Huy Thành và nỗi lòng của một người làm phim

23/12/2005 10:57 GMT+7

NSƯT Huy Thành tên thật là Nguyễn Huy Thành sinh năm 1931 tại Đà Nẵng. Tham gia kháng chiến chống Pháp ở Bình Trị Thiên. Từ 1954, anh bước vào ngành điện ảnh hiện giữ chức vụ Phó tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam, phụ trách điện ảnh phía Nam. Anh là đạo diễn của nhiều phim nổi tiếng: Về nơi gió cát, Nổi gió, Lối rẽ con đường mòn, Về đời, Thành phố có người, Xa và gần … Mấy năm vừa qua, ngành điện ảnh Việt Nam đã có những trăn trở tìm cách vươn lên. TTTN đã gặp anh Huy Thành được ghi nhận ý kiến của anh về vấn đề này.

PV: Hiện nay, nhiều người nhận thấy phim video đang thao túng chiếm lĩnh ở các điểm chiếu, phim nhựa của Việt Nam tuy có nhiều cố gắng thể hiện những tìm tòi sáng tạo mới nhưng vẫn có vẻ đang lúng túng. Anh nghĩ sao về điều này?

Huy Thành: Tác phẩm điện ảnh cũng như các tác phẩm văn học nghệ thuật khác, làm ra cần phải có người thưởng thức, không khác nào một món hàng cần có người tiêu thụ nếu không ắt sẽ suy sụp.
 
Phim ảnh video nước ngoài được nhập tràn lan vô tổ chức. Nếu chỉ là phim hay, có giá trị cao về nghệ thuật thì là điều đáng mừng. Đàng này nhiều phim vô bổ ví dụ phim Hồng Kông, nguyên ở tại gốc, nó chỉ được chiếu ở những nơi ven đô thị, hoặc đưa về mỗi gia đình những người có nhu cầu dễ dãi về phim xem giải trí. Qua nước ta, nó trở thành bộ phim đắt giá các rạp lớn nhỏ tranh nhau chiếu, mọi người chen nhau xem. Điều này lại dẫn đến nguy hại khác: Tầm thường hóa trình độ, thị hiếu người xem, trong khi đó, gần đây số phim hay của chúng ta được khán giả hoan nghênh không được nhiều. Ngành điện ảnh vừa mới thoát khỏi tình trạng bao cấp, bước đầu đang tự hạch toán kinh tế nên hiện nay nó đang ở giai đoạn mày mò tìm kiếm con đường để đạt được sự thành công về cả nghệ thuật lẫn kinh tế, nên như người ta nói: "Hiện nay phim nhựa Việt Nam đang bị nao núng là một thực trạng”.

Dù hiện nay thế giới chỉ tổ chức những giải thưởng cho phim nhựa chứ chưa tổ chức cho phim video, nhưng tôi không nghĩ rằng làm phim video dễ hơn làm phim nhựa. Phim nào cũng đòi hỏi kịch bản, dạo diễn, diễn viên phải tốt. Nhiều phim video nước ngoài còn “nghiêm chỉnh” hơn gấp mấy lần phim nhựa của mình. Có điều, phương tiện làm phim video tương đối dễ hơn về ánh sáng, khỏi phải tráng lôi thôi như phim nhựa. Ngày nào đó, mỗi gia đình đều có máy để chiếu video ở nhà thì phim video sẽ trở nên bão hoà lúc ấy, phim nhựa với ưu thế của nó: Sắc nét, cách thể hiện, âm thanh chuẩn hơn tốt hơn, sẽ trở về với vị trí vốn có của nó.

PV: Để có phim hay, chúng ta cần có những điều kiện nào? Vì sao chúng ta chưa có nhiều phim hay?

Huy Thành: Trước đây, trong tình trạng bao cấp, nhà nước lo toàn bộ từ sản xuất đến phát hành nên người làm phim chưa cố gắng hết sức để nâng cao chất lượng phim. Trong khi đó các nước tư bản, tư nhân đứng ra làm phim họ phải dồn hết công sức để phim được thành công.

