TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 31: Trật tự của lũ chó

30/03/2016 08:00 GMT+7

(iHay) Nuôi một vài con chó, bạn có thể hiểu được cá tính của từng con và bạn có thể dự đoán được hành vi của nó trong những tình huống cụ thể.

(iHay) Nuôi một vài con chó, bạn có thể hiểu được cá tính của từng con và bạn có thể dự đoán được hành vi của nó trong những tình huống cụ thể. Nhưng nếu bạn nuôi một đàn chó, tình hình sẽ không còn đơn giản nữa.

Thằng Bí không những xấu trai mà còn rất bá đạo. Nó nổi tiếng là đứa phong tình nên không bao giờ động đến các em út và trẻ con, nhưng đối với các đực rựa thì nó coi như cỏ rác, trừ thằng Ổi. Thằng Ổi là đương kim vô địch về sức mạnh, uy thế chỉ đứng sau “con đầu đàn tôi”, nhưng thằng Bí vẫn tự cho mình có vị trí ngang hàng. Từ khi thu nhận thằng Bắp làm đệ tử, hai thầy trò thằng Bí dựa hơi thằng Ổi làm mưa làm gió trong cái vườn này. Khi không có mặt “con đầu đàn”, hai thầy trò nó muốn cắn đứa nào thì cắn, chẳng cần lý lẽ phải không.
Như đã nói, thằng Ngò biết cách tránh xa các chuyện thị phi, còn đám thằng Hành, thằng Gừng và thằng Tỏi hễ nhìn thấy hai thầy trò thằng Bí là cụp đuôi khép nép, mỗi đứa có một cách tự vệ riêng. Buổi tối, ngoài việc đi làm các nhiệm vụ tuần tra, thằng Ngò chiếm cố định một cái ghế, thằng Hành nằm ở góc bếp, thằng Gừng chui xuống gầm bàn ngoài hành lang, thằng Tỏi thì khoanh tròn dưới gốc phượng. Hai thầy trò thằng Bí, thằng Ổi và thằng Bầu ngủ trong nhà, nếu được Sếp nhất cho phép thì cả 4 đứa leo lên giường, mỗi đứa nằm một góc. Chúng tự nhận nhiệm vụ bảo vệ Sếp nhất và tôi trong mọi tình huống. Trừ con Mướp không rời xa “con đầu đàn” từ bé, còn thì buổi tối đám "đàn bà con nít" sống ở khu riêng trong vườn. Những đứa lớn còn trực chiến tại khu vực của heo-gà, thay phiên nhau mỗi đêm hai đứa. Khi có gì bất thường xảy ra, hai đứa trực chiến chỉ cần sủa lên là lập tức cả đàn phi như bay tới. Đám chó được phân bố một cách tự nhiên nhưng đã hình thành một thế trận bảo vệ rất chặt chẽ. Bình thường thì có vấn đề nội bộ, nhưng khi có sự cố thì tất cả đồng lòng.
Cần phải nói thêm, vấn đề nội bộ của đám chó không có vấn đề nào là của hạng tiểu nhân. Thầy trò thằng Bí tuy bá đạo nhưng tuyệt đối không giành ăn, không giành em út, không giành chỗ nghỉ ngơi của đứa khác. Chẳng có đứa nào giành ghế của thằng Ngò, giành gốc phượng của thằng Tỏi, giành cái gầm bàn của thằng Gừng hay giành góc bếp của thằng Hành. “Con đầu đàn” tôi không cần đọc sách thánh hiền, chỉ chơi với đám chó là học được đầy đủ các đức tính của người quân tử.
Thằng Bắp
Tôi nghĩ trật tự nội bộ của đám chó như thế là đã định hình. Bá đạo như thầy trò thằng Bí cũng có thể chấp nhận được. Nhưng vào tuần trước, một biến cố xảy ra và mọi thứ đã thay đổi ngoài sự tưởng tượng của “con đầu đàn”. Chiều hôm đó, khi tôi mở tất cả cửa to cửa nhỏ cho đám chó được tự do đi lại toàn khu vườn, thằng Bí nhìn thấy thằng Tỏi chưa nhường đường, nó lao tới cắn thằng Tỏi. Thường những lúc như vậy, thằng Tỏi cụp đuôi bỏ chạy, nhưng hôm đó có con Ớt và 3 đứa con 4 tháng tuổi đứng gần đó. Thấy thằng Bí quá ngang ngược, con Ớt xông lại tẫn thằng Bí một phát, thằng Tỏi không bỏ chạy nữa mà quay lại nhe răng chồm lên thằng Bí. Lập tức, thằng Gừng, thằng Hành đứng đằng xa cũng lao tới. Ba con chó con chẳng cần biết phải trái cũng theo mẹ lao vào thằng Bí. Thằng Bí 7 bề thọ địch, vừa kêu rú lên vừa đái ra… đất, cả người run như cầy sấy. Khi tôi quát “Thôi”, thì thằng Bí đã bị hơn 20 vết cắn, nó bám sát chân tôi chạy vào nhà, gần 1 tiếng đồng hồ sau vẫn chưa hết run.
