thương tổn, không phạm pháp thì nó được phép diễn ra một cách bình thường. Mọi ngăn cấm, mọi chửi bới nó mới là vô đạo đức chứ nhỉ?
Và truyền thông, với sự thiếu cẩn trọng của mình, đang góp sức tạo ra những dư luận không đáng có từ sự cả tin của dân mạng - mà phần đông tôi nghĩ còn là những người còn trẻ tuổi.
“Cộng đồng mạng phát sốt với hotgirl A lộ nội y”; “Cộng đồng mạng ném đá vì hotboy B khoe của”. Những bạn trẻ ấy được truyền thông nhắc tên và xếp vào “cộng đồng mạng”. Họ lên mạng với một xe tải gạch đá và sự thiếu tỉnh táo. Vậy là, ngay lập tức, những sự thất bại của môn Giáo dục công dân sẽ xuất hiện.
Thường thì bài viết của các trang thông tin chỉ là gom lại vài ba ý kiến giống nhau của những người sử dụng internet biến họ thành một “cộng đồng”. Thực ra, chẳng có “cộng đồng” nào ở đây cả. Làm gì có cộng đồng nếu không có tính cố kết và các luật lệ?
Nhưng dân mạng – những người trẻ tuổi – sẵn sàng suy nghĩ bằng cái đầu của người khác để được đứng vào đám đông, mà không biết rằng mình có quyền độc lập đánh giá mọi vấn đề xảy ra xung quanh mình.
“Hương mắt lồi" cũng thế, cũng là thứ sản phẩm dị dạng của sự cả tin. Theo tôi, “Hương mắt lồi" không phải là hiện tượng cá biệt mà là hệ quả tất yếu của quá trình tiêu dùng thông tin thiếu chọn lọc.
Rồi đây, các trang thông tin và mạng xã hội sẽ còn tặng cho dân mạng nhiều món quà miễn phí tương tự như “Hương mắt lồi”. Vậy thì sao không tỉnh táo trước những điều miễn phí?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.