Khám phá thiết kế nơi ở của phi hành gia NASA trên sao Hỏa

Thu Thảo
Thu Thảo
30/09/2018 20:28 GMT+7

Hãng SpaceX vừa có hành khách đầu tiên mua vé bay đến sao Hỏa. Song SpaceX không đơn độc trong nỗ lực này, vì Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng rục rịch đưa phi hành gia lên hành tinh đỏ.

Theo CNBC, bản nguyên mẫu môi trường sống trong không gian đầu tiên, để một ngày con người lên sống trên sao Hỏa, sẽ được một nhóm các nhà thầu cho NASA thử nghiệm vào năm 2019, phát ngôn viên cơ quan Kathryn Hambleton cho biết.
Các bản vẽ môi trường sống trong không gian trông rất hấp dẫn. NASA đưa ra bản vẽ của riêng họ hồi năm 2016, khi cơ quan tuyên bố chọn một vài doanh nghiệp vũ trụ tư nhân như Bigelow Aerospace, Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman Innovation Systems, Space Systems và NanoRacks tham gia. Các bản vẽ sẽ sớm trở thành nguyên mẫu môi trường sống trong không gian sâu.
Nội thất môi trường sống trong không gian sâu của NASA Ảnh: NASA
Quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp đại chúng và NASA được gọi là NextSTEP, đặt mục tiêu “phát triển thương mại với khả năng thăm dò không gian sâu, để hỗ trợ các nhiệm vụ không gian lớn hơn trong và ngoài khoảng không giữa trái đất và mặt trăng”, NASA cho hay.
Một trong những dự án cụ thể với NextSTEP là hệ thống cư trú, cung cấp cho con người môi trường sống an toàn khi ra khỏi trái đất, đến sao Hỏa. “NASA đang mở rộng một cách đầy tham vọng các chuyến bay vào không gian của con người, trong đó có chuyến bay đến Hỏa tinh. Chúng tôi sử dụng sự đổi mới, kỹ năng và kiến thức của cả chính phủ lẫn doanh nghiệp tư nhân”, giám đốc mảng hệ thống thăm dò tiên tiến của NASA Jason Crusan cho biết.
Mô phỏng nội thất môi trường sống trong không gian sâu do hãng Lockheed Martin thiết kế Ảnh: Lockheed Martin
Tháng 8.2016, các doanh nghiệp được cho khoảng 24 tháng để đưa ra kết quả làm việc. Tháng 8 năm nay, hãng Lockheed Martin, công bố bắt đầu khởi công bản nguyên mẫu của họ. Nội thất của module mặt trăng Lockheed Martin, nơi mà phi hành gia sẽ sống trên đường đến mặt trăng, cũng là nguyên mẫu của hãng dùng để xây dựng môi trường sống cho con người trong không gian sâu.
“Chúng tôi sử dụng môi trường sống mặt trăng để chứng minh công nghệ có khả năng làm cơ sở cho cư dân sống trong không gian sâu, xa hơn mặt trăng. Ngoài ra, với sự hiện diện bền vững tại mặt trăng, môi trường sống này sẽ được dùng như một điểm dừng cho các nhiệm vụ không gian dài ngày hơn. Chúng tôi gọi nó là space port, giống như sân bay đến các điểm đến khác”, phát ngôn viên hãng, bà Danielle Hauf, cho biết.
Hình ảnh module không gian sâu của Lockheed Martin đang được xây dựng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Orlando, bang Florida (Mỹ) Ảnh: Lockheed Martin
Con người cần nhiều công nghệ đặc biệt để sống và sinh hoạt mỗi ngày trong không gian. Bill Pratt, nhà quản lý chương trình NextSTEP của Lockheed Martin cho biết: “Khi xây dựng môi trường sống này, chúng tôi phải hoạt động với tư duy khác để bảo đảm rằng chúng tôi giúp phi hành gia sống trên sao Hỏa khỏe mạnh, an toàn”. Các môi trường sống trong không gian sâu có nhiều khu vực đáp ứng nhu cầu cụ thể của phi hành gia.
“Có kho chứa thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm, có khu vực ngủ, khu vực làm việc robot, có tập thể dục. Cũng có khu vực cho các thí nghiệm khoa học khác. Ngoài ra, vì việc chống bức xạ môi trường sống trong không gian sâu ở đây quan trọng hơn các hành tinh khác gần trái đất hơn, một số kho trữ sẽ được thiết kế theo mục đích kép để bảo vệ chống bức xạ”, bà Hauf nói.
Dưới đây là hình ảnh mô phỏng khác về môi trường sống trong không gian sâu của hãng Boeing, Space Systems và Northrop Grumman Innovation Systems. Chưa có hình ảnh chính thức về nội thất của nguyên mẫu do ba công ty này xây dựng.
Môi trường sống trong không gian sâu của Boeing... Ảnh: Boeing
... của Space Systems Ảnh: Space Systems
... và của Northrop Grumman Innovation Systems Ảnh: Northrop Grumman Innovation Systems
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.