John Walsh của VN - Kỳ 2: Những cuộc tìm kiếm ly kỳ

12/02/2009 00:58 GMT+7

Trong quá trình tìm kiếm, Lê Cao Tâm gặp nhiều mảnh đời éo le, bất hạnh. Đó là nỗi đau của người mẹ sau khi sinh không được biết mặt con; của những đứa trẻ mồ côi phải chia lìa nhau do hoàn cảnh... Và trước những câu chuyện đầy nước mắt ấy, anh lại lặn lội đi tìm. Mời nghe đọc bài

Cậu bé có bớt đen trong lòng bàn tay

Mỹ Hà sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở An Giang. 16 tuổi, Hà phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có trong tỉnh. Những tưởng khi kiếm được đồng tiền phụ giúp gia đình, Hà sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng không, suốt thời gian sống trong ngôi nhà giàu có, cô bị ông chủ lợi dụng.

Thế rồi Hà mang thai, mọi chuyện bị vỡ lở. Vợ ông chủ đưa Hà đi phá nhưng không được vì cái thai đã quá lớn, nên lăm lăm chờ ngày Hà sinh để ẵm đứa bé đi cho. Sợ mất con, nhiều lần Hà bỏ trốn nhưng bất thành. Thế rồi ngày sinh nở cũng đến, bà chủ mời bác sĩ về tận nhà giúp Hà sinh con. Đứa bé ra đời, bác sĩ ẵm lên cho Hà nhìn mặt. Nhưng vì quá mệt, Hà cầm lấy bàn tay phải nhỏ xíu của con và chỉ kịp nhìn thấy một cái bớt màu đen nằm gọn trong lòng bàn tay, rồi thiếp đi... Tỉnh dậy, cô không thấy con đâu. Hà sợ hãi bò dậy mở cửa đi tìm con nhưng cửa đã bị khóa.

Cô đập cửa ầm ầm rồi gào lên thảm thiết. Lúc này có người đàn ông lạ vào mở cửa. Ông ta xách cái ba lô đựng ít bộ quần áo của Hà và một khoản tiền để đón xe cho cô về nhà. Ông ta bảo, con của Hà đã bị đem đi cho. Hà không còn đứng vững nữa. Nỗi đau này quá sức chịu đựng của cô gái mới 18 tuổi.

Hơn 25 năm trôi qua, Hà vẫn chưa vượt qua khỏi nỗi đau thiếu thời, dù cô có người chồng rất thương yêu và thông cảm, cùng với hai đứa con ngoan. Chồng luôn động viên Hà đi tìm con, nhưng cô không biết người ta đưa con của mình cho ai, ở đâu. Cho đến một ngày đầu năm 2007, vợ chồng Hà bất ngờ có một vị khách phương xa tìm đến. Đó chính là Lê Cao Tâm. Nhìn gia đình đầm ấm của cô, anh Tâm không dám mở lời. Phải đến khi Hà tiễn ra đến cửa, anh mới lựa lời rằng: “Có một người con trai bị lạc mẹ đang đi tìm cô?”. Chỉ nghe đến thế, tim Hà đập loạn xạ.

Cô gọi chồng ra và hai người mời anh Tâm vào nói chuyện. Anh Tâm kể rằng: Cậu bé Kevin trước đây sống ở trung tâm mồ côi. Cậu được một phụ nữ và một bà già ẵm lên cho. Người phụ nữ đó bảo rằng, nếu có ai xin thì cho đi, càng xa càng tốt. Đó là đứa con “tội lỗi” của chồng bà và người giúp việc. Người đó không khai tên cha, tên mẹ. Một năm sau thì đứa bé đó được gia đình người Mỹ nhận nuôi và đặt tên là Kevin. Cậu bé luôn nung nấu ý định về Việt Nam tìm mẹ và khi tốt nghiệp đại học, cậu liên hệ ngay với anh Lê Cao Tâm.  Sau khi “bới tung” đất An Giang lên, anh Tâm cũng đã tìm được cô bé giúp việc năm xưa...

Nghe xong câu chuyện, Hà không nói được câu gì. Rồi chợt nhớ ra, cô run rẩy nói: “Con trai tôi có một cái bớt màu đen trong lòng bàn tay phải”. Anh Tâm lập tức gọi điện cho Kevin. Đầu dây bên kia, người con trai khóc nghẹn. Anh không ngờ cái bớt trong lòng bàn tay của mình lại quan trọng đến thế. Và mùa hè năm đó, mẹ con Hà đã được ở bên nhau mà không một thế lực nào có thể ngăn cản.

Người em gái của hai giáo sư

Có những cuộc tìm kiếm gian nan vất vả như mò kim đáy bể, nhưng cũng có những cuộc tìm kiếm lại vô tình mà đạt kết quả. Đó là trường hợp tìm em gái cho anh em nhà Velman, giáo sư, tiến sĩ y khoa, chuyên ngành ung thư tại Mỹ. Trong một lần đến cô nhi viện ở Cam Ranh để tìm mẹ cho Nguyễn Thị Mỹ Liên (Thanh Niên đề cập trong loạt bài Con tỉ phú Mỹ về Việt Nam tìm mẹ), anh Lê Cao Tâm gặp sơ Bình, là người già nhất ở đó.

