TNO

Nhật Bản vừa đi vừa viết – Kỳ 2: Tới thăm điện Minh Trị

29/11/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Chúng tôi đến điện Minh Trị Thiên Hoàng, nơi thờ vị Thiên Hoàng thứ 122 của Nhật.

(iHay) Chúng tôi lên đường đi thăm Meiji Shrine (điện Minh Trị Thiên Hoàng), nơi thờ vị Thiên Hoàng thứ 122 – người tiến hành cuộc duy tân Minh Trị.

>> Nhật Bản vừa đi vừa viết - Kỳ 1: Những ngạc nhiên đầu tiên

Một buổi lễ thần
Một buổi lễ thần trong điện Minh Trị 

Buổi sáng dưới những vòm cây lâu năm xanh lá, cảm giác bất chợt se lạnh hơn. Lối vào điện như vào một khu rừng được chăm sóc cẩn thận. Khi cánh cổng Torri (cánh cổng đặc trưng của các ngôi đền Thần đạo) đầu tiên xuất hiện, chúng tôi chưa kịp bước vào trong thì bị những người gác đền mời đứng qua một góc. Đang không hiểu chuyện gì thì từ xa một đoàn 12 người mặc áo xô trắng đầu đội mũ đen kiểu như võ sĩ đạo đi ngay ngắn theo hàng tiến vào. Đoàn chúng tôi hiếu kỳ đứng xem và thầm cảm ơn duyên may, hôm nay có nghi lễ gì diễn ra ở đây.

Hôm nay là ngày lễ Shichi-Go-San, ngày này các bé gái 3 và 7 tuổi, bé trai 5 tuổi được mặc đồ đẹp và được đưa đi viếng đền để cầu mong lớn lên khỏe mạnh.

Đến ngay trước điện thì người nước ngoài không được vào tiếp nữa. Tại đây có đặt các thùng gỗ chứa tiền lễ. Thường trước các đền thờ Phật hay Thần đạo ở Nhật đều có đặt một thùng gỗ như thế này, người viếng cho vào thùng các đồng nhỏ để cầu nguyện. May mắn nhất là cầu nguyện bằng đồng 5 yên Nhật. Tôi loay hoay tìm đồng xu để thực hiện lễ bái như một tín đồ Thần đạo, thì từ trong chính điện vang lên tiếng sáo trúc. Ba hàng dài các võ sĩ đạo trong áo truyền thống màu trắng lần lượt bước lên dâng lễ trong tiếng sáo trầm bổng...

Nói về nghi lễ, các tín đồ Thần đạo muốn bái thần trước tiên phải thanh tẩy bản thân, dùng tay phải xối nước rửa tay bên trái, sau đó tiếp tục dùng tay trái xối nước rửa tay phải. Kế tiếp dùng tay trái hứng một ngụm nước súc miệng. Người thanh tẩy xong có thể đến trước đền thờ hay điện thờ đứng nghiêm trang, chắp tay thẳng ngón vái 2 vái, rồi vỗ tay 2 cái.

Ngày lễ thần có lẽ cũng là một ngày đẹp. Chúng tôi gặp một đôi cô dâu chú rể Nhật mặc trang phục cưới võ sĩ đạo, tay cầm quạt trắng, trước bụng đeo quả tú cầu trắng. Họ đi dạo, thực hiện các nghi lễ xung quanh họ hàng và chụp ảnh trong khuôn viên điện.

Trang phục cưới truyền thống của Thần đạo
Trang phục cưới truyền thống của Thần đạo 

Trên đường quay ra xe, ra khỏi cánh cổng Torri cuối cùng, tôi được dịp quan sát kỹ hai hàng thùng rượu được đặt đối xứng nhau hai bên lối đi. Một bên là hàng các thùng rượu sake Nhật, một bên là hàng các thùng rượu vang phương Tây.

Hình ảnh Đông Tây giao thoa tưởng chừng đơn giản này nhưng nói lên rất nhiều điều về Minh Trị. Ông là người phục hưng Thần đạo, cũng là người đi đầu trong công cuộc duy tân, cải cách đất nước. Ông đã cho những cận thần tinh nhuệ của mình đi khắp các nước phương Tây để học hỏi những điều hay và áp dụng thành công trong việc tổ chức nội các chính quyền, xây dựng hệ thống giao thông… Nhưng nhiều người không thích Minh Trị vì cho rằng ông triển khai cải tạo nòi giống bằng cách cho những người phụ nữ Nhật tình nguyện giao duyên với những người đàn ông phương Tây để thế hệ sau trở nên cao lớn hơn.

