Huyền thoại ‘Ngựa thồ’: Chuyển loại thần tốc

26/04/2017 09:00 GMT+7

Rất nhiều phi công, nhân viên 'tạm tuyển' của chế độ cũ đã không ngờ rằng các 'phi công giải phóng' lại có thể nhanh chóng điều khiển được những máy bay hiện đại do Mỹ sản xuất, bị bỏ lại sau ngày 30.4.1975...

Dán chữ Việt đè chữ Anh
Thượng tá Vũ Đức Anh, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 918 (từ 1.1978 - 7.1979) là một trong những cán bộ - phi công của đoàn tiếp quản máy bay vận tải quân sự chế độ cũ vào tháng 5.1975.
Buổi chiều trong nhà ông ở đường Sông Thương (Q.Tân Bình, TP.HCM), ông đưa tôi xem chiếc áo bay làm bằng da giữ gìn từ 42 năm trước và bảo: “Việc chuyển loại từ máy bay Liên Xô sang máy bay Mỹ là cả một quá trình cố gắng bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí bằng máu. Nếu không có những người tạm tuyển từ không quân chế độ cũ, chúng tôi không thể mở cửa được máy bay, nói chi là bay sau 1 - 2 tháng”.
“Ban đầu, chúng tôi tranh thủ 1 - 2 phi công VNCH tin cậy để họ dạy lý thuyết và thực hành trên buồng lái của máy bay DC-4, C-47, C-130. Thời gian còn lại tập trung cho việc hồi phục, sửa chữa máy bay hệ 2 (máy bay chiến lợi phẩm thu được), căng nhất là khâu biên dịch tài liệu vì cả đơn vị không ai biết tiếng Anh.
Mãi đến đầu tháng 7.1975, khi cấp trên có chủ trương tạm tuyển một số nhân viên kỹ thuật và phi công từng phục vụ trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn cho nhiệm vụ khai thác sử dụng máy bay và trang thiết bị kỹ thuật, anh em mới thực sự được học điều khiển” - đại tá Lê Văn Quyền, nguyên Trung đoàn trưởng 918 nhớ lại và kể thêm: Cơ quan chính trị phối hợp với Tiếp quản dân chính thẩm tra kỹ lý lịch số nhân viên dự tuyển, nhất thiết không để xảy ra sai sót trong tuyển lựa; cơ quan tham mưu, kỹ thuật, hậu cần đánh giá về mặt chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm số tạm tuyển phải là người có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm trong khai thác, vận hành, sửa chữa máy bay. Sau vài tuần đã tuyển được một số lái chính, dẫn đường, cơ giới trên không của 5 loại máy bay (C-130, C-119, C-47, C-7A, DC-4) và hơn 100 nhân viên kỹ thuật máy bay. Số “tạm tuyển” ngay lập tức thực hiện chuyển loại cho phi công và thợ máy của trung đoàn.
“Khó nhằn nhất là môn tiếng Anh và về hệ đo lường Anh. Thấy phi công ta vất vả, anh em tạm tuyển lấy giấy viết tiếng Việt và dán lên công tắc, bộ phận máy bay... Các tài liệu cơ bản, họ còn giúp dịch, ban đầu còn viết tay, sau mang ra ngoài đánh máy, phát cho mỗi tổ bay 1 tập, chuyền tay nhau học” - thượng tá Vũ Đức Anh nói.

tin liên quan

Huyền thoại 'Ngựa thồ': Anh chị em và chúng tôi”
Đại tá Lê Tiến Phước, trung đoàn phó đầu tiên của Lữ đoàn 919, gọi trạng thái những ngày đầu tiếp thu máy bay chiến lợi phẩm là “trần ai” và kể: “Có khi cả tuần lang thang khắp Sài Gòn cùng cán bộ an ninh quân đội tìm phi công chế độ cũ theo địa chỉ mà Cục 2 cung cấp”...
Học quên cả giờ nghỉ
Ông Ngô Ngọc Thành, nguyên là chuyên viên sửa chữa khung phòng máy bay vận tải quân sự của chế độ cũ, có gần 2 năm phục vụ Không quân nhân dân VN theo chế độ “tạm tuyển” cho biết: Thời điểm 1975, máy bay C-130 là loại vận tải cơ lớn nhất, hiện đại nhất của không lực VNCH cất hạ cánh trên phi đạo ngắn. Trước năm 1972, chế độ cũ đã nhiều lần thỉnh cầu được chuyển giao C-130 nhưng phía Mỹ khước từ với lý do “việc bảo trì, sửa chữa C-130 với các động cơ bán phản lực vượt quá khả năng của các chuyên viên VNCH và ngay quân đội Mỹ cũng chưa có đủ loại vận tải cơ này”.
Mãi đầu năm 1973, phía Mỹ mới miễn cưỡng trang bị cho 32 chiếc C-130, hầu hết là loại C-130A cũ nhất, có những chiếc đã 17 tuổi, lại thiếu cơ phận thay thế cho nên càng về sau, tỷ lệ phi cơ khả dụng càng giảm. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, số C-130 sử dụng được đã bay di tản hết, số còn lại đều hỏng hóc, thiếu phụ tùng thay thế. “Ban đầu, khi tham gia phục vụ, chúng tôi nói: Các ông không thể bay bởi máy bay cũ, thiếu phụ tùng và nhất là tổ bay phải thường xuyên huấn luyện cả năm mới điều khiển được” - ông Thành thừa nhận vậy và lắc đầu: “Không ngờ, chỉ 1 - 2 tháng các ông ấy bay được”.
Nhớ lại những ngày đầu mới lên buồng lái C-130, cơ trưởng Lê Văn Quyền vẫn còn nguyên cảm giác khác lạ khi nhìn đồng hồ bay, ký hiệu máy bay trên đó trái ngược hoàn toàn so với hệ thống báo hiệu của Liên Xô. “Hồi ấy tôi đã có hơn 2.000 giờ bay trên máy bay Liên Xô, nên lúc nào cũng phải căng đầu để nhập tâm việc điều khiển máy bay mới, ngay đỉnh màn (nóc mùng) cũng treo bản vẽ sơ đồ C-130. Kể cả giờ nghỉ cũng cứ đi ra săm soi, xem xét máy bay...”. (Còn nữa)
Sáng 1.5.1975, đoàn tiếp quản của Lữ đoàn 919 có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất tiếp quản, thu hồi và kiểm kê cơ sở vật chất tại sân bay. Về máy bay của hàng không dân dụng, thu ở sân bay 2 chiếc DC-6, 7 chiếc DC-3,5 chiếc DC-4, 1 chiếc B-727 và 1 chiếc B-707. Riêng máy bay vận tải quân sự các loại, ta thu được 76 chiếc như CH-47 (5 chiếc), C-130 (7 chiếc), C-7A (28 chiếc)...
Rồi tiếp quản Nha Kỹ thuật thuộc Hãng hàng không VN và Sở Khai thác không vận thuộc Nha Hàng không dân sự, khôi phục hệ thống thông tin chỉ huy... Ngày 15.5.1975, ta đã khôi phục 4 máy bay vận tải dân dụng và đưa vào hoạt động... (Nguồn: Quân chủng Phòng không - Không quân)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.