TNO

'Rất đã' gỏi vả miền Trung

30/03/2016 18:55 GMT+7

(iHay) Có lẽ cây vả cho quả trĩu cành, cho mình những buổi trưa trốn ngủ, hét la đùa nghịch dưới tán lá bao dung, cho tuổi thơ mình những món ăn bình dị mà gây thương gây nhớ.

(iHay) Một nhạc sĩ nổi tiếng đã viết, đại thể, về miền Trung là về miền thùy dương. Vâng, hình ảnh thùy dương reo trong gió thật là đẹp. Nhưng vì mình trót nổi tiếng là có tâm hồn… ăn uống nên vẫn thích cây vả hơn. Có lẽ vì cây vả cho quả trĩu cành, cho mình những buổi trưa trốn ngủ, hét la đùa nghịch dưới tán lá bao dung, cho tuổi thơ mình những món ăn bình dị mà gây thương gây nhớ.

Cây vả “bà con” khá mặn mà với cây sung nhưng lá to hơn và trái cũng lớn hơn, dày cơm hơn sung. Khi chín, trái vả có màu đỏ như trái sung. Làm món ăn, trái sung xách dép chạy theo trái vả cũng không kịp. Dù vậy, trái sung có một niềm an ủi là được nhiều người ưa chuộng bởi cái tên gợi ước mơ về cuộc đời “sung túc”. Còn trái vả ư? Cái tên nói lên điều gì có vẻ không “nhàn nhã” cho lắm, nói cách khác là “vất vả”, nhưng lại cho con người những phút giây khề khà thư giãn bên những đĩa thức ăn bình dị mà rất đậm đà.
Rất tự nhiên, mình lại nhớ mẹ đã cho mình bài học “bình dân” từ trái vả. Người thường dẫn câu thành ngữ “lòng vả cũng như lòng sung” với ngụ ý là lòng ta cũng như dạ người. Lòng ta sao thì dạ người vậy. Đừng có vội phê phán chê bai người khác mà không tự soi xét bản thân mình, không tự sờ vào gáy của chính mình.
Cây vả cho trái quanh năm nhưng rộ nhất là độ tháng 12 đến tháng 4 âm lịch. Những cành không có lá là nơi trái vả “bu” đầy, chen chúc, lúc nhúc đến mức đếm không xuể. Ngay cả dưới gốc, vả từ trong thân cây cũng “trào” ra cơ man những trái là trái. Chơi đùa đã đời dưới tán “dù” to rộng của cây vả, khi thấm mệt thì lũ trẻ bọn mình hái vả ăn cho mát. Những trái vả chín đỏ cho vị ngòn ngọt thanh thanh. Tụi mình cứ ngồi dưới vòm lá biếc mà nhâm nhi, nheo mắt nhìn trời xanh qua kẽ lá.
Trẻ con, với trái vả thì chỉ ăn tại gốc như vậy thôi. Nhưng người lớn thì khác. Họ làm đủ thứ món: Phơi khô những trái đã chín rồi chưng với đường, gọi là mứt vả để đãi khách. Bóc vỏ, ngâm với nước nóng vài phút cho bớt chát rồi xắt lát trộn với rau sống, chấm mắm, kho cá, nấu canh với móng giò heo đều ngon miệng. Những món ấy, qua bàn tay mẹ, mình đều được ăn cả. Món nào cũng có cái ngon đặc trưng của nó. Nhưng mình vẫn thích nhất là gỏi vả.
Gỏi vả cùng hội cùng thuyền với những con tôm đồng và một ít thịt ba chỉ. Chọn những trái vả to, cơm dày, gọt vỏ rồi ngâm sơ qua nước nóng trước khi xắt nhỏ. Tôm đồng lột vỏ tao với tỏi và dầu ăn. Thịt ba chỉ luộc chín, xắt sợi nhỏ. Tất cả đem “phối” với nhau, trộn cho đều rồi rưới thêm nước mắm chanh, ớt, tỏi, đường. “Đó thực sự là món gỏi làm hân hoan các giác quan chuyên về ẩm thực”, bạn mình ở phố về nói thế sau khi được mẹ mình đãi món này. Riêng mình chỉ biết hít hà, nói "rất đã gỏi vả quê hương". Chứ còn gì nữa? Sợi vả bùi bùi, beo béo, chát chát cùng… “hát” với cái ngòn ngọt của thịt của tôm, cái chua chua thơm thơm của chanh, cái nồng nàn của ớt tỏi khiến người ăn ngỡ ngàng tưởng mình đang trong cuộc “liên hoan” ngập tràn hương vị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.