Giãn cách 19 tỉnh, thành phía Nam từ 0 giờ ngày 19.7: Rau, quả, thực phẩm về TPHCM có bị 'hụt'?

19/07/2021 06:33 GMT+7

Nhiều biện pháp mạnh như không yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính, mở lại chợ truyền thống, mở luồng xanh đường thủy... nhằm khai thông hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM.

Không yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính, mở lại chợ truyền thống, mở luồng xanh đường thủy, yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm với TP.HCM... là những biện pháp mạnh, khẩn được đưa ra để đảm bảo hàng hóa thiết yếu đến tay người dân nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Nguồn cung cho TP.HCM sẽ sụt giảm?

Chiều qua 18.7, chia sẻ với Thanh Niên, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay một trại nuôi gà lớn nhất tại Tiền Giang của công ty vừa nhận được lời đề nghị từ địa phương kể từ hôm nay (19.7) cung cấp 60.000 quả trứng gà cho các khu cách ly tại chỗ. Số lượng trứng đó sẽ lấy trong hai ngày 19 - 20.7. Như vậy số lượng trứng từ trại này cung cấp hằng ngày cho TP.HCM sẽ bị hụt khoảng 20%. Tương tự, một số trại gà, vịt khác của Công ty Vĩnh Thành Đạt tại các địa phương như Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phải san sẻ lại cho địa phương nên dự kiến nguồn cung về TP.HCM trong 1 - 2 ngày tới sẽ giảm khoảng 10%. Tỷ lệ sụt giảm này so với lượng trứng cung cấp lên gần 800.000 quả mỗi ngày của Vĩnh Thành Đạt cho TP.HCM là không quá lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh sản phẩm này liên tục “cháy hàng” thì điều đó cũng khiến cho nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM tiếp tục khó mua được trứng.
Nguồn cung một số hàng hóa như trứng cho TP.HCM vẫn đang khá căng Ảnh: Chí Thiện

Nguồn cung một số hàng hóa như trứng cho TP.HCM vẫn đang khá căng

Ảnh: Chí Thiện

Trong khi đó, nhiều cá nhân bán hàng qua mạng hay các nhóm mua hàng chung đều tỏ ra lo lắng hơn. Trong một nhóm bạn quen, chị Hà (Q.Tân Bình) thông báo tạm ngưng cung cấp hàng từ Sóc Trăng và Bến Tre về TP.HCM kể từ ngày 19.7 để xem tình hình vận chuyển như thế nào rồi sau đó tính toán tiếp. Vài ngày trước đây, khi các tỉnh này chưa áp dụng Chỉ thị 16 thì gửi hàng đã rất khó, giá cước tăng cao. Nay nhiều tỉnh đồng loạt giãn cách, việc này sẽ càng khó khăn hơn. Một doanh nghiệp tại TP.HCM không muốn nêu tên thừa nhận: Việc 19 tỉnh thành phía nam áp dụng đồng loạt giãn cách thì nguồn cung hàng hóa cho TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng theo. Còn mức độ ảnh hưởng như thế nào thì chưa rõ và phải chờ thêm vài ngày tới.
Trao đổi với Thanh Niên vào chiều muộn hôm qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, phụ trách hệ thống Bách Hóa Xanh, chia sẻ bà cũng “rất hồi hộp” về tình hình cung cấp hàng cho những ngày tới. Chiều 17.7, ngay sau khi có quyết định áp dụng Chỉ thị 16 cho các tỉnh thành phía nam thì ngay lập tức một vài nhà cung cấp ở một số địa phương đã thông báo tạm ngừng giao hàng. Trong khi đó, lượng hàng rau, thịt cá tươi sống hiện cung cấp cho hệ thống Bách Hóa Xanh hằng ngày gần 1.000 tấn thì có đến 450 tấn từ các tỉnh miền Tây và số còn lại đến từ Đà Lạt, Buôn Mê Thuột... “Nếu các tỉnh thành lượng mua tăng cao thì hàng cung cấp cho thành phố sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó cũng rất khó để tăng nguồn cung từ các vùng khác vì lượng hàng tươi sống ở miền Tây vẫn khá lớn”, bà Thương chia sẻ thêm.

Sáng 19.7: Thêm 2.015 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 1.535 ca

“Gỡ” giấy xét nghiệm để hàng hóa lưu thông

Tại cuộc họp sáng 18.7 với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (BCĐ), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết vướng mắc nhất hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19, nhưng mỗi tỉnh lại yêu cầu khác nhau đối với loại xét nghiệm (nơi yêu cầu RT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh), thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm cũng khác nhau (nơi 3 ngày, nơi 5 ngày…). Bộ GTVT đề nghị phải có hướng dẫn thực hiện thống nhất cho tất cả các địa phương.
Sau khi trao đổi, BCĐ thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện Chỉ thị 16. Tinh thần là lái xe, người đi cùng không cần có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, phương tiện phải được khử khuẩn, lái xe được bố trí chỗ riêng, hạn chế tiếp xúc với người khác… Lái xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR để đảm bảo thông suốt. BCĐ sẽ có bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của Bộ Y tế và một số cơ quan thường trực ở 19 tỉnh, thành phía nam thực hiện Chỉ thị 16, để giải quyết ngay những vướng mắc phát sinh hằng ngày. Đây là thông tin rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vận tải bởi sự khác nhau về quy định, điều kiện giữa các tỉnh, thành là khó khăn lớn nhất cản trở thực hiện “luồng xanh” cho hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM.
Cùng ngày, tỉnh Long An cũng đã có văn bản hướng dẫn tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và vận chuyển chuyên gia, công nhân trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, trong đó cung cấp lộ trình các tuyến đường để các phương tiện thuộc tỉnh, thành phố hoạt động quá cảnh qua địa phận tỉnh Long An di chuyển thuận lợi nhất.

