Khát vọng của tân sinh viên hoàn cảnh ngặt nghèo

09/08/2019 08:04 GMT+7

Đó là những học trò hoặc có hoàn cảnh côi cút, khó khăn hoặc cơ thể chậm phát triển , nhưng đã nỗ lực bước tới giảng đường đại học.

Di chứng bại não

Tin Lê Tấn Đạt trúng tuyển ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM bằng phương thức xét tuyển học bạ là niềm vui lớn nhất trong 18 năm qua đối với vợ chồng chị Lê Thị Gấm (ngụ xã Nhị Quý, TX.Cai Lậy, Tiền Giang). Nhưng niềm vui chưa dứt thì chị phải chuẩn bị lên TP.HCM đi làm thuê nuôi con ăn học.
Chị Lê Thị Gấm cho biết Đạt sinh non. Năm 2 tuổi, hai chân em co quắp, bác sĩ kết luận việc đi lại của Đạt sẽ rất khó khăn, cơ thể chậm phát triển do di chứng của bệnh bại não với tỷ lệ 81%. May thay, trí tuệ của Đạt vẫn phát triển bình thường.
Qua 2 lần phẫu thuật, Đạt có thể tập đi từng bước, tay chân cũng khá linh hoạt mặc dù còn rất khó khăn.Trong học tập, Đạt luôn tìm tòi và cố gắng rất nhiều. Ngoài giờ học, Đạt nỗ lực luyện tập nhưng đến nay việc chạy nhảy như bạn bè cùng lứa tuổi vẫn là niềm ước mơ lớn nhất của em. Vì vậy Đạt xác định nghề phù hợp nhất với mình là công nghệ thông tin.
Mẹ của Đạt ngoài giờ đưa con đến trường thì tất tả chạy về chợ Nhị Quý để ai thuê gì làm nấy. Thu nhập của cả gia đình hiện nay trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của người chồng là anh Lê Văn Ga.
Để an lòng mẹ cha, Đạt ra sức học tập. Trong học bạ của Đạt có những môn điểm trung bình đến 9,9. Đạt xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngành công nghệ thông tin với điểm trung bình 3 môn: ngữ văn 9, toán 8,4 và tiếng Anh 8,3. “Từ bé, chứng kiến sự khó khăn, vất vả của cha mẹ nên em không ước mơ gì nhiều ngoài việc học xong đại học. Ra trường có việc làm ổn định để chăm lo cho ba mẹ, bù đắp phần nào sự hy sinh, tần tảo”, Đạt nói.
Cô Nguyễn Thị Vinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8 Trường THPT Tứ Kiệt (TX.Cai Lậy), cho biết ở Đạt có tinh thần vượt khó phi thường trong cuộc sống cũng như trong học tập. “Tôi cũng như các bạn cùng lớp của em rất khâm phục điều đó, nhất là Đạt đã làm được trong gia cảnh hết sức khó khăn”, cô Vinh nói.
Khát vọng của tân sinh viên hoàn cảnh ngặt nghèo1

Đạt nỗ lực tập luyện với hy vọng sẽ tự đến trường

ẢNH: BẮC BÌNH

Côi cút trước cuộc đời

Hơn 5 năm qua, nhiều người dân thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung (H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã quá quen với hình ảnh cậu học trò Bùi Công Hải (Trường THPT Hùng Vương) thui thủi một mình đạp xe đạp đến trường; lúc về nhà lại tự quét dọn nhà cửa, nấu cơm rồi ngồi ăn một mình.
Hải sinh ra không biết mặt cha, không lâu sau mẹ cũng bỏ em lại cho ông bà ngoại để đi tìm bến đỗ mới. Năm Hải lên lớp 4, ông ngoại mất. Ba năm sau, bà ngoại cũng mất. Từ đó, Hải sống một mình trong căn nhà cấp 4 do ông bà ngoại để lại. “Em sống một mình thế này đã hơn 5 năm rồi!", Hải mở đầu câu chuyện khi gặp chúng tôi.
Không còn ông bà, Hải phải tự lo liệu mọi thứ, từ chi tiêu trang trải lẫn công việc, học tập. “Những người thân duy nhất cũng dần bỏ em mà đi. Đôi lúc em thấy bế tắc. Trước khi mất, bà căn dặn em rằng phải cố gắng học hành để sau này mà thoát nghèo. Nhớ lời bà, em nỗ lực từng ngày”, Hải chia sẻ.
Suốt 12 năm học, Hải đạt học lực khá. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hải đạt tổng số điểm xét tuyển khối V là 20 điểm (lý 6,25, toán 7, mỹ thuật 6,75). Với kết quả này, em đang làm hồ sơ vào Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. “Để có tiền mua sách vở, quần áo và trang trải cho cuộc sống, dịp nghỉ hè em thường tìm đến xưởng nước đóng chai ở TT.Hà Lam (H.Thăng Bình) để làm thêm”, Hải cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.