>> Hoàng Phương - Ngọc Phan

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì tủ thờ xưa thường được đóng bằng loại gỗ gõ đen, sườn đố hơi thô kệch, ván trám dày chặt nặng nề, kiểu dáng khá đơn giản, tương tự như một chiếc thùng vuông. Đặc điểm của loại tủ nguyên thủy này là có hai cánh cửa ở mặt trước. Đầu hai tấm trám cánh cửa được bo tròn, bốn chân tủ làm theo kiểu chân quỳ khác với kiểu chân hình mũi hài của tủ miền ngoài. Cây tủ thờ bấy giờ cũng chưa có những bộ phận ghép vào như bông dâu, giỏ dâu, bó đũa, chỉ đắp...

Khoảng đầu thế kỷ 20, cây tủ thờ được cải tiến. Bấy giờ có một người khá giả ở làng Kiểng Phước, Gò Công, mua được một cây tủ thờ từ miền Bắc đem vào. Ông Nguyễn Ngọc Hải, làm nghề thợ mộc, tò mò đến xem thấy kiểu dáng mới lạ, về xả ván đóng thử. Từ đó chiếc tủ thờ được cải tiến thêm thắt, thay đổi nhiều chi tiết. Những người thợ đã thiết kế thêm một hàng song tiện, hộc tủ hoặc thêm trám chạm, cẩn…

Tủ thờ trong giai đoạn này có hai hoặc ba trám, cửa mở bên hông. Để tăng thêm vẻ sinh động, các nghệ nhân đã ghép thêm ba hoặc bốn bó đũa. Ở hai đầu mỗi bó đũa có cặp giỏ dâu. Chân quỳ cong và cao, uốn lượn khá duyên dáng. Lúc này có một thợ chạm giỏi tên là Nguyễn Văn Đỏ người từ Bình Dương đến Gò Công hành nghề. Ông rước thợ Bình Dương xuống làm, góp phần hình thành nên thương hiệu tủ thờ Gò Công.

Khoảng năm 1930, tại xóm Ông Non (nay thuộc xã Tân Trung, TX.Gò Công) có một trại đóng tủ thờ, chở đi bán khắp nơi, từ đó tủ thờ Gò Công trở thành thương hiệu. Năm 1936, ông Cai tổng Hòa Lạc Thượng thuê ông Năm Nhâm đóng một cây tủ thờ đặc biệt toàn gỗ quý để đem triển lãm hội chợ và gây được tiếng vang lớn nhờ các giải thưởng ở Sài Gòn. Nhờ đó, ông Năm Nhâm lập một trại đóng tủ thờ kiểu Gò Công ở Sài Gòn. Vậy là thị trường tủ thờ Gò Công tiếp tục được mở rộng. Năm 1945, ông trở về Gò Công và lập trại đóng tủ ở gần cầu Sơn Quy, lấy hiệu là Nhâm - Sơn Quy khá nổi tiếng.

Tủ thờ Gò Công lúc bấy giờ đóng toàn bằng gỗ cẩm lai. Mặt trước có hai trám. Hai bên hông có hai cánh cửa. Nhóm thợ thực hiện lần cải tiến này đã được đào tạo ở Trường Mỹ thuật thực hành Lái Thiêu, áp dụng kỹ thuật làm mộng rất tinh vi, không dùng đinh sắt nhưng rất vững chắc. Cây tủ thờ Gò Công bấy giờ ít nhiều ảnh hưởng kiểu tủ Louis của Pháp, nhiều bộ phận bằng gỗ mun được lắp thêm vào như: chuỗi, tộ, giỏ dâu, bông dâu, bó đũa, xà leo... Một số bộ phận như chính trám, tộ… được khảm xà cừ. Chân tủ cũng được cải tiến một bước, được làm với kỹ thuật ngàm mộng chắc chắn, vừa cao ráo vừa có tính nghệ thuật cao. Kiểu tủ này định hình và tồn tại hơn 50 năm.

Anh Ngô Tấn Thành là con trai út của ông Ba Đức, chủ cơ sở sản xuất tủ thờ Gò Công Ba Đức 2, cho biết gia đình anh có tất cả 9 người đều mở cơ sở sản xuất và bày bán sản phẩm tủ thờ. Tất cả đều lấy hiệu Ba Đức, mỗi cơ sở có trên chục người thợ. Tủ thờ Gò Công hiện nay vẫn được đóng bằng các loại danh mộc như gõ, mun, cẩm lai, giáng hương... Gần đây, cơ sở của anh còn sử dụng căm xe, loại gỗ cứng ít ai sử dụng đóng đồ mộc gia dụng, nhưng nay đã có máy móc hỗ trợ nên không đáng ngại. Còn gỗ mun giờ hiếm, giá cao nên ít người đặt đóng.

