Khẩn trương thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/12/2019 08:24 GMT+7

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng yêu cầu khẩn trương thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí đến năm 2025 đã được phê duyệt, không thể chậm, lừng chừng được nữa.

Ngày 28.12, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo VN tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đề cao hơn vai trò của báo chí

Báo cáo đánh giá công tác năm 2019 do Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng trình bày tại hội nghị khẳng định công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí trong năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác chỉ đạo, định hướng tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí đã giúp các cơ quan báo chí chủ động trong định hướng thông tin. Bên cạnh đó, trong năm 2019, việc quy hoạch báo chí tới năm 2025 đã đạt được một số kết quả; công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí tiếp tục đổi mới… Các đại biểu dự hội nghị cũng nêu nhiều vấn đề, đề xuất các giải pháp quản lý, chỉ đạo và tác nghiệp báo chí…
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian qua, nhờ ý kiến từ báo chí, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách tốt hơn; định hình, định hướng, ban hành chính sách mới đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho biết, một số cơ quan, đơn vị chưa chú ý tới việc cung cấp thông tin cho báo chí. “Nhiều cơ quan quên mất báo chí còn là tiếng nói của người dân, chưa kịp thời cung cấp thông tin để báo chí thực hiện sứ mạng của mình”, ông Đam nói. Từ đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ xác định sẽ tiếp tục đề cao hơn vai trò của báo chí, khi báo chí là tiếng nói của người dân đến với chính quyền.

“Không lừng chừng được nữa”

Đồng tình với đánh giá công tác báo chí trong năm 2019 đạt được nhiều thành tích nổi bật, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cho rằng, còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục.
“Trong một số trường hợp, việc chậm cung cấp thông tin khiến báo chí chạy theo mạng xã hội”, ông Thưởng nói. Dẫn hàng loạt ví dụ sự kiện nóng trong năm qua như vụ 39 người Việt tử vong trong xe container tại Anh, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và TP.HCM, hay vụ cháy Nhà máy Rạng Đông (Hà Nội), ông Thưởng cho rằng, các cơ quan liên quan đã đưa thông tin không kịp thời, thông điệp không rõ ràng. “Những cơ quan nắm nguồn tin cần lên tiếng thì lại chậm, không kịp thời, thậm chí có biểu hiện ngại cung cấp thông tin, né tránh vấn đề”, ông Thưởng lưu ý.

Cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo T.Ư, trong 11 tháng năm 2019, cả nước giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tới 30.11, cả nước có 850 cơ quan báo chí.
Trong đó, có 179 báo (83 báo T.Ư và 96 báo địa phương), 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 93 kênh truyền hình.
Tổng doanh thu báo in và báo điện tử trong năm 2019 ước đạt 4.923 tỉ đồng (báo in 3.508 tỉ đồng, giảm 3,9% so với năm 2018; báo điện tử 1.415 tỉ đồng, tăng 13,38% so với năm 2018). Tổng doanh thu của 72 đài phát thanh truyền hình là 11.394 tỉ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo là 9.067 tỉ đồng.
Cả nước hiện có 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo.
Bên cạnh đó, ông Võ Văn Thưởng nhìn nhận công tác quy hoạch báo chí chưa bảo đảm tiến độ. Một số quy định liên quan đến hoạt động báo chí lạc hậu, không còn phù hợp, gây khó khăn trong công tác quản lý, chậm được bổ sung, sửa đổi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Nhiều tổ chức, cá nhân sau khi bị xử lý tiếp tục tái phạm. Ông Thưởng yêu cầu trong thời gian tới phải khẩn trương thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí đến năm 2025, đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp thực tiễn. Theo ông Thưởng, cần thực hiện nghiêm quy hoạch với 24 cơ quan báo chí phải tổ chức, sắp xếp trong năm 2019 theo đúng nguyên tắc đề ra; kiên quyết đình bản, tước giấy phép hoạt động đối với cơ quan báo chí không thực hiện nghiêm quy hoạch.
Theo ông Võ Văn Thưởng, chính sự “lừng chừng”, “chưa quyết liệt”, chưa thực sự vào cuộc của Bộ TT-TT và cơ quan chủ quản thời gian qua đã tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ các cơ quan báo chí thuộc diện chuyển đổi. “Tôi yêu cầu Bộ TT-TT thực hiện khẩn trương, nghiêm túc vấn đề này, không chậm được nữa, không lừng chừng được nữa. Đến bây giờ đã là rất chậm rồi. Cán bộ, đảng viên nào chần chừ, níu kéo, làm chậm tiến độ quy hoạch là vi phạm kỷ luật của Đảng”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cũng yêu cầu Bộ TT-TT tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí không còn phù hợp với thực tiễn, trước hết là xây dựng quy định phân biệt báo điện tử, tạp chí điện tử để khắc phục tình trạng “báo hóa tạp chí”. “Đây thực chất là hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí”, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nói và khẳng định, đây là vấn đề đã được nhắc nhiều lần nhưng tới nay chỉ mới dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở.

Khắc phục tình trạng “tư nhân hóa” báo chí

Một vấn đề được ông Võ Văn Thưởng đặc biệt lưu ý là cần nhận diện, đánh giá đúng và có biện pháp khắc phục các biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí. Theo đó, cần đánh giá đúng để có biện pháp khắc phục hiện tượng một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc liên kết trong hoạt động báo chí để gây áp lực, tác động trong việc sản xuất, đăng phát nội dung thông tin vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy và lợi ích cục bộ; cũng như tình trạng lãnh đạo, phóng viên, thành lập doanh nghiệp để xử lý khủng hoảng truyền thông, ký kết hợp đồng, hợp tác truyền thông với chính các đối tượng mà mình phản ánh. “Đây là vấn đề gây ra nhiều bức xúc, ảnh hưởng rất xấu tới phẩm giá, danh dự của người làm báo chân chính, phải sớm có giải pháp khắc phục”, ông Thưởng nói.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho hay, trong quá trình theo dõi và chỉ đạo, ông nhận thấy rất rõ vấn đề này và cho biết có những tờ báo mà “một tay viết bài phản ánh cái xấu của cá nhân, tổ chức nhưng một tay khác lại cho người phối hợp với công ty truyền thông tác động tới doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch hợp tác, xử lý khủng hoảng cho doanh nghiệp”. “Chỗ này, chỗ kia là có các đồng chí ạ. Cần phải nhìn nhận cho đúng”, ông Võ Văn Thưởng lưu ý và đề nghị cần sớm có biện pháp khắc phục, tạo môi trường thông tin thực sự tốt, lành mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.