Khám phá công nghệ tạo nên vệ tinh gỗ đầu tiên trên thế giới

16/06/2021 17:42 GMT+7

Vệ tinh gỗ được phóng lên vũ trụ với mục đích kiểm tra hoạt động và độ bền của ván ép trong điều kiện môi trường ngoài Trái đất.

Vệ tinh WISA Woodsat có hình khối lập phương, các cạnh 10 cm, nặng khoảng 1 kg, sử dụng một loại ván ép đặc biệt (gọi là WISA) để bao bọc bên ngoài. Vệ tinh này là sản phẩm của công ty Phần Lan Arctic Astronautics, được phóng lên vũ trụ với mục đích kiểm tra hoạt động và độ bền của ván ép trong điều kiện môi trường ngoài Trái đất, từ đó đánh giá xem có thể ứng dụng vật liệu này cho các sứ mệnh tương lai hay không.
Vệ tinh được trang bị hai camera, một trong số đó sẽ được gắn vào gậy selfie bằng kim loại, cho phép nhóm sứ mệnh quan sát bề mặt gỗ của vệ tinh thay đổi như thế nào trong môi trường không gian.
Samuli Nymanm - kỹ sư trưởng của dự án Woodsat, cũng là đồng sáng lập của Arctic Astronautics cho biết: "Vật liệu cho ván ép là gỗ bạch dương. Những gì chúng tôi đang dùng giống như những gì bạn tìm được trong cửa hàng phần cứng hay vật liệu làm đồ nội thất. Điều khác biệt là ván ép thông thường quá ẩm để dùng trong không gian nên chúng tôi phải đặt gỗ vào buồng chân không nhiệt để làm khô. Sau đó chúng tôi thực hiện kỹ thuật lắng đọng lớp nguyên tử (ALD), thêm một lớp oxit nhôm mỏng".

Nhật Bản phát triển vệ tinh bằng gỗ để giảm rác thải vũ trụ

Vậy làm thế nào một vệ tinh bằng gỗ có thể tồn tại ngoài vũ trụ?
Theo Nymanm, nhôm oxit - một hợp chất hóa học thường được sử dụng để bao bọc thiết bị điện tử - sẽ ngăn gỗ giải phóng khí trong môi trường không gian. Nó cũng sẽ bảo vệ bề mặt gỗ chống tiếp xúc với oxy nguyên tử ăn mòn xuất hiện ở rìa bầu khí quyển Trái đất. Loại oxy này được tạo ra khi bức xạ tia cực tím từ mặt trời chia cắt các phân tử oxy bình thường, được con người phát hiện lần đầu khi nó làm hỏng lớp đệm nhiệt trong các sứ mệnh tàu con thoi thuở sơ khai của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - NASA.
Oxy nguyên tử có thể làm đen các tấm ván ép nhưng công ty khẳng định vệ tinh vẫn có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt. Ngoài lớp phủ, các kỹ sư sẽ kiểm tra các loại véc-ni và sơn mài trên bề mặt gỗ.
Vệ tinh hoạt động nhờ năng lượng từ 9 tấm pin mặt trời, đồng thời mang một bộ cảm biến áp suất để theo dõi áp suất trong các khoang bên trong, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên vệ tinh bay trên quỹ đạo. Bên cạnh sứ mệnh kiểm tra khả năng chịu đựng của gỗ trong môi trường không gian, vệ tinh cũng sẽ tiến hành thí nghiệm nhằm kiểm tra việc sử dụng vật liệu nhựa dẫn điện in 3D, mở đường cho công nghệ in 3D trên tàu vũ trụ.
Arctic Astronautics từng đưa vệ tinh gỗ lên cao bằng cách đặt trong khinh khí cầu thời tiết, nhưng vệ tinh không thể vượt qua đường karman - đường ranh giới giữa khí quyển Trái đất và không gian. Vệ tinh Woodsat hiện tại được kỳ vọng nhiều vì sử dụng công nghệ mới. Nó sẽ được phóng lên độ cao 500 - 600 km nhờ tên lửa Electron của Rocket Lab vào tháng 11 năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.