Khát nước máy ở Sài Gòn

14/09/2011 01:34 GMT+7

Q.Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Q.2, Q.9 (TP.HCM) là những nơi đầu nguồn nên áp lực nước rất mạnh. Nước không thiếu, thế nhưng vẫn còn khá nhiều hộ dân trên địa bàn các quận này vẫn chưa có nước máy, phải sử dụng nước giếng.

Ngoài đường có nước, trong hẻm "khát"

Người dân 4 tổ dân phố 9, 10, 11, 12, thuộc khu phố 1, hẻm 76, đường Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Q,Tân Phú, kêu khổ vì không có nước sạch trong khi đường ống nước đã về đến đầu hẻm. Đây là khu phố hình thành cách đây gần 20 năm nhưng đến nay, hầu hết người dân vẫn phải dùng nước giếng.

 
Nhiều tuyến ống cấp nước hiện nay buộc phải lắp đặt trên vỉa hè - Ảnh: Diệp Đức Minh

Chị Đinh Thị Ninh, nhà số 10/15/76 Nguyễn Sơn, cho biết phần lớn dân trong khu phố phải mua nước hoặc xin nước của người thân ở nơi khác mang về dùng. Ngày trước, giá nước mua chỉ từ 7.000 - 15.000 đồng/m3, nay giá từ 20.000 - 50.000 đồng/m3. Người dân nơi đây còn cho biết, cách đây hơn 1 tháng, phường đã lập danh sách các hộ dân chưa có nước sạch gửi cho quận, nhưng vẫn chưa biết chừng nào có nước.

Một số khu phố khác thuộc P.Tân Quý, Q.Tân Phú cũng trong tình trạng như trên. Bà Nguyễn Thị Yến Dân, ở 401/29 Tân Kỳ Tân Quý, P.Tân Quý, Q.Tân Phú bức xúc cho biết đường ống nước đã có hơn 1 tháng rồi nhưng vẫn không thấy triển khai lắp đặt đồng hồ nước (ĐHN).

Vướng đào đường, vốn…

Hai quận Tân Bình và Tân Phú thuộc địa bàn cung cấp nước của Công ty TNHH MTV cấp nước Tân Hòa (Công ty cấp nước Tân Hòa) hiện còn 17,29% số hộ dân chưa được cấp nước sạch. Để có thể lắp đặt ĐHN hàng loạt, cần phải đầu tư phát triển mạng lưới ống cái đến tận các khu dân cư. Tuy nhiên, những khó khăn khi xin giấy phép đào đường và thỏa thuận hướng tuyến đang là những vướng mắc hiện nay của các công trình cấp nước.

Nhiều nơi ở TP.HCM sẽ bị cúp nước

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn thông báo: để tiến hành sửa chữa, bảo trì Nhà máy nước Thủ Đức (nguồn cung cấp nước sạch chính của TP.HCM), ngành cấp nước sẽ tạm ngưng cung cấp nước nguồn từ nhà máy trên trong thời gian từ 22 giờ ngày 17.9 đến 5 giờ ngày 18.9. Khu vực mất nước trên diện rộng, gồm nhiều quận huyện: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình. Một số khu vực khác cũng bị ảnh hưởng như nước yếu, bị đục khi nước được cấp trở lại.

N.Thông

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty cấp nước Tân Hòa cho biết, thường thì các chủ đầu tư có sự phối hợp với nhau để cùng thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật trên một tuyến đường. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không phối hợp được. Chẳng hạn như dự án cầu đường được cấp vốn, trong khi dự án cấp nước chưa có vốn, dẫn đến sự lệch pha. Các chủ đầu tư dự án xây dựng cầu đường không thể chờ đợi được nên phải làm trước và như vậy dự án cấp nước phải chờ đến hết thời gian bảo hành công trình cầu đường mới được phép thi công. Hay có những trường hợp đường cống thoát nước được thi công trước, do cống có khẩu độ lớn nên chiếm hết mặt bằng trên đường, không còn chỗ để thi công lắp đặt ống cấp nước. Đến khi cống thoát nước làm xong, do bức xúc của người dân về sự an toàn giao thông, nên chủ đầu tư dự án thoát nước cho thảm nhựa, gần như tái lập toàn bộ mặt đường. Thế là dự án cấp nước không thể triển khai được, phải nằm chờ đến 5 năm nữa mới được phép đào đường.

Ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty CP cấp nước Chợ Lớn cho biết, có những con đường do Sở GTVT quản lý, khi thỏa thuận hướng tuyến thì Sở yêu cầu phải lắp đặt đường ống nước trên vỉa hè, nhưng đâu phải đường nào cũng có vỉa hè rộng để có thể thi công lắp đặt. Cũng vì những vướng mắc tương tự như vậy mà Công ty CP cấp nước Chợ Lớn (phụ trách địa bàn các quận: 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển mạng lưới đường ống cái và ảnh hưởng đến kế hoạch lắp đặt ĐHN cho khách hàng.

Tại địa bàn Q.Gò Vấp, Q.12, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Công ty cấp nước Trung An cũng than vãn về vấn đề đào đường. Ông nói, những con hẻm, tuyến đường mới nâng cấp, theo quy định thì không đào đường trong thời hạn từ 3-5 năm (hẻm, đường nhỏ thì 3 năm, đường chính thì 5 năm). Những trường hợp này phải chờ hết hạn đào đường mới được lắp đặt hệ thống cấp nước. 

Ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty CP cấp nước Chợ Lớn đề nghị TP nên có một đơn vị tổng chỉ huy quản lý chung hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, thì mới có thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến việc phát triển mạng lưới cấp nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Cầu, kinh phí phát triển mạng cấp nước không phải nhỏ. Thế nhưng hiện nay ngoài vốn tự có của đơn vị, Công ty CP cấp nước Thủ Đức chỉ trông chờ vốn vay của Sawaco. Mà Sawaco, với tư cách là công ty mẹ, còn phải lo cho nhiều công ty con khác nữa. Còn ở Công ty CP cấp nước Chợ Lớn, theo giám đốc công ty, hiện có 4 công trình không vay được vốn (434 tỉ đồng), mà 4 công trình này chiếm gần 1/3 kế hoạch phát triển đường ống cấp nước trong năm nay.

Vướng đủ thứ!

Ông Nguyễn Xuân Cầu, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Thủ Đức cho biết, tại P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) hiện còn rất nhiều hộ dân tại các khu phố 3, 5, 6 chưa có nước sinh hoạt, người dân phải dùng nước giếng khoan, hoặc mua nước từ xe bồn, vừa không đủ nước vừa gặp nước kém chất lượng. Nhưng do khu vực này chưa có mạng cấp 2 mà mạng cấp 2 thì thuộc thẩm quyền lắp đặt của Sawaco. "Bây giờ chúng tôi có làm mạng cấp 3 thì khu vực này cũng không có nước. Vì vậy, chúng tôi đành phải chờ cấp trên" - ông Cầu bày tỏ.

Về trường hợp khu dân cư cao cấp Sài Gòn Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh) lâu nay việc cấp nước phải thông qua sà lan, một cán bộ Công ty cổ phần cấp nước Gia Định cho biết, do lịch sử khu vực này được cấp nước thông qua một đường ống nhỏ. Sau khi có khu dân cư mới mọc lên, đơn vị cấp nước đã lập dự án thay đường ống mới. Thế nhưng, lại gặp rất nhiều vướng mắc. Lần đầu là vướng quy hoạch tuyến metro số 1, sau đó là vướng dự án cầu Sài Sòn 2. Đến lần thứ 3, khi chuẩn bị đấu thầu thi công lại vướng dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh nên phải dừng lại. Được biết, hiện Sawaco đang đầu tư đường ống phi 400 để cấp nước cho khu vực này.

M.Vọng - N.Đ.Mười - T.Liễu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.