Từ biến cố lịch sử đó, uy thế của thằng Bí hoàn toàn sụp đổ. Nó tránh xa “bè lũ 7 tên”. Đám thằng Hành tự nhiên không còn sợ thằng Bí nữa, không phải vì chút thắng lợi lấy đông hiếp ít chẳng có gì đáng tự hào kia, mà vì chính sự thay đổi của thằng Bí.
Riêng thằng Bắp thì vô tư, vẫn lễ phép với thằng Bí như cũ, nó không phải là hạng tiểu nhân “phù thịnh không phù suy”, và có lẽ do sự chuyển hóa của thằng Bí nên thằng Bắp không còn ngang ngược như trước nữa. Thằng Ổi vẫn bảo kê cho thằng Bắp, nhưng thằng Ổi không phải là đứa ngang tàng bá đạo, dù nó có uy lực nhất đàn. Bởi vậy tự nhiên là thằng Bắp cải tà quy chính.
Giờ thì thằng Bí trở thành một đứa nhu nhược, suốt ngày hoặc là theo chân “con đầu đàn”, hoặc là cặp kè với thằng Ổi để nếu có mệnh hệ gì thì được che chở. Thời gian này Sếp nhất đi vắng, nghe chuyện thằng Bí, Sếp bảo như thế cho chừa thói ngang tàng, nhưng thỉnh thoảng Sếp lại gọi hỏi những vết thương của nó đã lành chưa và bảo đi bảo lại “con đầu đàn” phải chăm sóc chu đáo cho nó.
Thằng Tỏi
Những vết thương trên người thằng Bí đang lành, nó đã xấu trai, chẳng còn chỗ để xấu hơn. Nhưng diễn biến về trật tự sắp tới sẽ như thế nào tôi không dự đoán được, cũng như tôi đã không dự đoán được thằng Bí trở thành nhu nhược như bây giờ. Khi biến cố xảy ra thì thằng Ổi không có mặt, nếu nó có mặt thì liệu nó có bảo vệ được thằng Bí không ? Tôi không đoán được. Thằng Ổi có thể trừng phạt đám thằng Tỏi nhưng không thể đụng đến con Ớt, vì trong truyền thống lũ chó nhà tôi nam nhi không ăn hiếp nữ nhi, mà thằng Ổi trừng phạt đám thằng Tỏi thì tôi không chắc là con Ớt để yên.
Con người thường đem bụng ta suy ra bụng của muôn loài và đem những tri thức nông cạn của mình trong quá khứ để áp đặt cho tương lai, gọi là dự báo. Nhưng chẳng có dự báo nào đúng cả, những thứ gọi là dự báo đúng thường là những thứ gần như đang hiện hữu, chẳng hạn như cái chết. Con người “dự báo” được rằng mình sẽ chết, nên đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức và tâm trí để kéo dài sự sống, đã mệt nhọc thiết lập biết bao nhiêu là triết lý để thích nghi với cái chết, cuối cùng rồi cũng chết nhưng đã bỏ đi không biết bao nhiêu là cơ hội tận hưởng niềm vui của cuộc đời. Nhìn những cây bụp giấm trước sân nhà tôi trĩu những đài hoa đỏ thắm, chúng đã xanh hết mình và đỏ thắm hết mình, rồi tàn lụi, và hạt của chúng theo gió bung ra đất, mưa xuống lại nảy mầm, lại xanh hết mình, lại đỏ thắm hết mình. Sự sống cứ tuần hoàn năm này qua năm khác. Chúng không bao giờ chết, chúng trường tồn cùng cái vườn nhà tôi, nếu cái vườn nhà tôi cũng trường tồn.
Những con chó cũng vô tư hồn nhiên như cây cỏ. Sự vô tư hồn nhiên đó chính là trật tự. Con người còn lâu mới có thể hiểu được, nói gì là vươn tới.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.