John Walsh của VN - Kỳ 1: Chuyện của một sĩ quan Mỹ

11/02/2009 00:13 GMT+7

Trong loạt bài Con tỉ phú Mỹ về VN tìm mẹ, chúng tôi đã đề cập tới nhân vật "ông trùm tìm kiếm" Lê Cao Tâm. Ở VN, khi nhắc đến anh có lẽ chỉ một số người biết đến nhưng ở nước ngoài, nhất là Mỹ, anh được biết đến với biệt tài tìm kiếm thân nhân cho những người bị thất lạc. Họ ưu ái gọi anh là John Walsh của VN. Nghe đọc bài

Lê Cao Tâm có những cuộc tìm kiếm gian nan, vất vả nhưng cũng đầy ngoạn mục khiến các chuyên gia điều tra hàng đầu của nước ngoài cũng phải bái phục, như trường hợp của Robert A Wayne, một sĩ quan FBI, Mỹ.

Bất ngờ với quá khứ

Robert A Wayne, tên VN là Nguyễn Văn Sơn. Robert sinh năm 1964, con lai Pháp, mẹ ruột là một vũ nữ. Vì khó khăn nên đã đưa Robert cho hai vợ chồng người Mỹ làm con nuôi vào năm 1965. Bố nuôi của Robert là sĩ quan quân đội Mỹ tại Sài Gòn và mẹ là một cô gái VN. Lúc sang Mỹ, Robert còn nhỏ nên anh không hề biết mình là con nuôi. Anh được ăn học tử tế và lớn lên trở thành một sĩ quan của FBI, Mỹ.

 

 “Ông trùm tìm kiếm” Lê Cao Tâm - Ảnh: do nhân vật cung cấp

Cuộc sống hạnh phúc cứ êm đềm trôi qua cho đến khi bố mẹ anh qua đời. Khi ấy, Robert buồn bã ngồi lục lại đống ảnh trong những cuốn album cũ và bất ngờ, bức ảnh của một người phụ nữ, bế đứa trẻ, rất giống anh rơi xuống. Phía sau tấm ảnh có ghi: "Mẹ Nguyễn Thị Hồng và con trai Nguyễn Văn Sơn". Máu Robert nóng lên. Anh cuống cuồng lục tung cái két sắt của bố mà từ trước tới giờ anh không được đụng đến. Dưới đáy của cái két là tập giấy tờ đã úa màu. Robert run rẩy lôi ra từng tờ một. Đầu tiên là tờ giấy khai sinh của anh, dòng tên cha bỏ trống còn tên mẹ là Nguyễn Thị Hồng. Anh đổ tất cả xuống nền nhà thì thấy "Tờ tự thuận cho con", phía dưới có chữ ký của bố mẹ nuôi và bà Hồng. Robert lúc đó như sụp đổ. Một sự thật mà chưa bao giờ anh nghĩ đến đã phơi bày ra trước mắt, anh chỉ là một đứa con nuôi…

Từ trước tới giờ, Robert không hề thắc mắc về cái nét lai Việt của mình vì anh đã tự giải thích được, khi mẹ nuôi anh, bà Lệ Thu cũng là người VN. Robert sống trong bàng hoàng, dằn vặt, đau khổ suốt một thời gian dài. Sau khi đủ bình tĩnh để chấp nhận thực tế, Robert đã gửi thư về cho "John Walsh" của VN, Lê Cao Tâm.

"Ông trùm" vào cuộc

Đây là một trường hợp khá dễ vì có rất nhiều thông tin. Nhưng anh Tâm phân vân có nên nhận lời hay không? Với một sĩ quan FBI, nghiệp vụ điều tra rất uyên thâm, vậy tại sao với thông tin dày như thế, anh ta không trực tiếp về VN đi tìm? Bẵng đi một thời gian, những lá thư từ Mỹ lại tiếp tục dội về. Trong lá thư cuối cùng, người sĩ quan mới thổ lộ, anh đã 14 lần về VN tìm mẹ nhưng tất cả đều vô vọng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Lê Cao Tâm vạch kế hoạch tìm kiếm lần theo những thông tin Robert cung cấp.

John Walsh, người thành lập cơ quan tìm trẻ thất lạc và bị lạm dụng (Missing and Exploited Children), và là người nổi tiếng khắp nước Mỹ trong chương trình tìm kiếm người thất lạc trên truyền hình. John Walsh đã giúp nhiều gia đình Mỹ tìm được những đứa con bị lạc hay mất tích. 

