Kế hoạch cho cuộc đời

13/04/2010 22:29 GMT+7

2 năm tới bạn ở đâu? 5 năm tới bạn sẽ là ai? Cuối đời, bạn sẽ đạt được những thành tựu gì? Có bao giờ bạn lập một kế hoạch cho đời mình?

Hãy tự quyết định cuộc đời mình

Không phải ai cũng từng tự hỏi mình những câu như thế. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời” do NVH Thanh Niên TP.HCM tổ chức ngày 11.4, có những bạn trẻ đã rất loay hoay khi không thể viết ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Có thể nói, không ít bạn trẻ hằng ngày đang sống và làm việc theo thói quen, quán tính.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (ảnh), Trưởng bộ môn Tâm lý trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ câu chuyện về một SV. Bạn trai này học 6 năm trường y theo mong muốn của mẹ, để rồi khi tốt nghiệp ĐH thì lại ấp ủ dự định sang Đức du học ngành... chế tạo ô tô! “Khi ta dừng lại, biết rằng bấy lâu nay ta đã đeo đuổi ước mơ của người khác chứ không phải của ta, và ta muốn bắt đầu lại mơ ước của mình, thì cái mất mát lớn nhất mà không lấy lại được, đó chính là thời gian. Có những bạn không tự xác định mục tiêu cuộc đời mình, mà bị ảnh hưởng bởi người thân, bạn bè... Những người này tất nhiên không hề muốn điều gì xấu cho bạn, nhưng những định hướng này chưa chắc đúng với bạn. Bạn nên nhớ, ý kiến của người khác chỉ là để tham khảo” - thạc sĩ Quỳnh Giao chia sẻ.


Ảnh: P.N

Vậy làm cách nào để xác định mục tiêu cuộc đời? Trước tiên, hãy viết ra giấy những điều mà bạn mong muốn, xem những mong muốn đó có phù hợp với các nguyên tắc sống của bạn không. Những mong muốn quá đơn giản, quá dễ thực hiện (ví dụ muốn có một ly cà phê, muốn được lĩnh lương đúng hạn...) thì chưa thể gọi là mục tiêu cuộc đời. Mục tiêu cuộc đời là những mong muốn, mơ ước đủ lớn lao, đủ lãng mạn nhưng vẫn có tính hiện thực, khả thi.

Biến ước mơ thành hiện thực

“Trước đây, mình từng đặt ra mục tiêu cuộc đời, nhưng chưa biết chia nhỏ nó ra thành những mục tiêu ngắn hạn nên không có động lực để thực hiện. Rồi lâu lâu mình cũng quên luôn” - bạn Trí Đức (ngụ ở đường Nguyễn Tất Thành, Q.4) tâm sự. Để biến ước mơ thành thực hiện, thạc sĩ Quỳnh Giao cho rằng: “Nếu bạn có ước mơ, hãy tuyên bố nó ra. Trước tiên là tuyên bố với bản thân bằng cách viết ra, dán lên những chỗ mà mình dễ trông thấy để khỏi quên. Thứ hai là hãy tuyên bố với người thân, bạn bè, để lâu lâu khi mình nản chí, khi mình lười biếng thì họ sẽ nhắc cho mình nhớ, khiêu khích cho mình phải cố gắng, và họ hỗ trợ mình. Ngoài ra, hãy bắt tay ngay vào thực hiện ước mơ bằng cách chia nó thành những mục tiêu ngắn hạn để lồng ghép vào công việc hàng ngày. Cần xác định rõ bạn định làm việc gì trong khoảng thời gian bao lâu”.

Kiên trì là yếu tố không thể thiếu trong quá trình hiện thực hóa ước mơ. Thạc sĩ Quỳnh Giao nói về việc đối mặt với thất bại: “Bạn có thể dự 20 cuộc phỏng vấn chỉ để kiếm 1 việc làm tốt. Bạn sẽ có thể phỏng vấn 40 người chỉ để kiếm một nhân viên giỏi. Bạn sẽ có thể trình bày với 50 người chỉ để bán một căn nhà, một hợp đồng bảo hiểm hoặc một ý tưởng kinh doanh... Người ta có thể gieo rất nhiều hạt giống, nhưng chỉ vài hạt nảy mầm thì cũng là thành công rồi. Bạn có thể sẽ gặp nhiều thất bại, nhưng đó là việc không thể tránh khỏi, bạn phải biết chấp nhận nó trong quá trình biến ước mơ thành hiện thực vốn chẳng dễ dàng gì!”.

* "Có mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Mục tiêu của bạn càng cụ thể càng tốt. Mục tiêu phải có tính khả thi, vì vậy nếu không khả thi bạn không nên phí thời gian vào nó nữa. Tiếp theo, mục tiêu phải phù hợp với quan điểm sống của bạn, hoàn cảnh của bạn. Bạn hãy cân nhắc cái giá phải trả cho mục tiêu đó". (Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao) 

* "Điều bổ ích mình học được hôm nay, đó là cần biết chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu ngắn hạn, nói ra những mục tiêu đó với mọi người để mọi người biết, khích lệ và nhắc nhở mình những lúc mình nản lòng". (Tô Trí Đức, 498/5 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM) 

* "Mình có những mục tiêu ngắn hạn để thực hiện dần dần. Hiện giờ mình đang bán hàng cho một công ty kinh doanh gỗ nguyên liệu, tiếp theo mình sẽ chuyển sang bán hàng cho một công ty kinh doanh đồ gỗ nội thất, sau nữa mình sẽ làm việc ở một công ty thật lớn để tích lũy kinh nghiệm để mở công ty riêng kinh doanh đồ gỗ nội thất ở tuổi 35". (Kim Nhung, ở tỉnh Bình Dương)

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.