Huyền bí ngôi chùa bên Đìa Tháp

Tại ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có một ngôi chùa tên là Trường Tháp. Quanh chùa có nhiều viên gạch màu đỏ nhạt hoặc xám đỏ. Số gạch này được xáng múc lên cùng với nhiều mảnh gốm và cổ vật bằng đá thuộc nền văn hóa Óc Eo từ lòng Đìa Tháp gần đó.

Cất chùa trên gò cao
Đoạn đường từ bờ rạch Cái Gáo vào chùa Trường Tháp khoảng nửa cây số nhưng gồ ghề, khó đi. Người dân trong vùng cho biết con lộ này trước đây đã đổ cát trải đá phẳng phiu, mấy năm nay xáng múc đất từ dưới kênh đổ lên định làm lộ mới nhưng tới nay chưa thấy làm lại. Hôm chúng tôi đến thăm chùa, người giữ chùa tên Võ Thị Di (Sáu Di) cho biết sư trụ trì ngày trước là chồng của bà đã qua đời cách nay hơn một năm. Ở xóm này người ta gọi ông là Thầy Sáu, còn thế danh của ông là Nguyễn Công Giàu. Hiện ngôi chùa do người con trai tên là Nguyễn Trọng Hữu quản lý nhưng hôm ấy ông Hữu bận đi làm đám ở xóm trên.
Theo lời kể của bà Sáu Di, chùa Trường Tháp đầu tiên do ông Hai Nhứt, cha chồng của bà gầy dựng nhưng năm nào không nhớ rõ. “Chỉ biết năm nay tôi 80 tuổi, lúc ổng qua đây cất chùa thì tôi mới 15 - 16 tuổi. Hồi đó khu vực này có một gò đất cao giữa đồng trống. Nghe người xưa kể lại, phía trước có cái ao rộng và một cái tháp nhỏ nên gọi là Đìa Tháp. Trên gò có nhiều gạch đá lộ lên mặt đất. Bấy giờ, cạnh ngôi chùa còn có một cái ao trồng sen, gọi là Đìa Phướn, vì có một cây cột phướn nằm dưới đìa. Cột phướn “linh lắm”, mỗi khi tát đìa bắt cá, đàn bà con gái không dám leo ngang cột. Ai lỡ trèo lên thì phải về cúng vái”, bà Sáu Di nói.
Cũng theo bà Sáu Di, lúc đầu khi ông Hai Nhứt đi tu có cất một cái am nhỏ bên rạch Cái Gáo. Trong một lần qua đây, phát hiện ra gò đất cao nên ông tới cất chùa. Bấy giờ chùa cũng chỉ là một cái am nhỏ, lợp đứng, xung quanh là bưng bàu đầy cỏ hoang. Mấy năm sau vùng này chiến tranh khốc liệt, nhiều lần bom pháo nổ xung quanh mà không trúng chùa. Đến khoảng sau Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh ác liệt quá, ông Hai Nhứt phải rời chùa tản cư một thời gian rồi viên tịch. Sau năm 1975, khu vực ngôi chùa xưa bị hoang phế, ông Giàu trở về dọn dẹp, cất lại ngôi chùa mới trên nền cái am cũ, tên chùa Trường Tháp có từ lúc ấy.
Linga ở Đìa Tháp
Gò chùa Trường Tháp hiện cao hơn mặt ruộng chừng 0,5 m, xung quanh vẫn còn một số gạch vuông, một ít đá vụn nằm lẫn khuất trong đám cây dại, nhưng dấu vết của một di tích cổ đã không còn. Năm 1990, chính quyền cho đào kênh Trường Tháp nối rạch Cái Gáo với rạch Bà Tồn và đi qua Đìa Tháp. Theo lời kể của bà Sáu Di thì lúc xáng múc người ta thấy có nhiều gạch, đá quăng lên bờ. Hằng ngày, ông Giàu ra bới đất nhặt từng cục gạch xưa, đem lót ở sân chùa. Bây giờ sân chùa đã được tráng xi măng chồng lên lớp gạch xưa. Trong lúc nhặt gạch, ông Giàu phát hiện một cục đá có hình thù kỳ lạ nên rửa sạch rồi mang vô chùa thờ. Ít lâu sau, có người ở tỉnh Đồng Tháp tới xem và gợi ý xin thỉnh cục đá ấy về Đồng Tháp. Lúc đó dân trong xóm đồn trong cục đá có vàng.
Thực ra cục đá ấy chính là cái linga nằm ở di tích Đìa Tháp do xáng múc quăng lên bờ. Từ lời đồn đãi của dân, cơ quan chức năng của H.Cai Lậy đã tới xác minh mới biết linga đã được đem về Bảo tàng Đồng Tháp, nên sau đó đã cử người sang Đồng Tháp xin lại. Hiện linga này đang được trưng bày tại Nhà truyền thống H.Cai Lậy.
Năm 1998, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang tổ chức khảo sát di tích Đìa Tháp, nhưng chỉ thu được một số gạch, một bàn nghiền (pesani), một phần bệ thờ, 3 đoạn cột đá nghi là hiện vật kiến trúc của ngôi tháp cổ, dấu vết của thời Vương quốc Phù Nam xưa. Số hiện vật này được đem về lưu giữ ở bảo tàng tỉnh. Người dân ở xung quanh chùa cho biết dọc theo kênh Trường Tháp khoảng hơn một cây số vẫn còn nhiều gạch. Thỉnh thoảng khi nước cạn người ta thấy những viên gạch lộ ra. Ông Dương Hùng Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Khi phát hiện bệ thờ và linga bằng đá, địa phương đã đem về trưng bày ở nhà truyền thống huyện. Mặc dù chưa được thẩm định nhưng những cổ vật này đều có đặc trưng giống với những cổ vật tại những địa điểm khác đã xác định thuộc nền văn hóa Óc Eo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.