Nghe nhắc đến tên Mỹ Liên, sơ hỏi có phải Mỹ Liên là em gái của Nguyễn Đức Trường và Nguyễn Đức Lâm mà vợ chồng người Mỹ nhận nuôi không? Câu hỏi của sơ khiến anh Tâm hết sức vui mừng, vì đây cũng là một trường hợp mà anh đang cần tìm. Sơ kể, cha mẹ của ba anh em Trường, Lâm, Liên chết trong chiến tranh. Anh em họ được đưa vào cô nhi viện. Năm 1968, vợ chồng nhà Velman, người Mỹ sang nhận ba anh em Trường làm con nuôi.

Ngày đó, trong cô nhi viện có người bảo mẫu mù rất thương anh em Trường. Ngày gia đình Velman sang đón anh em Trường đi thì không thấy Liên đâu. Tìm khắp cô nhi viện mới phát hiện người bảo mẫu mù cũng đã đi đâu mất. Hồi đó, đường vào cô nhi viện ở Cam Ranh rất khó, không thể đi xe mà phải bay bằng trực thăng.

Vì không còn thời gian nữa, vợ chồng người Mỹ đành dẫn Trường và Lâm ra sân bay Nha Trang trước. Sau đó, họ vào Tân Sơn Nhất, rồi bay sang Mỹ. Trước khi đi, họ nhờ sơ Bình khi nào Liên quay lại thì báo để họ cho người về đón. Các sơ chờ mãi mà không thấy tin gì của Liên. Câu chuyện của anh em Liên cũng phai dần theo thời gian.

 
Trường và Lâm bây giờ đã có một gia đình hạnh phúc

Cho đến một hôm, cách đây chừng 5 năm, có người phụ nữ người gầy gò, đen nhẻm, ẵm con đến cô nhi viện kiếm hai anh trai. Người đó chính là Mỹ Liên, em gái của Trường và Lâm ngày nào. Chị Liên kể lại rằng, hồi đó bảo mẫu mù dẫn chị đi bộ mấy ngày rồi bắt xe vào Bình Thuận. Cuộc sống ở đó của hai người rất khó khăn. Khi bảo mẫu mất, Liên lấy chồng và sinh được 3 người con. Cô muốn đi tìm anh lâu rồi nhưng không có điều kiện. Dành dụm mãi, hôm đó Liên mới có tiền bắt xe ra Cam Ranh để hỏi. Nhưng các sơ cũng không biết tin tức gì về hai anh trai của Liên.

Trong khi đó, sau khi đưa anh em Trường sang Mỹ, những năm đầu thỉnh thoảng ông bà Velman có gửi thư và ảnh về để thông báo tình hình hai con, đồng thời hỏi thăm tin tức Mỹ Liên. Nhưng sau đó, do chiến tranh loạn lạc, họ mất tin tức nhau.

Thông tin về Mỹ Liên được Lê Cao Tâm ghi chép tỉ mỉ để đối chiếu với những thông tin mà gia đình giáo sư, tiến sĩ Robin Velman gửi tới. Robin chính là Trường, người anh lớn của Liên. Anh em Trường sau này rất thành đạt ở Mỹ. Hiện một người là hiệu trưởng một trường đại học y khoa, một người là giám đốc bệnh viện. Robin thường trăn trở về người em út thất lạc của mình, nhưng vì công việc, anh chưa thể về Việt Nam tìm em. Hiểu được lòng chồng, vợ Robin viết thư về để nhờ Lê Cao Tâm tìm kiếm.

Và anh Tâm không ngờ rằng, tìm em gái cho gia đình Velman lại dễ dàng và nhanh chóng đến thế. Từ cô nhi viện, Tâm lập tức lên đường đi Bình Thuận. Sau nhiều lần xác minh, anh khẳng định Mỹ Liên chính là em gái của anh em nhà Velman. Thông tin được chuyển đến Robin, nhưng vì công việc, tháng 6 năm nay họ mới về Việt Nam. Vì thế, anh Tâm cũng chưa thể báo cho chị Liên biết, sợ chị ngày đêm thấp thỏm đợi chờ...

Theo anh Lê Cao Tâm, cần biết rằng việc tìm kiếm người thất lạc và kết nối đoàn tụ là một trong ba chức năng quan trọng của Hội Chữ thập đỏ thế giới. Trong thời gian qua, anh Tâm đã hợp tác chặt chẽ với nhiều hội viên Chữ thập đỏ Việt Nam và sự giúp đỡ của gần 2.000 tình nguyện viên ở trong, ngoài nước.

Nếu có sự giúp đỡ và hậu thuẫn của 7 triệu hội viên Chữ thập đỏ Việt Nam thì số lượng người thất lạc nhau được đoàn tụ sẽ nhiều hơn. Những gia đình nào thất lạc người thân, trước hết hãy tự mình tìm kiếm. Đầu tiên là khoanh vùng địa phương nghi vấn, rồi liên hệ hội Chữ thập đỏ địa phương để rà soát danh sách những người thất lạc người thân, sàng lọc tiếp xúc từng người một.

Cách nữa là tra cứu hồ sơ lưu trữ tại Cục lưu trữ quốc gia hoặc các tàng thư chứng minh nhân dân ở các địa phương. Song song đó, hãy viết câu chuyện thất lạc của mình kèm hình ảnh gửi qua thư điện tử cho bạn bè và nhờ họ gửi tiếp cho những người khác. Một cách nữa cũng rất hiệu quả là đăng câu chuyện thất lạc lên báo.

Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.