Hiện nay, chúng tôi hạch toán kinh tế nhưng lại vướng mắc nhiều điều bất hợp lý: giữa sản xuất và phát hành đang là hai hoạt động tách rời không hỗ trợ nhau, lợi tức do phát hành mang đến không phục vụ cho sản xuất phim mà nạp vào ngân sách mua phim ngoại, phim video góp phần làm yếu đi ngành phim nhựa. Việc tiêu thụ lại manh mún, bị băm nát ra mỗi tỉnh mỗi huyện kinh doanh phim dùng tiền đó vào việc khác của mỗi địa phương. Phải lấy tiền từ điện ảnh nuôi điện ảnh thì điện ảnh mới có sức sống. Máy móc trang thiết bị ngành điện ảnh đang bị lão hóa, xe cộ hư hao không được thay thế…Chúng ta đang tìm con đường làm phim chân chính: Không quá công thức, tô hồng xa rời sự thật không chạy theo xu hướng nhất thời của quần chúng tất nhiên phải chịu nhiều thiệt thòi, có phim phải chờ thời gian mới khẳng định giá trị, tôi nghĩ nhà nước cần bảo trợ cho điện ảnh bằng lợi tức từ điện ảnh. Chính phủ Pháp bỏ ra 200 triệu Franc để hỗ trợ cho điện ảnh Pháp vì thế. Nhưng điều kiện quan trọng nhất vẫn là tài năng của người viết kịch bản đạo diễn và diễn viên. Có tiền nhiều mà không có tài năng vẫn không thể có phim hay… Tài năng ở đâu? Ở trong chính anh em thôi! Hiện nay chúng ta chưa có tài năng lớn, đó là sự thật không phải nhìn chúng ta với cái nhìn bi quan. Các đạo diễn, diễn viên tài năng nước ngoài đã phải dày công rèn luyện rất vất vả mới trở thành ngôi sao điện ảnh. Còn chúng ta, tuy có vài phim đạt được giải trong nước nhưng không phải vì thế mà tự mãn, kiêu căng, vì thực ra điện ảnh Việt Nam chưa có vị trí đáng kể trong nền điện ảnh thế giới. Việc phát hiện nuôi dưỡng, phát triển tài năng cũng chưa được chú ý đúng mức. Ngay cả việc phong NSND, NSƯT trong ngành điện ảnh cũng chưa thật là chính xác. Nghề điện ảnh vốn rất cần chắt lọc tài năng nhưng lại được đối xử theo kiểu bình quân. Biên chế cồng kềnh, người làm được thì thiếu, người làm không được quá đông làm phim mà phải thuê người ngoài còn trong nhà lại có người ngồi không từ chục năm này qua chục năm khác. Vì vậy cần tổ chức lại biên chế cho ngành. Do tầm nhìn và sự đầu tư chưa đúng mức nên đội ngũ kế thừa cũng chưa hứa hẹn gì mấy chỉ thấy một vài người như Đức Tiến, Việt Linh, Lê Ngọc Minh, Lê Hoàng… và mới đây có thêm Lê Hữu Lương với phim Có một tình yêu như thế chưa đủ làm nền tảng cho sự tiếp nối diễn viên các tỉnh phía Nam phần nhiều không phải là chuyên nghiệp, không say mê sống chết với nghề…

Xem phim hay của nước ngoài, nhiều khi tôi thấy xấu hổ, hết muốn làm phim: Nhiều thước phim của mình quay bình thường thôi qua tay đạo diễn nước ngoài, trở thành những thước phim giá trị. Ngay đề tài Việt Nam, người ta đứng từ xa làm phim cũng nổi đình nổi đám.

PV: Anh nghĩ sao về trình độ thưởng thức điện ảnh của quần chúng?

Huy Thành: Trình độ thưởng thức điện ảnh của quần chúng cũng vừa phải thôi, lẽ ra các ngành các cấp phải nâng trình độ quần chúng nhưng đã không nâng mà còn vô tình làm hạ thấp xuống. Văn học nghệ thuật phải góp phần tích cực để nâng cao dân trí, nhưng hiện nay một số tác phẩm lại chạy theo thị hiếu tầm thường của quần chúng.

PV: Xin anh nói về những phim do anh dựng?

Huy Thành: Tôi có được vài phim đoạt HCV: Nổi gió, Về nơi gió cát, Xa và gần... nhưng thật ra nó chỉ tạm được chứ tôi vẫn chưa hài lòng.

Có thời kỳ tôi làm khá tốt, có thời kỳ tôi lại xuống tay. Nhiều đạo diễn lâu lâu mới làm một phim còn tôi, tôi như nhà văn, cứ viết, viết để rèn cây bút, tôi làm phim thường xuyên.

Tôi khao khát có lực lượng nối tiếp để đủ sức đưa nền điện ảnh Việt Nam đi lên.

Bá Trác
(thực hiện)
(TN 4-11.6.89)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.