Khánh thành cầu Phú Mỹ

02/09/2009 20:16 GMT+7

(TNO) Sáng nay (2.9), những dòng xe đầu tiên đã chạy băng băng trên 13km Đại lộ Đông Tây (TP.HCM) được thông xe trong giai đoạn một. Đến chiều, người dân thành phố lại náo nức chứng kiến lễ khánh thành cầu Phú Mỹ. >> Thông xe đại lộ Đông Tây, khánh thành cầu Phú Mỹ

Như vậy, hai công trình quan trọng nằm trong quy hoạch tổng thể của TP.HCM đến năm 2020 đã cùng hòa nhịp vào niềm vui kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 của cả nước.

Dự án Đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài 21,98 km bao gồm 1,49 km đường hầm vượt sông Sài Gòn. Nằm trong tuyến dự án còn có 10 cầu mới được xây dựng, cải tạo 3 cầu cũ hiện có và xây dựng 10 cầu bộ hành.

Điểm đầu của Đại lộ Đông Tây giao với quốc lộ 1A tại huyện Bình Chánh. Điểm cuối giao với xa lộ Hà Nội. Toàn bộ dự án chia làm sáu gói thầu, với tổng mức đầu tư trên 9.860 tỷ đồng.

Cùng với dự án Đại lộ Đông Tây, các tuyến đường ven kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đi qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 8 về hướng Tây thành phố cũng đã được nâng cấp, mở rộng lên từ 42-60m cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ 60 km/giờ.

 
Đoàn xe đầu tiên chạy trên tuyến Đại lộ Đông Tây vừa được thông xe giai đoạn 1 - Ảnh: Viên An

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã cắt băng thông xe Dự án Đại lộ Đông Tây giai đoạn 1, sau 5 năm khởi công thực hiện. Đây là Dự án giao thông huyết mạch của TP.HCM, kết nối trung tâm thành phố với các khu vực xa trung tâm về hướng Tây Nam và Đông Bắc.

Buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đông đảo lãnh đạo các bộ ngành cùng lãnh đạo TP.HCM cũng đã cắt băng khánh thành cây cầu Phú Mỹ. Cầu Phú Mỹ là công trình cầu dây văng hiện đại, có hai mặt phẳng dây lớn nhất Việt Nam.

Cầu Phú Mỹ được khởi công chính thức vào ngày 22.2.2007 dự kiến hoàn thành vào ngày 31.12.2009. Nhưng với tiến độ thi công nhanh và hiệu quả, cầu được khánh thành vào đúng ngày 2.9, người dân TP.HCM đã được lưu thông trên cầu Phú Mỹ sớm hơn bốn tháng so với tiến độ.

Với tổng mức đầu tư là 2.077 tỉ đồng, cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2.000m, bao gồm 705m nhịp dây văng và 1.331m nhịp dẫn. Ngoài ra, còn có hai đường dẫn vào cầu dài 257m, chiều rộng mặt cầu là 27,5m. Cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn ở vị trí cạnh cảng rau quả nối Q.7 (tại phường Tân Thuận Đông) với Q.2 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi).

Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng, cầu Phú Mỹ nối liền hai bờ sông Sài Gòn phía Q.7 và Q.2 góp phần hoàn thiện hệ thống đường vành đai và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội phía Đông và phía Nam thành phố. Cây cầu cũng kết nối với các tuyến đường trục chính đô thị như đường vành đai số 2, liên tỉnh lộ 25B. Đây là yếu tố quyết định để xây dựng hành lang lưu thông mới của trục vận tải từ miền Bắc, miền Trung đi về đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt áp lực lưu thông xuyên qua nội đô TP.HCM. 

 
Cầu Phú Mỹ hòa vào nhịp giao thông của TP.HCM - Ảnh: Viên An

Cầu Phú Mỹ góp phần tăng năng lực giao thông cho TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các khu vực trung tâm của TP.HCM. Cầu Phú Mỹ đáp ứng năng lực thông xe vào năm 2010 là 4.760 xe/giờ và đến năm 2020 là 8.400 xe/giờ.

Cùng với cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ là một trong những công trình giao thông thiết yếu vượt sông Sài Gòn, phục vụ phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo sức bật cho Q.2, Q.7, Q.9 phát triển mạnh.

Đến dự Lễ khánh thành cầu Phú Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng thành quả mà TP.HCM đạt được đồng thời đánh giá: "Cầu Phú Mỹ là cây cầu có quy mô đầu tư lớn được làm theo hình thức BOT. Đây là hình thức đầu tư phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần được khuyến khích. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM trong thời gian qua đã đạt được những thành tích, kết quả đáng trân trọng, đặc biệt là trong việc phát triển kết cấu hạ tầng. Đây là một lĩnh vực quan trọng để TP.HCM tiếp tục phát triển nhanh và bền vững".

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.