Chương trình tìm kiếm vũ công So you think you can dance sẽ chính thức khởi động tại VN vào tháng 7 tới.
Ðể chuẩn bị cho mùa thi đầu tiên tại VN, Jeff Thacker - nhà đồng sản xuất chương trình này - đã có chuyến khảo sát tại TP.HCM vào trung tuần tháng 5
Dịp này, ông đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn về So you think you can dance - một cuộc chơi nhảy múa rất thành công cũng như những vấn đề của truyền hình thực tế. Ông Jeff bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi: "Bạn biết nhảy không?". Câu trả lời là "Rất tiếc, tôi vụng về lắm!". Jeff nở nụ cười đầy mời gọi: "Bạn phải thử chứ!".
* Xin lỗi, sao ông tin rằng ai cũng nhảy múa được?
- À, niềm tin của tôi đã được chứng minh qua tám mùa thi, và chuẩn bị là mùa thi thứ chín tại Mỹ cùng việc So you think you can dance được chuyển nhượng bản quyền thành công tại 24 quốc gia khác. Một người có thể không nhảy được các vũ điệu Latin hay hip hop nhưng lại có thể nhảy các điệu tiêu chuẩn hay ít ra là một điệu múa dân tộc của mình.
* Gần như chương trình truyền hình thực tế nào cũng "dụ" người tham gia và cả người xem rằng đó là một định dạng tuyệt vời, không chỉ mang đến những giây phút thư giãn mà còn những cơ hội để tỏa sáng. Thực tế không hẳn như vậy?
- Tôi nghĩ các nhà sản xuất sẽ chẳng bao giờ nhầm lẫn các định dạng và mục tiêu mà họ đặt ra cho chương trình. Nhưng những người tham gia và khán giả thì cần tìm hiểu rõ từng cuộc chơi trước khi dấn thân vào. Tôi ví dụ như Idol hay So you think you can dance, chúng tôi không tạo ra một chương trình để thi thố rồi thôi. Chúng tôi tạo cơ hội và là bệ phóng cho những tài năng ca hát hay nhảy múa tỏa sáng. Rất nhiều tên tuổi ở American Idol trở thành những ngôi sao thế giới.
Với So you think you can dance cũng vậy, nhiều vũ công đã được mời vào bộ phim về nghệ thuật nhảy rất nổi tiếng mang tên Step up, tham gia rất nhiều sô ca nhạc của những ngôi sao lớn hay các chương trình nổi tiếng. Vì là một chương trình có tham vọng rèn giũa các tài năng tiềm ẩn thành những nghệ sĩ triển vọng, định dạng của chương trình sẽ khắc nghiệt hơn nhiều với những thử thách không ngừng tăng cao. Thí sinh như bước vào một cuộc học và thi nước rút phải nói là rất căng thẳng mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua.
* Áp lực ở chỗ họ bỗng dưng nổi tiếng cùng rất nhiều hệ lụy không ngờ sau đó?
- Ðây không phải là thời điểm đầu tiên những chương trình dạng này xuất hiện. Tôi nghĩ các thí sinh lẫn khán giả đã ít nhiều quen, hiểu và "miễn dịch" được với một số điều không mong muốn, phát sinh trong lúc tham gia lẫn theo dõi chương trình. Trong vai trò nhà sản xuất, chúng tôi cũng đề cập không ít lần với các thí sinh của mình về những tình huống có thể xảy ra để họ chuẩn bị tâm lý. Nhưng đối diện với việc nổi tiếng vì xuất hiện trên sóng quốc gia và những hệ lụy thế nào còn tùy thuộc bản lĩnh của mỗi người.
* Áp lực còn ở chỗ dù là chương trình nào thì phía sản xuất cũng mong đợi lượng người xem thật cao. Nhiều nhà sản xuất đã không ngần ngại sử dụng chiêu trò, xìcăngđan để "câu" người xem?
- Chiêu trò là những thứ phải có để các sân chơi thêm phần hấp dẫn. Cái chúng ta cần quan tâm là chiêu sạch hay chiêu bẩn. Chúng tôi vẫn không ngừng thay đổi cách thức giúp chương trình thêm lôi cuốn người xem như tạo đề thi bất ngờ, khách mời nổi tiếng, những bài dựng đặc sắc... Thi thoảng chúng tôi vẫn vướng vào một số xìcăngđan chủ yếu là thí sinh này có cảm tình với thí sinh kia. Nhưng cuối cùng khán giả vẫn chú ý vào sự thể hiện và các bài nhảy của thí sinh trên sân khấu hơn là xìcăngđan.
* Thế nhưng vẫn có những xìcăngđan tự tạo nhằm hướng người xem quên đi một chương trình với chất lượng đang ngày càng tệ?
- Dù thế nào người xem vẫn nhận ra nó ngày càng tệ hoặc đang rất tệ và sẽ nhanh chóng chuyển kênh.
* Chín năm làm nhà sản xuất cho So you think you can dance, theo ông, đâu là điều khiến sân chơi này vẫn có thể tồn tại và hấp dẫn người xem đến thế?
- Ðó là các thí sinh, những hạt giống của chương trình. Không chỉ So you think you can dance mà các chương trình khác cũng vậy. Riêng So you think you can dance thì "bất ngờ và bất ngờ" cũng là một trong những điều khiến khán giả khó bỏ qua.
So you think you can dance phiên bản Việt So you think you can dance do Simon Fuller sáng lập, từng đoạt 7 giải Emmy (Mỹ) cho thể loại chương trình có biên đạo nổi bật. Ðây là chương trình truyền hình thực tế có quy mô toàn quốc dành cho tất cả thí sinh nam - nữ từ độ tuổi 16-30 dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, tham gia tranh tài ở bất kỳ thể loại khiêu vũ nào. So you think you can dance phiên bản VN (dự kiến mang tên Thử thách cùng bước nhảy) do Ðài truyền hình TP.HCM và Công ty Ðông Tây Promotion phối hợp thực hiện theo định dạng đã sản xuất tại Mỹ. Vòng sơ tuyển dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 7-2012 tại Hà Nội, Ðà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Sau vòng sơ tuyển, nhà sản xuất sẽ chọn 100 thí sinh xuất sắc nhất tham gia tranh tài tại TP.HCM. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)