Lái xe chở hàng hóa không cần giấy xét nghiệm Covid-19

Giãn cách nhưng không được ảnh hưởng nguồn cung

Tuy tình hình cung ứng hàng hóa cho TP.HCM trong những ngày giãn cách đến nay vẫn khá căng nhưng các siêu thị lớn đều khẳng định vẫn cố gắng đảm bảo nguồn cung. Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm, Công ty TNHH Aeon Việt Nam, cho biết đến trưa 18.7, hệ thống này vẫn chưa ghi nhận phản hồi từ phía các nhà cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống về những khó khăn trong việc giao hàng cho siêu thị Aeon khu vực phía nam do ảnh hưởng từ việc có thêm các tỉnh thành sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 14 ngày tới.
Đa phần các nhà cung cấp mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các siêu thị phía nam của Aeon Việt Nam đến từ các tỉnh như Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An và các tỉnh miền Tây. Trong đó một số tỉnh đã áp dụng giãn cách từ ngày 9.7, tuy nhiên hàng hóa hiện vẫn được giao mỗi ngày sau khi siêu thị phối hợp với các đơn vị cung cấp đăng ký thông tin phương tiện, tài xế và đều được cấp giấy lưu thông vận chuyển thực phẩm thiết yếu. Ông Bùi Trung Chính nhấn mạnh: Bộ phận thu mua của Aeon Việt Nam đã và đang tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đặc biệt cho các mặt hàng tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá...) để đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định cho các siêu thị phía nam. Đến nay, các mặt hàng tươi sống đều được bổ sung mỗi ngày, giá cả ổn định.
Cũng trong ngày 18.7, hai bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cùng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở công thương, NN-PTNT, cục quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố phía nam để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn dân cư khi đồng loạt 19 địa phương này giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 từ ngày 19.7.

Lo ngại địa phương dựng hàng rào

Trong cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT với các sở công thương, sở NN-PTNT, cục quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phía nam ngày 18.7, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương. Lý do được đưa ra là chi phí vận tải, nhân công, chi phí xét nghiệm tăng. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thì cho rằng tình huống hiện nay là “không bình thường”, nên việc một vài nơi thiếu hàng, giá có thể tăng là điều khó tránh khỏi.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định cần mở lại chợ truyền thống, vì siêu thị sẽ không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Ông Diên cũng nhấn mạnh nếu mỗi địa phương dựng lên một hàng rào thì việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu gặp khó khăn, lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu sẽ khó đến được với người dân. Do vậy, cần hết sức lưu ý ở khâu này, lưu thông cản trở còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản ở nhiều địa phương đang vào mùa thu hoạch, dẫn đến việc nơi thiếu hàng, nơi lại thừa nhiều. Đối với những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa, ông Diên đề nghị các địa phương cần báo cáo ngay về Tổ công tác tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.
Chí Hiếu
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa đã bị đứt gãy, lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn. “Do vậy, chúng ta cần có biện pháp mạnh hơn nữa để đảm bảo đời sống cho người dân”, Bộ trưởng lo lắng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cũng cho hay các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên 35.000 đồng/kg. Sở Công thương TP.HCM đồng thời kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Còn đối với vấn đề nguồn cung, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã lên kế hoạch thống kê sản lượng các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện có trên địa bàn. Theo đó, Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết.

Lập 4 đoàn kiểm tra luồng xanh tại TP.HCM

Chiều 18.7, Bộ GTVT họp trực tuyến với 63 tỉnh thành để thống nhất mọi nguyên tắc đảm bảo vận tải hàng hóa thông suốt trên cả nước. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ (TCĐB), phần mềm đăng ký hoạt động tên “luồng xanh” đã được xây dựng và sẵn sàng cung cấp cho các địa phương sử dụng. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu thành lập ban chỉ đạo tiền phương của Bộ GTVT để thường trực kiểm tra, phối hợp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đồng thời, thành lập 4 tổ kiểm tra về thực hiện “luồng xanh” tại TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Cũng tại cuộc họp, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT, cho biết Bộ Công an đã giao giám đốc công an tỉnh, thành phố phối hợp với giám đốc sở GTVT để thống nhất phương án cấp phù hiệu liên tỉnh, nội tỉnh. Lực lượng CSGT cũng đã có phương án nhận diện từ xa để đảm bảo thông suốt, phân luồng ưu tiên đối với phương tiện chở hàng thiết yếu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ký quyết định thành lập 15 tổ công tác để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam. Bộ NN-PTNT cũng điều động nhiều lãnh đạo các cục của Bộ tham gia các tổ công tác để tăng cường, phối hợp với các tỉnh thành phía nam và địa phương liên quan để đảm bảo sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19.
Mai Hà - Phan Hậu
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM cần nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. “Các địa phương cần có trách nhiệm với TP.HCM về việc cung ứng lương thực nhưng thành phố cũng phải làm rõ nhu cầu của mình, vì có thể doanh nghiệp có nhu cầu cung ứng chưa xác định được nhu cầu của từng địa điểm”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Bằng mọi giải pháp, hai bộ Công thương - Nông nghiệp cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.