Hàng thùng rượu Sake
Hàng thùng rượu Sake

Hàng thùng rượu vang
Hàng thùng rượu vang 

Rời điện Minh Trị Thiên Hoàng đã quá nửa buổi sáng, hàng cây bạch quả trong công viên Meij-Jingu Galen chớm đổ vàng, màu vàng chanh rừng rực.

Chúng tôi dừng chân đôi phút rồi tiếp tục vào tham quan tòa nhà thị chính ngay trung tâm Shinjuku. Tòa nhà này là nơi làm việc của chính quyền Tokyo. Thời tiết quá đẹp, từ trên tầng 45 có thể nhìn thấy ngọn núi Phú Sĩ phủ tuyết chập chờn trong mây trắng.

Nhật Bản là một đất nước phát triển. Trí tuệ và tinh thần Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ. Tokyo có những toà nhà chọc trời, có những loại xe đắt nhất thế giới, văn hóa nghệ thuật tinh tế, tỉ mỉ. Vậy mà ở nơi đây ngay dưới chân tòa nhà thị chính quy hoạch uy nghi lại có lỉnh kỉnh những bao túi của người già vô gia cư.

Chính phủ Nhật đủ giàu, họ xây dựng những nhà dưỡng lão. Còn những cụ già "đại ca giang hồ" này lại chấp nhận cuộc sống bên lề xã hội, bày bừa giữa những mỹ quan, nhưng không ai can thiệp hay bắt bớ các cụ.

Khu tòa nhà thị chính Tokyo
Khu tòa nhà thị chính Tokyo

Nơi ở của những người già vô gia cư
Nơi ở của những người già vô gia cư 

Tôi rời nơi này trong lòng vẫn còn băn khoăn. Nhưng rồi băn khoăn chóng mất khi buổi trưa di chuyển ra khu vực ngoại thành Tokyo, vào siêu thị Aeon Mall to nhất Nhật Bản, sầm uất và rộng kinh khủng rộng. Vào những dịp cuối tuần như thế này, người Nhật thường đến đây vui chơi, ăn uống và mua sắm.

Tôi được gợi ý dùng thử món mì Ramen ở quầy Hakata Daruma Japan với lời tự giới thiệu là đã 50 năm buôn bán món này. Món mì không ngon theo khẩu vị của tôi, nhưng cách chế biến nguyên liệu thật đặc biệt. Trứng không biết luộc thế nào mà lòng đỏ vừa chín tới, thịt thái mỏng và mềm tan vào miệng, rong biển ngòn ngọt, gừng đỏ ngâm chua cay...

Chiều xuống, chúng tôi ghé thăm đảo nhân tạo Odaiba trong khu vịnh Tokyo. Tại đây có đặt bức tượng Nữ thần với ngọn lửa tự do promete trên tay phải. Bức tượng do Pháp tặng chính phủ Nhật Bản vào năm 1999 cũng giống như bức tượng Pháp đã tặng chính phủ Mỹ, nhưng đương nhiên là bé hơn.

Phố đêm Tokyo
Phố đêm Tokyo

Mới 18 giờ thôi mà trời đầu đông tối xuống mù mịt, đường xá về đêm đông đúc. Xe cộ ở Nhật nếu có phân khối dưới 650 xi lanh thì biển số màu vàng, mua xe không cần giấy phép đỗ xe. Còn lại những loại xe biển số màu trắng phải chứng minh được mình có chỗ đỗ xe thì mới được mua.

Tôi hết nhìn đèn xe trôi bên dưới, lại ngẩng đầu nhìn các tòa nhà sáng đèn bên trên. Nàng công chúa của tôi lại tỉnh thức rồi, nàng khoác lên mình chiếc áo có bao nhiêu loại đèn led làm cho tôi có đôi phút ngẩn ngơ...

(còn tiếp)

Phượt ký của Na Loan

>> Nữ sinh nổi tiếng nhất Nhật Bản là... đàn ông
>> Độc đáo xe kéo Nhật Bản
>> Cẩm nang du lịch Nhật Bản
>> Kỳ lạ ngôi làng búp bê ở Nhật Bản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.