Khánh Hoàng - Đồng Đen của Điểm hẹn vùng ven

06/08/2007 22:24 GMT+7

Năm 1984, vở kịch Điểm hẹn vùng ven phát trên Đài truyền hình TP.HCM hấp dẫn không thua một bộ phim. Quay ngoại cảnh, có sông rạch, ruộng đồng, có chiến đấu, khói lửa... Nhưng nó vẫn là kịch với đặc trưng riêng của thể loại và các diễn viên nổi tiếng như Tường Vân, Thành Lộc, Đàm Loan. Và một diễn viên rất trẻ gần như mới vào nghề, nhờ vở này mà bật lên cho đến tận bây giờ. Cái tên Đồng Đen theo anh suốt hơn 20 năm, đi đâu khán giả cũng gọi Đồng Đen một cách trìu mến.

Nói "gần như mới vào nghề" là bởi Khánh Hoàng, người đóng vai Đồng Đen, ra trường từ 1980, nhưng suốt 4 năm trời anh chỉ được nhận những vai quần chúng nhỏ xíu trong đoàn Cửu Long Giang lúc ấy đã quá nhiều "cây đa, cây đề". Cầm tấm bằng trường Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM, Khánh Hoàng tủi thân lắm, và anh định chuyển sang học nghề điện tử để... đừng chết đói.

Nhưng đúng lúc ấy, đạo diễn Trần Ngọc Giàu mời vô vở Điểm hẹn vùng ven. Khánh Hoàng lên sàn tập, rồi dở dang ngưng lại. Bởi đường dây kịch bản nó như thế nào ấy, không vừa ý cả ê-kíp làm vở. Tập đi tập lại đến hai, ba lần, vẫn dở dang. Khánh Hoàng tức quá, đòi đạo diễn cho mượn cuốn truyện đem về đọc, vì đây là kịch bản chuyển thể từ tập truyện nói về người anh hùng Nguyễn Văn Kịp, biệt động Sài Gòn lừng lẫy.

Đọc xong, suốt hai đêm, Khánh Hoàng thao thức với ý tưởng mới và vừa suy nghĩ vừa rớt nước mắt vì xúc động trước hình ảnh một người anh hùng. 23 tuổi, dù chưa có kinh nghiệm gì về người cách mạng, nhưng với bầu nhiệt huyết trong tim, và trái tim trong trẻo dễ rung cảm, ước mơ, Khánh Hoàng đã tìm ra nét thể hiện người anh hùng ấy một cách dung dị, gần gũi. Nhưng tìm ra được rồi lại không bằng nỗi lo "không được duyệt". Bởi quan niệm lúc bấy giờ trong nghệ thuật gần như là không cho phép hình tượng người cách mạng được yếu đuối, đời thường. Cái gì cũng phải "anh dũng", "cao cả".

Trong khi đó, Đồng Đen của Khánh Hoàng lại có đoạn phải ôm mặt khóc, có đoạn nhậu nhẹt, thậm chí giận quá thì... buột miệng chửi thề nữa. Thôi kệ, cứ thử xem sao. Thế là lại lên sàn tập.

Và Khánh Hoàng đã vượt qua quan niệm khắt khe ấy một cách nhẹ nhàng hồi nào không hay. Bởi Đồng Đen cuốn hút quá, người ta xem mà quên mất tiêu có một ông cán bộ hơi bỗ bã, chỉ thấy ông ta dân dã, bình dị, và xả thân hy sinh vì đất nước, đủ rung động lòng người. Một Đồng Đen khi hay tin đứa con trai đầu lòng của mình chết trong tay giặc, đã tỉnh bơ trước mặt đồng đội, nhưng khi anh em đi rồi thì gục đầu vào hai bàn tay mà nước mắt tuôn tràn. Người anh hùng cũng có trái tim thương yêu vợ con, cũng đau đớn rơi lệ chứ. Rồi một Đồng Đen nông dân nên khoái nhậu là lẽ thường tình, dù bị lãnh đạo kiểm điểm mà vẫn ráng uống.

Chuyện vui, sau này Khánh Hoàng đi về miền Tây chọn cảnh để quay phim, tình cờ gặp bốn ông nông dân đang gầy bàn nhậu. Một ông ngớ người nhìn Khánh Hoàng rồi phản xạ cầm chai rượu giấu xuống gầm bàn. "Trời trời, thằng cha Đồng Đen này là chiến tướng đó nghen!". Anh em trong đoàn cười ngất: "Nhưng thằng cha Khánh Hoàng thì hổng biết uống chút nào!". Đồng Đen ăn sâu vào lòng khán giả từng chi tiết như vậy. Chưa kể, trong buổi diễn phúc khảo, Đài truyền hình có mời 5 đồng đội cũ của Đồng Đen, xem xong cả năm người lặng đi không nói tiếng nào. Lát sau, một người nghẹn ngào bảo Khánh Hoàng: "Cháu giống Đồng Đen lắm!". Giống từ ngoại hình tới cách diễn. Khánh Hoàng bùi ngùi nói có lẽ chú Đồng Đen phù hộ cho mình.

Và cũng từ cái tên này mà Khánh Hoàng đã nhất quyết chọn cho mình con đường sân khấu. Số là sau vở Điểm hẹn vùng ven, Khánh Hoàng lại rơi vào nghèo khó như bao nghệ sĩ trẻ thời bao cấp, nên anh nhận lời đi tấu hài với Mỹ Chi. Lúc ấy tấu hài mới manh nha nên diễn hài thu nhập rất cao. Khi Khánh Hoàng xuống tỉnh, tự nhiên thấy bà con dàn hàng hai bên đường reo hò "Đồng Đen! Đồng Đen!", rồi khi vô rạp diễn khán giả cũng vỗ tay reo "Đồng Đen! Đồng Đen!". Anh ngỡ ngàng. Mình diễn hài mà khán giả vẫn gọi tên người anh hùng, hình như có cái gì lấn cấn trong lòng... Thế là chỉ tấu hài được hai suất, Khánh Hoàng quay về với chính kịch.

Từ đó, anh trở thành diễn viên nổi tiếng đóng những vai bộ đội, cách mạng đầy sức chinh phục. Thậm chí khi anh thử sức sang những vai khác, vẫn thành công, nhưng vẫn mang cái sự "khó tính" của một nghệ sĩ chuyên đóng chính kịch. Khánh Hoàng nổi tiếng khó tính, nhưng anh chấp nhận lời "kêu ca" ấy, bởi anh nói: "Thế hệ chúng tôi được đào tạo như vậy, không thể làm khác hơn". Có lẽ, vai diễn để đời cũng chỉ có từ những thánh đường sân khấu như thế chăng?

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.