(iHay) Suối Cheonggyecheon – dòng suối cổ được khôi phục vào năm 2005 không chỉ là biểu tượng của một đất nước Hàn Quốc hài hòa giữa truyền thống và hiện đại mà mà còn là địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch quốc tế.
Những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bằng nguyên liệu tái chế được trưng bày ngay trên con suối
|
Tôi cùng những thành viên tham dự chương trình học bổng Kwanhun Press Fellowship (được trao bởi Hiệp hội Báo chí Hàn Quốc và Tổ chức báo chí Kwanhun) tới suối Cheonggyecheon vào một buổi chiều thu se lạnh.
Dòng sông Hàn vắt ngang Seoul và chia thành phố này thành hai bờ phía bắc và nam. Nếu phía bắc là trung tâm hành chính với nhiều công trình kiến trúc cổ, thì phía nam là khu đô thị mới với những tòa nhà cao ốc cao ngất ngưởng tập trung những tập đoàn tài chính, kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc. Cheonggyecheon là tên cổ của sông Hàn rộng lớn ngày nay. Và suối Cheonggyecheon là một nhánh đổ vào dòng sông Hàn.
Chúng tôi được đưa ngược trở lại quá khứ về thời kỳ của vua Taejong. Trong sáu năm từ 1406 – 1412, ông đã quyết định đào và mở rộng dòng chảy của sông, đồng thời cho xây dựng hệ thống đê điều để chống lụt. Thật khó có thể tưởng tượng nổi, có tới gần 53.000 người đã cùng xây nên những con đê, những cây cầu bằng đá quanh sông Hàn và những phụ lưu của nó liên tục trong suốt nhiều năm.
Sông Hàn thay đổi theo những thăng trầm của lịch sử, suối Cheonggyecheon cũng không là ngoại lệ. Nó chứng kiến cảnh bần hàn của người dân Hàn Quốc trong những năm chiến tranh, và đã gần như bị quên lãng khi bị “vùi” dưới những công trình xây dựng. Từ năm 1967 – 1971, một đường cao tốc với bốn làn xe, dài gần 6km được xây ngay phía trên, che lấp con suối.
Sau đó một thời gian, những tòa nhà hiện đại, những trung tâm công nghiệp được xây dựng xung quanh một cách nhanh chóng. Đây là thời kỳ chứng kiến sự dần chuyển mình của đất nước Hàn Quốc. Nhưng tất cả khiến cho khu vực này trở thành nơi ngột ngạt và bức bí nhất của Seoul trong suốt một thời gian dài. Người ta không còn để ý Cheonggyecheon (sông Hàn) như một niềm kiêu hãnh của Seoul, mà thay vào đó chỉ còn biết đến những đám đông luôn tất bật và những âm thanh ồn ã ở khắp mọi nơi.
Những chiếc đĩa CD không sử dụng có thể tạo nên tác phẩm đẹp mắt
|
Những chú chim cánh cụt, chú gấu được làm từ xốp bỏ đi
|
Dòng suối cổ được khôi phục vào năm 2005
|
Du khách còn có thể ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc cổ với nhiều ý nghĩa lịch sử tại dòng sông cổ
|
|
Cây cầu, cột đá bắc qua dòng suối cổ vẫn còn nguyên vẹn
|
Khi Lee Myung – bak (sau này đã trở thành Tổng thống của Hàn Quốc) tranh cử chức thị trưởng thành phố Seoul, một trong những điều mà ông hứa trong chiến dịch trang cử là sẽ xóa bỏ đường cao tốc và phục hồi lại dòng suối cổ. Ông cho rằng điều đó mới giúp nơi đây được tái sinh, một Seoul vừa cổ kính và hiện đại sẽ là thành phố thân thiện thu hút khách du lịch, đồng thời hướng tới sự hợp tác phát triển đa quốc gia.
Lee Myung – bak đã đúng. Sau hai năm, từ năm 2003 – 2005, suối Cheonggyecheon được khôi phục. Đây trở thành địa điểm nhiều người Hàn thích lui tới và hấp dẫn khách du lịch nước ngoài, xung quanh là khu trung tâm sầm uất bậc nhất của Seoul.
Chúng tôi dạo bước trên con đường dọc theo dòng suối, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, nhìn ngắm những phiến đá cổ - dấu tích lịch sử vẫn còn được giữ nguyên, phía trên những ngôi nhà chọc trời mọc sừng sững. Chúng tôi đến đây vào ngày đặc biệt – ngày lễ Hangul (kỷ niệm ngày ra đời bảng chữ cái của Hàn Quốc), nhiều người dân đến đây để vui chơi, cùng gia đình ngồi bên bờ suối ăn uống, hay đơn giản chỉ là ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật được làm từ các nguyên liệu tái chế.
Nhìn con suối Cheonggyecheon bây giờ người ta thật khó có thể tưởng tượng, vào những năm 50, đây là nơi biểu tượng cho sự nghèo đói của Seoul với hàng dài những túp lều tạm bợ được dựng lên. Kỳ tích sông Hàn khiến người ta khó tin như việc phá bỏ cả con đường cao tốc để khôi phục lại cả một con suối cổ đã bị quên lãng. Nhưng tất cả đều là sự thật hiển hiện.
Ngọc An
>> Bắt cá suối vui 'quên trời đất' ở Mường Tè
>> Chinh phục miền biên viễn Pu Si Lung - Kỳ 3: Vượt suối băng rừng
>> Lên đỉnh Suối Giàng hái chè tuyết trăm tuổi
Bình luận (0)