Trong "Tờ tự thuận cho con" ghi rõ người mẹ tên Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1940, tại Huế, sống tại đường Trưng Vương - Đà Nẵng, đồng ý cho đứa con trai tên Sơn. Lần theo thông tin ghi trong đó, anh Tâm vội vã lên đường. Tại Huế, qua nhiều kênh thông tin, anh tra số căn cước của người tên Nguyễn Thị Hồng nhưng kết quả lại chỉ có một tên Nguyễn Thị Thu Hồng. Nhưng không sao, đó vẫn là một khởi đầu tốt đẹp. Ít nhất anh cũng xác định được bà Hồng là có thật. Ngay trưa hôm đó, anh Tâm đón xe từ Huế đi Đà Nẵng.

Thông tin mà Robert gửi về cho biết, mẹ anh trước đây làm việc ở quán bar trong sân bay Đà Nẵng. Nhưng Đà Nẵng bây giờ đã quá nhiều thay đổi. Quán bar, sở Mỹ không còn mà thay vào đó là một thành phố hiện đại, một sân bay quốc tế quan trọng của cửa ngõ miền Trung. Qua nhiều nguồn khác nhau, Lê Cao Tâm đã tập hợp và biết được nhiều người, có năm sinh từ 1935 đến 1945, trước đây từng làm việc trong khu sở Mỹ, sân bay Đà Nẵng. Anh đã cầm bức ảnh bà Hồng đến tìm họ và từng bước dò hỏi thông tin.

 

Lê Cao Tâm (áo đen ở giữa) và đồng nghiệp

Sang ngày thứ ba, anh Tâm gặp một người phụ nữ đã từng làm chung trong quán bar với bà Hồng những năm 1965. Nhưng trong ký ức của người phụ nữ này, làm cùng thời với bà ngày ấy, có rất nhiều phụ nữ tên Hồng và hầu như ai cũng có con với những sĩ quan Mỹ. Bà ta giới thiệu anh Tâm tới gặp người phụ nữ trước đây quản lý những cô gái làm ở quán bar. Nhưng cũng như người phụ nữ kia, người đàn bà này chỉ nhớ bập bõm là có một cô Hồng rất đẹp, sinh được một đứa con trai, sau khi cho con xong thì bỏ nghề và đi đâu không ai biết.

Tưởng vấn đề đơn giản nhưng hóa ra khá phức tạp. Vất vả tới lui cuối cùng anh cũng được biết bà Hồng đã xuất cảnh sang Mỹ hơn 10 năm trước. Anh Tâm lập tức liên lạc với Robert nhưng kết quả kiểm tra của viên sĩ quan FBI thì tại Mỹ không có ai trùng tên với mẹ anh ta.

Lại thêm một lần thất bại nhưng anh Tâm không nản. Vì anh vẫn còn nhiều biện pháp tìm kiếm chưa sử dụng. Anh lại nhờ cơ quan chức năng tra cứu những anh chị em của bà Hồng. Kết quả cho thấy, bà Hồng có một người em tên N.T.Lan, hiện đang sống tại Đồng Tháp. Có địa chỉ rõ ràng, anh Tâm lập tức tra số điện thoại. Buổi chiều cuối năm 2008, anh Tâm gọi điện về Đồng Tháp. Khi anh hỏi cho gặp bà Lan thì người ở đầu dây bên kia trả lời là bà Lan đang đi vắng. Ngập ngừng một lát, anh Tâm mạnh dạn hỏi tiếp: "Cô Hồng có về ăn tết không cô?". "Tôi là Hồng đây" - tiếng bên kia đáp lại. Anh Tâm giật thót cả mình, sự việc diễn ra ngoài sự mong đợi. Sau những câu hỏi qua lại, anh Tâm khẳng định, đây chính là bà Hồng mà anh đang tìm. Nhưng để chắc chắn hơn, anh Tâm hỏi thêm: "Cô có biết anh Sơn không?". Im lặng! Vài giây sau, tiếng bên kia trả lời, giọng run rẩy: "Có, Sơn là con tôi. Bây giờ Sơn thế nào rồi, anh có biết không!". Anh Tâm thở phào nhẹ nhõm.

Bảo Thiên
(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.