Hy hữu ca mổ lấy đầu đạn 51 năm nằm sâu trong cơ thể bệnh nhân

Đình Tuyển
Đình Tuyển
02/03/2020 14:18 GMT+7

Các bác sĩ ở Cần Thơ vừa mổ thành công một ca rất hy hữu khi lấy ra một dị vật là đầu đạn nằm sâu trong cơ thể bệnh nhân từ 51 năm trước.

Ngày 2.3, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện vừa mổ thành công cho một thương binh và lấy ra một dị vật đầu đạn đã nằm trong cơ thể bệnh nhân 51 năm.
Bệnh nhân là ông L.V.S (71 tuổi, thương binh 4/4, ngụ xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), nhập viện trong tình trạng bị đau lưng, hông dữ dội.
Theo lời kể của bệnh nhân, ông là một cựu chiến binh đã từng tham gia trận đánh vào năm 1969 khi mới 20 tuổi và trúng đạn vào vùng hông lưng phải. Do vị trí khó kèm điều kiện y tế thời bấy giờ còn hạn chế nên dù cố gắng nhưng các bác sĩ quân y cũng không thể lấy hết viên đạn ra khỏi người ông.
Thời gian qua, những cơn đau thường xuyên hành hạ khiến ông đã đi khám tại nhiều bệnh viện nhưng các bác sĩ đánh giá việc lấy ra đầu đạn là không khả thi và việc phẫu thuật có thể xảy ra các biến chứng có thể gây liệt chi không đi lại được.
Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, những cơn đau khó chịu càng dữ dội, khiến ông S. mất ngủ triền miên, tay chân cũng bị ảnh hưởng đau nhức không thể sinh hoạt bình thường. Gia đình đã quyết định đưa ông nhập viện với mong muốn giảm đau được chừng nào hay chừng đó...

Sau ca mổ, khả năng vận động của ông S. đã hồi phục gần như hoàn toàn, không còn những cơn đau hành hạ như 51 năm qua

Ảnh: Đình Tuyển

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, sau khi thăm khám tỉ mỉ, đối chiếu và kiểm tra các cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh đánh giá đầu đạn nằm sâu trong khoang sau phúc mạc, bên phải ngang mức đốt sống thắt lưng L5 của ông S. với kích thước 1x2cm, nằm sâu bên dưới khoảng 7cm.
Các bác sĩ hội chẩn liên khoa và nhận định ca phẫu thuật nhiều khó khăn khi viên đạn nằm sâu trong các lớp cơ, phía sau các tạng trong ổ bụng, gần niệu quản và mạch máu lớn, lại khó định vị vì có thể di lệch khi xác định. Ngoài ra, do viên đạn đã nằm rất lâu trong cơ thể bệnh nhân nên việc dính với các cấu trúc lân cận khiến cho việc bóc tách có thể phức tạp hơn.
Cuối cùng, các bác sĩ đã thống nhất hướng điều trị tối ưu nhất, thuận lợi nhất là tiếp cận vào từ đường sau xuyên qua các lớp cơ với hệ thống ống nong ít xâm lấn. Hệ thống này có ưu điểm chỉ nong các bó cơ sang bên mà không làm tổn thương mạch máu nuôi, không làm thiếu máu nuôi khi phải giữ ở một vị trí quá lâu như các phương pháp banh vén thông thường nên tạo ra một phẫu trường sạch sẽ, trực tiếp vào ngay tổn thương đã định vị, làm giảm khả năng gây tổn thương đến các tạng và mạch máu lớn lân cận.

Ê kip phẫu thuật lấy đầu đạn ra khỏi cơ thể ông S. với hệ thống ống nong ít xâm lấn

Ảnh: Đình Tuyển

Ê kíp phẫu thuật do bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quang Hưng (phẫu thuật viên chính), Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Duy Linh (Khoa Ngoại thần kinh) và bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Vĩnh (Khoa Gây mê hồi sức) đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Quá trình mổ, việc định vị được tiến hành tỉ mỉ, cẩn thận vì chỉ cần lệch một chút viên đạn sẽ nằm ngoài phẫu trường, độ khó cuộc mổ sẽ thay đổi hơn rất nhiều lần... Ê kíp mổ đã luồn từng ống nong vào tiếp cận đến tổn thương, bóc tách và cầm máu từng bước.
Sau khoảng 90 phút, ê kip mổ đã tiếp cận và lấy thành công đầu đạn 51 năm ra khỏi cơ thể bệnh nhân thông qua hệ thống ống nong xâm lấn tối thiểu ở độ sâu phẫu trường khoảng 7 cm với nội soi hỗ trợ mà không gây mất máu. Ca mổ cũng không làm tổn thương các cơ cạnh cột sống, các cơ quan lân cận khi bộc lộ tổn thương, chỉ với vết mổ dài 18 mm.

Định vị đầu đạn trong quá trình mổ

Ảnh: Đình Tuyển

Sau mổ ngày đầu tiên, triệu chứng trước mổ cũng cải thiện nhiều, ông S. có thể vận động bình thường. Hiện tại bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Chương Chấn Phước, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, vết thương do hỏa khí tại cột sống là loại chấn thương phức tạp và nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nạn nhân cũng như gây các di chứng dai dẳng, tàn tật về sau này. Độ nặng và đặc điểm của vết thương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại vũ khí, hướng và kích thước viên đạn, tốc độ của viên đạng cũng như khoảng cách giữa nguồn hỏa khí và cơ thể người bệnh. Những trường hợp nặng nề như tổn thương cột sống cổ, ngực gây yếu liệt tứ chi, tổn thương đến màng cứng gây rò rỉ dịch não tủy, tổn thương nặng đĩa đệm, rối loạn tri giác, mất vững cột sống cần được tiến hành phẫu thuật để cứu mạng nạn nhân. Tuy nhiên, nếu vết thương được đánh giá là nhẹ và không gây ảnh hưởng đến chức năng sống, có thể các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn và theo dõi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.