Sau bão số 3, UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Y tế nhanh chóng xử lý không để dịch bệnh bùng phát.
Phun thuốc diệt bọ gậy tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền |
Theo ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, hiện đã tiến hành điều tra 21 điểm đang có nguy cơ cao về dịch bệnh. “Việc điều tra các điểm có nguy cơ sẽ tiến hành trong vòng 1 tuần đến 10 ngày, ngay khi phát hiện nếu có dấu hiệu của dịch bệnh tại những điểm này sẽ tiến hành xử lý triệt để, tránh tình trạng lây lan rộng ra cộng đồng.”, ông Thạnh cho hay. Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cũng cho hay, tình hình dịch bệnh trong năm nay đang có chiều hướng gia tăng, với hơn 1.390 ca tay chân miệng, gần 400 ca đau mắt đỏ, 157 ca sốt xuất huyết...
Theo đó, dịch đau mắt đỏ tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; dịch tay chân miệng không có dấu hiệu giảm sút, còn dịch sốt xuất huyết đang đối mặt với nguy cơ cao. Để ngăn ngừa, ngành y tế triển khai khoanh vùng 14 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn và phun hóa chất ngăn ngừa lây lan rộng trong cộng đồng. “Hơn 300l hóa chất được phân về các trạm y tế quận, huyện, xã, phường phun trong đợt này. Không chỉ phun tại những điểm xảy ra dịch mà khoanh vùng theo bán kính những khu vực lân cận để phun ngừa. Ngoài ra, Trung tâm cũng dự trữ 200l đề phòng trường hợp có những điểm cần phun diện rộng” ông Thạnh cho biết thêm.
Người dân gây khó cho phòng dịch
Đi cùng đoàn cán bộ y tế dự phòng P.Thạch Thang (Q.Hải Châu) làm công tác phun thuốc, tuyên truyền phòng dịch mới thấy, công tác phòng dịch không hề đơn giản. Mặc dù đã được tổ dân phố thông báo từ trước về việc phun thuốc, nhưng nhiều hộ dân vẫn đóng cửa im ỉm không cho cán bộ phun thuốc phòng dịch bệnh vào nhà vì... sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên chỉ phun... ngoài cổng. Một cán bộ y tế làm công tác dự phòng nhiều năm cho hay, trong công tác phòng dịch, tìm người để phun thuốc không dễ, bởi công việc độc hại nhưng mức hỗ trợ thấp, nên nhiều người không làm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chưa thực sự đi sâu vào ý thức của người dân nên rất khó cho công tác phòng dịch.
“Sau bão, rất nhiều điểm vốn đã rất ô nhiễm, nay lại càng ô nhiễm hơn. Điển hình như ở các điểm tại P.Hòa Khánh Bắc, P.Hòa Khánh Nam... là nơi dễ phát sinh mầm bệnh và nhanh phát sinh thành dịch nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để, dù ngành y tế đã yêu cầu chính quyền địa phương xử lý”, ông Tôn Thất Thạnh chia sẻ. “Trong thời gian đến, việc tăng cường giám sát phòng dịch sẽ được thực hiện chặt chẽ để ngăn chặn, không cho dịch bệnh diễn tiến phức tạp hơn”, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng khẳng định.
Bình luận (0)