Kế hoạch chẻ nhỏ California

26/02/2014 09:00 GMT+7

California đối mặt với khả năng bị tách thành từng mảnh sau khi đề xuất trưng cầu dân ý về việc chia bang này thành 6 vùng đã được bật đèn xanh.

 Bản đồ chia nhỏ California của Tim Draper (ảnh nhỏ) - Ảnh: Six Californias
Bản đồ chia nhỏ California của Tim Draper (ảnh nhỏ) - Ảnh: Six Californias

Tờ San Jose Mercury News hôm qua dẫn lời nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Draper Fisher Jurvetson là Tim Draper khẳng định kế hoạch chẻ nhỏ California của ông không hề là chuyện viển vông hay nhằm “chơi nổi”. Trước đó, dân tình bang này và cả nước xôn xao khi Draper đệ trình đề xuất biến tiểu bang nổi tiếng ở bờ tây nước Mỹ thành 6 tiểu bang nhỏ với kinh tế và hệ thống chính trị riêng biệt. Ban đầu, nhiều người nhanh chóng xem đây là chuyện “tầm phào” nhưng tất cả giật mình khi Đổng lý Văn phòng tiểu bang Debra Bowen quyết định những người ủng hộ sáng kiến trên có thể bắt đầu thu thập chữ ký để tiến tới bỏ phiếu ngay trong năm nay.

“Tôi đưa ra ý kiến này nhằm giúp chính quyền gần dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn và đại diện tốt hơn cho người dân”, Draper tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 23.2. Lập luận chính của ông là Tiểu bang Vàng (biệt danh của California - NV) quá lớn và quá đa dạng về kinh tế, văn hóa, xã hội… để có thể quản lý một cách hiệu quả, dẫn đến hậu quả là chính quyền không phản ứng năng nổ trước nguyện vọng và nhu cầu của người dân. “California từng có thời là hình mẫu của nước Mỹ nhưng theo tôi, tất cả đang xuống dốc”, Draper tuyên bố. Ông còn khẳng định việc chia tách sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của toàn California và tiết lộ thêm là đã nhận được sự ủng hộ về tài chính của nhiều đại gia khác.

ABC News dẫn số liệu thống kê cho biết California hiện là tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ với khoảng 38 triệu người. Chưa hết, giả sử trở thành một quốc gia độc lập thì nền kinh tế 2.000 tỉ USD (số liệu năm 2012 - NV) của California sẽ đứng thứ 8 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Brazil. Mặc dù vậy, bang này chỉ có 2 ghế thượng nghị sĩ, tương đương tất cả các tiểu bang khác và điều này là “không công bằng”, theo Draper và những người ủng hộ.

Chia năm xẻ bảy

Theo tờ San Francisco Chronicle, Tim Draper đã bỏ tiền thuê một đội chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng về các vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, an ninh… để vạch ra kế hoạch chia tách California. Trong đó, Mỹ sẽ có 6 bang mới là Thung lũng Silicon (bao gồm San Francisco và San Jose), Nam California (San Diego và Quận Cam), Tây California (Los Angeles và Santa Barbara), Trung California (Bakersfield, Fresno và Stockton), Bắc California (Sacramento) và Jefferson (Redding và Eureka). Draper cũng đề xuất 3 phương án giải quyết nợ công hiện nay của California là phân chia đều cho 6 bang mới, tùy theo thỏa thuận giữa các bang hoặc chia theo mức độ giàu có và dân số.

Đặt trường hợp, kế hoạch trên thành hiện thực thì Thung lũng Silicon sẽ trở thành bang giàu nhất nước Mỹ với thu nhập bình quân đầu người là 63.288 USD/năm so với con số 46.477 USD/năm hiện nay của California còn đứng thứ hai về trình độ phát triển sẽ là Nam California. Có thể thấy các khu vực tập trung người gốc Việt sinh sống như San Jose và Quận Cam đều nằm trong 2 “bang” này. Ngược lại, Trung California sẽ là bang nghèo nhất với thu nhập bình quân đầu người 33.510 USD/năm.

Khó khả thi ?

Ngay sau khi được công bố, kế hoạch của Draper đã vấp phải nhiều chỉ trích. Theo San Jose Mercury News, một trong những vấn đề đau đầu nhất là nguồn nước cung cấp cho phần phía nam California sẽ bị cắt đứt, đẩy các thành phố như Los Angeles và San Diego vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cáo buộc Draper muốn phân hóa triệt để giàu - nghèo, tập trung nguồn lực hiện nay của California vào Thung lũng Silicon - nơi làm ăn của ông và các đại gia khác của Mỹ. Có người còn cáo buộc Draper có động cơ cá nhân vì lâu nay ông vẫn thường chỉ trích chính quyền tiểu bang hạn chế sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ đầu tư béo bở như máy bay do thám không người lái và xe tự hành. Chưa hết, hậu quả về mặt xã hội cũng khó lường vì Trung California hiện là nơi có nhiều nhà tù nhất nước Mỹ trong khi Tây California lại thiếu hụt trại giam. Tóm lại, trang tin The Eastern Tribune dẫn các ý kiến phản đối cho rằng trong tình huống xấu nhất thì kế hoạch chia bang sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt thực phẩm, nước khan hiếm, bất bình đẳng giàu nghèo còn tù nhân nếu không tràn ra đầy đường thì cũng nổi loạn trong các trại giam quá mức chật chội.

Bên cạnh đó, Draper phải thu thập đủ 807.615 chữ ký của cử tri vào ngày 14.7 nếu muốn đưa đề xuất của mình ra bỏ phiếu vào tháng 11 tới, còn không phải chờ đến năm 2016. Và nếu chính quyền bang có thông qua thì cũng phải chờ sự phê chuẩn của quốc hội. Thời gian quá gấp gáp trong khi nhiều chính trị gia tỏ ra không mấy mặn mà. Reuters dẫn lời chuyên gia Raphael Sonenshein thuộc Đại học UCLA nhận định: “Các nghị sĩ ở những bang khác chẳng bao giờ muốn tự nhiên California có thêm 10 ghế ở Thượng viện”. Có lẽ vì thế mà trong lịch sử 164 năm của California đã có 220 kế hoạch chẻ nhỏ bang nhưng đến nay chưa nỗ lực nào thành công.

Thụy Miên

>> Tấm vé số trúng độc đắc 425 triệu USD được bán ở California
>> Thợ săn 72 tuổi lạc 19 ngày trong rừng tuyết California
>> Cháy rừng đe dọa tây California

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.