Đội ngũ thợ lành nghề và được chuyên môn hóa từng khâu. Hầu hết các khâu đều được làm bằng máy và tính công theo sản phẩm, như thợ làm chuỗi, làm trám, tộ, chân quỳ… rồi đem về giao thợ chánh ráp lại. Chỉ có khâu chà láng, chùi thổi sơn là mướn theo ngày công. Hồi trước một người thợ đóng một cây tủ hoàn chỉnh phải mất vài ba tháng. Nay nhờ máy móc và sản xuất theo dây chuyền công đoạn nên khoảng 10 - 15 ngày là xong một cây tủ. Ngoài ra, khâu xử lý gỗ cũng rất quan trọng. Gỗ phải được phơi sấy kỹ để không bị cong hoặc bị co giãn, gây hở mối nối giữa các chi tiết và tránh bị mối mọt đục khoét về lâu dài.

Chi phí cho một cây tủ thành phẩm thì nguyên liệu gỗ chiếm nhiều nhất, kế đó là ốc cẩn, mua từ Hà Nội. Riêng tiền công thợ thì thợ cẩn mắc nhất, mặc dù chạm, cẩn, xẻ cắt ốc bây giờ đều có máy móc hỗ trợ. Tính ra nguyên liệu chiếm khoảng 70% giá thành. Hiện nay xà cừ mắc tiền ít ai xài. Đa số đều được cẩn vỏ trai, ốc theo mẫu có sẵn hoặc theo yêu cầu của khách hàng như “mai hóa long” cẩn chân quỳ, “mai lan cúc trúc”, “nhị thập tứ hiếu”, “bát tiên quá hải” cẩn ở trám, “long phụng”, “hoa điểu” cẩn ở các cặp trụ... Ngoài tủ cẩn, có loại tủ trám trơn đóng bằng gỗ quý như gõ đỏ, cẩm lai vân gỗ để tự nhiên, cũng được khách hàng ưa chuộng.

Theo thị hiếu của người dùng, giá trị của tủ thờ hiện nay nằm ở các chi tiết như trụ được chạm cẩn ốc hoặc xà cừ, thay cho trụ bó đũa theo kiểu tủ truyền thống. Theo đó, tủ thờ càng có nhiều trụ thì giá trị càng cao. Một cây tủ được xem là hoàn chỉnh theo anh Thành là phải có 21 trụ, nhưng giá cả còn tùy thuộc vào nguyên liệu gỗ và ốc. Ví dụ như tủ cẩm lai 21 trụ cẩn ốc giá hiện nay là 120 triệu đồng. Loại có kích thước nhỏ hơn, 15 trụ giá 95 triệu đồng. Còn loại đóng bằng gỗ căm xe, trám gõ đỏ 15 trụ, giá dao động từ 20 đến 22 triệu đồng…

Cũng theo anh Thành thì hiện nay loại tủ 15 trụ gỗ căm xe bán chạy nhất vì vừa túi tiền. Còn loại gỗ cẩm lai thì bán chậm hơn. Ngoài ra cũng còn tùy thuộc vào chất lượng ốc cẩn. Cá biệt, có những cây tủ được khách hàng đặt riêng, bằng gỗ mun cẩn ốc tốt, giá có thể lên đến 300 triệu đồng.

Tủ thờ Gò Công do cơ sở Ba Đức sản xuất có kích cỡ khá đồng nhất. Thông thường có 3 loại, xê dịch chủ yếu là bề ngang, bề hông, còn chiều cao thì cùng kích cỡ. Tùy theo không gian ngôi nhà mà khách hàng đặt đóng hoặc trực tiếp đến chọn mua. Khách hàng lớn nhất là TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các cơ sở của Ba Đức còn giao hàng tận miền Trung, miền Bắc, hoặc xuất ra nước ngoài thông qua Việt kiều. Anh Thành cho biết, những năm gần đây bình quân mỗi năm cơ sở của anh bán ra được khoảng 300 cây tủ.

“Từ khi ba tôi chế tác loại trụ vuông bố trí theo cụm đối xứng, tủ thờ Gò Công mấy năm nay không cải tiến thêm mẫu mã. Còn các loại tủ xưa thì người đặt hàng chụp hình đem tới cho thợ phục chế, nhưng loại này rất ít, mỗi năm chỉ có vài khách hàng. Riêng loại tủ có bông dâu, bó đũa, xà leo… nay đã năm bảy chục năm rồi đâu ai xài nữa mà đặt đóng”, anh Thành nói.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Hoàng Phương

Báo Thanh Niên
02.01.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.