Im lặng... là xong?

07/07/2011 00:36 GMT+7

Hết hạn thực hiện giảm tín dụng phi sản xuất ở các tổ chức tín dụng xuống 22% đã gần 1 tuần nhưng kết quả về việc thực hiện quy định này như thế nào vẫn là dấu hỏi. Không công bố, không giải thích... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang vận dụng câu "im lặng là vàng" nhưng có vẻ mọi chuyện không đơn giản.

Không quá khó để suy luận sự im lặng này. Về kết quả, chắc chắn khó đạt, bởi nếu đạt, đã không có sự im lặng nói trên. Nhưng tại sao NHNN lại im lặng? "Chiếu" theo "quy luật" thì NHNN chỉ việc công bố và xử lý các NH không thực hiện đúng quy định như tuyên bố trước đó là xong. Bởi việc vi phạm hay "lách", thậm chí gia hạn thêm thời gian để các NH tiếp tục thực hiện cũng là chuyện nằm trong dự đoán của nhiều người. Chỉ có thể suy luận rằng, có lẽ NHNN cảm thấy có lỗi trong việc này. Lỗi "ép" các NHTM thực hiện một quy định được dự báo trước là "bất khả thi" bởi thời gian quá ngắn.

Trên thực tế, chỉ trong vòng vài tháng phải đưa dư nợ phi sản xuất về mức 22% đối với nhiều tổ chức tín dụng là điều không thể. Bởi nhiều khoản cho vay phi sản xuất là trung và dài hạn nên NH không thể đơn phương hủy hợp đồng, đơn phương rút vốn về được. Người có lỗi, tất nhiên khó mạnh tay bắt lỗi người khác, cũng là điều dễ hiểu.

Từ việc này dẫn đến 2 vấn đề cần phải bàn luận. Đầu tiên là việc đưa ra những quy định thiếu khả thi của phía cơ quan quản lý. Vẫn biết trong bối cảnh lạm phát hiện nay, cần phải có kháng sinh liều cao mới mong trị được bệnh. Nên việc giảm tín dụng phi sản xuất ở các NH là liều thuốc đúng. Nhưng cao đến đâu, cao như thế nào cũng phải dựa trên thực tế chứ không chỉ đưa ra các quy định, các chính sách để "lấy điểm", làm đẹp lòng dư luận. Còn thực hiện được hay không, kết quả như thế nào cứ... im lặng là xong.

Vấn đề thứ 2 quan trọng hơn là nếu tín dụng phi sản xuất không được kéo xuống thì cũng không thể dẫn vốn về khu vực sản xuất kinh doanh như kế hoạch. Bởi tín dụng hiện nay đang được ví như "tấm chăn nhỏ", bên này co thì bên kia hở. Nếu phi sản xuất chiếm dụng nhiều thì bên sản xuất tất nhiên sẽ thiếu. Thiếu thì phải chấp nhận vay lãi cao. Bài toán giảm lãi suất lại càng bế tắc. Hy vọng tiếp cận được vốn tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng xa vời hơn.

Giảm tín dụng phi sản xuất là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất nên phải được tính toán khoa học, hợp lý và phù hợp với thực trạng của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, phải có chế tài mạnh với những tổ chức không thực hiện đúng quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của chính sách. Đây mới chỉ là giai đoạn một trong lộ trình giảm tỷ trọng phi sản xuất xuống 16% trong năm nay. Nếu vẫn cách làm như hiện nay thì khó lòng đạt được kết quả kế hoạch đề ra.   

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.