Khai thông ‘long mạch’ Cổ Cò: Hình thành chuỗi đô thị ven sông

18/12/2019 08:00 GMT+7

Năm 2020 là năm mà lãnh đạo Quảng Nam và TP.Đà Nẵng quyết tâm hoàn thành nạo vét, khai thông sông Cổ Cò.

Sông Cổ Cò được nạo vét không chỉ mang sứ mệnh về giao thông đường thủy, mà còn phát triển du lịch (DL), dịch vụ.
Vì vậy, hai bên bờ sông đều quy hoạch bến thuyền DL, kết hợp với các công viên dọc sông sẽ tạo nên những điểm nhấn để kết nối giữa sông với đô thị, kết nối sông với khu vực ven biển… Qua đó hình thành chuỗi đô thị DL dịch vụ ven sông Hội An - Điện Bàn - Đà Nẵng và ngược lại.

Từ đất hoang hóa thành đô thị hiện đại

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An, cho rằng một khi dự án nạo vét sông Cổ Cò hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ cho cả Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. “Tương lai nhiều gia đình có thể sắm ca nô làm phương tiện đi lại trên sông Cổ Cò để ra Đà Nẵng hoặc vào Hội An. Rồi có thể ngược dòng Thu Bồn, Vu Gia để thăm thú, khám phá những cảnh đẹp ở miền sơn dã…”, ông Sự nói về lợi ích khi dòng sông Cổ Cò được khai thông. Ông cũng đề nghị phải nâng tầm quy hoạch, đầu tư các đô thị ven sông hiện đại, không biến sông Cổ Cò sau nạo vét, khai thông thành… con kênh Cổ Cò!
Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, DL nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, DL sinh thái, biệt thự ven sông, làng DL cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28 km đường sông. Như vậy, các chủ đầu tư cũng có cơ hội để thúc đẩy thị trường này và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, dựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh DL, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng.
Theo ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc đầu tư của Công ty CP Đất Xanh Miền Trung, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy hai bên bờ sông Cổ Cò trước đây sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phát triển chuỗi đô thị là sự chuyển mình thiết yếu, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Cũng theo ông Trần Ngọc Thái, ven sông Cổ Cò chủ yếu là đất nông nghiệp hoang hóa, sản xuất không hiệu quả, dân cư thưa thớt, đời sống còn rất khó khăn, hiện trạng sử dụng đất còn thấp, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông. “Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các khu đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu dân cư hiện hữu, bảo đảm mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và bổ sung thêm các tiện ích. Như khu vui chơi giải trí, giáo dục, thể dục thể thao, khu DL nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, công viên cảnh quan và các khu vực phục vụ công cộng nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân và người dân địa phương”, ông Trần Ngọc Thái nói thêm.
Sông Cổ Cò khai thông sẽ tạo thêm sinh kế cho cộng đồng dân cư ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong ảnh du khách chụp ảnh tại làng rau Trà Quế - Hội An

Sông Cổ Cò khai thông sẽ tạo thêm sinh kế cho cộng đồng dân cư ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong ảnh du khách chụp ảnh tại làng rau Trà Quế - Hội An

Hữu Trà

Du lịch, dịch vụ sẽ phát triển tốt hơn

Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đánh giá dự án có mục tiêu kép cho hai địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nên chính quyền TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hết sức nỗ lực để triển khai. Phía TP.Đà Nẵng cam kết đến tháng 9.2020 sẽ khai thông đoạn sông Cổ Cò ở địa phận TP.Đà Nẵng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đạt, Phó chủ tịch UBND TX.Điện Bàn (Quảng Nam), khẳng định dự án nạo vét sông Cổ Cò là dự án có tính chất liên kết, liên vùng. Dự án này sau khi được nạo vét thông thương giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo ra vệt dân cư, đô thị dọc hai bên bờ sông. “Giao thông đường thủy cũng như DL, dịch vụ, thương mại sẽ phát triển tốt hơn nhiều. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội TX.Điện Bàn, đó là công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Hiện nay, khu vực phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ nằm ở phía đông của thị xã, thuộc địa bàn 5 phường vùng đông”, ông Nguyễn Đạt nói. Ông cũng cho hay, hiện trên 82% lao động trên địa bàn làm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. “Dự án nạo vét sông Cổ Cò kết nối với các dự án đô thị ven sông, ven biển của TX.Điện Bàn và TP.Hội An góp phần rất lớn tạo nên chuỗi đô thị liên hoàn kề biển liền sông nối phía bắc tỉnh Quảng Nam với phía nam TP.Đà Nẵng”, ông Nguyễn Đạt nhận định.
Chuỗi đô thị liên hoàn ven sông Cổ Cò
Theo ông Phan Quốc Nhân, Phó giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ An Dương, không gian đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh về hướng đông-nam, trong đó các đô thị ven sông Cổ Cò được quy hoạch với nhiều loại hình dịch vụ DL, tạo nên quần thể DL đa dạng để du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Trong khi đó, phía Quảng Nam cũng đang hướng đến việc phát triển DL hiện đại với DL truyền thống và dòng sông Cổ Cò có vị trí chiến lược trong việc đa dạng hóa loại hình DL trải nghiệm, kết nối với Cù Lao Chàm, sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Trường Giang...
Ông Phan Quốc Nhân cho biết, hiện Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ An Dương đang triển khai các dự án, gồm: Dự án Khu đô thị Coco Riverside - khu đô thị hiện đại hướng mặt ra sông Cổ Cò gần 11,6 ha; Dự án khu đô thị An Phú diện tích 16,4 ha, tiếp giáp sông Cổ Cò; Dự án khu đô thị Phú Thịnh có tổng diện tích 13,1 ha, tiếp giáp sông Cổ Cò. Các dự án do doanh nghiệp triển khai góp phần rất lớn tạo ra sự đồng bộ hạ tầng giao thông; bố trí, sắp xếp lại dân cư, chỉnh trang đô thị, góp phần tạo nên cảnh quan cho khu dân cư cũng như quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn; thực hiện chuyển đổi ngành nghề theo xu hướng công nghiệp, dịch vụ và DL, thúc đẩy kinh tế phát triển. Các dự án này cũng sẽ huy động được nguồn lực và khả năng tài chính để triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ hạ tầng khung; khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng từ nguồn quỹ đất để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, giảm căng thẳng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đạt được mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo định hướng quy hoạch.
Cũng theo ông Phan Quốc Nhân, Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ An Dương luôn bám sát chủ trương của tỉnh Quảng Nam và TX.Điện Bàn để triển khai các dự án khai thác quỹ đất dọc sông Cổ Cò. Với lợi thế kết nối giữa các đô thị Đà Nẵng, Hội An và đặc biệt là đô thị ven sông Cổ Cò sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nhà đầu tư cũng như cư dân sinh sống trong các khu đô thị do công ty làm chủ đầu tư. “Các dự án do Công ty TNHH xây dựng và thương mại dịch vụ An Dương triển khai có đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý theo quy định, sẽ tạo sự liên kết về hạ tầng khung, góp phần rất lớn cho liên kết vùng. Chúng tôi một lần nữa khẳng định bám sát định hướng quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam cũng như quy hoạch hai bên bờ sông Cổ Cò để đón đầu xu hướng sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, phát triển bền vững cùng sự hồi sinh của dòng sông Cổ Cò trong thời gian tới”, ông Phan Quốc Nhân chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.