Khi các nhà lãnh đạo gặp nhau giữa căng thẳng

01/04/2017 15:54 GMT+7

Với những căng thẳng trong thời gian qua về hàng loạt vấn đề, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 6.4 có thể diễn ra với bầu không khí căng thẳng.

Chuyện bất đồng quan điểm, mâu thuẫn giữa các quốc gia là điều bình thường và để giải quyết những bất đồng đó, các nước thường tổ chức các cuộc hội đàm, liên lạc để giải quyết. Các nhà lãnh đạo thường tham dự những cuộc tiếp xúc này theo một giao thức có sẵn để ít ra cho thấy sự hoà hợp và tránh căng thẳng.
Tuy vậy, đôi lúc những cuộc gặp này cũng trở nên trục trặc ngay cả khi người tham dự là người đứng đầu nhà nước và đã có sự chuẩn bị sẵn. Forbes hôm 28.3 tổng hợp 4 sự kiện khó xử  như thế diễn ra trong thời gian gần đây.
Sự đón tiếp lạnh lùng của Chủ tịch Trung Quốc với Thủ tướng Nhật
Tháng 11.2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh.
Theo quy tắc ngoại giao thông thường, Trung Quốc với tư cách chủ nhà đáng ra phải là bên thể hiện sự đón tiếp đối với khách. Tuy nhiên ông Tập khi đó đã đến phía sau ông Abe và sự lạnh lùng thể hiện rõ qua cái bắt tay và khuôn mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo Forbes.
Nguyên nhân của thái độ này được cho là do 2 nước giai đoạn đó đang căng thẳng về tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.
Cái bắt tay lạnh nhạt giữa ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe hồi tháng 11.2014 Reuters
Cách ăn nói nặng nề của ông Duterte
Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9.2016 đã huỷ cuộc gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào, sau khi ông Duterte có lời lẽ không hay dành cho nhà lãnh đạo Mỹ.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đồng minh gia tăng. Ông Duterte khi đó còn yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Philippines, dù Manila đã nhận viện trợ quân sự của Washington trong hơn 6 thập niên.
Ông Trump "xúc phạm" đồng minh của Mỹ
Trong cuộc điện đàm lần đầu tiên với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Tổng thống Donald Trump được cho là đã gọi thoả thuận tiếp nhận người tị nạn của Úc và chính quyền trước của Mỹ là "ngu xuẩn". Cuộc gọi giữa hai nhà lãnh đạo 2 nước đồng minh chỉ kéo dài 25 phút.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi đại sứ Úc tại Mỹ, còn một nghị sĩ khác kêu gọi ông Trump đăng đàn xin lỗi.
Các nước ASEAN rút tuyên bố chung về Biển Đông
Ngày 14.6.2016, ASEAN dự trù đưa ra tuyên bố chung "bày tỏ quan ngại sâu sắc" về tình hình Biển Đông sau kỳ họp đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuyên bố dự kiến được thông báo vào cuộc họp báo cuối hội nghị, nhưng cuối cùng không được đưa ra.
Bộ Ngoại giao Malaysia khi đó tung bản tuyên bố cho báo chí, nhưng nhanh chóng rút lại trong ngày vì "có những điều chỉnh khẩn cấp". Truyền thông sau đó loan tin rằng Trung Quốc đã gây áp lực lên một số nước thành viên ASEAN để rút lại tuyên bố chung này, nhưng Bắc Kinh sau đó phủ nhận cáo buộc trên.
Căng thẳng trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30.3 xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang Florida (Mỹ) và gặp Tổng thống Donald Trump trong 2 ngày 6-7.4. Dù ông Trump đã tỏ ra mềm mỏng hơn với Trung Quốc thời gian gần đây, nhưng viễn cảnh về một cuộc tiếp xúc đầy trắc trở là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Ông Trump bất đồng với Trung Quốc về vấn đề chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, về cuộc điện đàm lịch sử với lãnh đạo Đài Loan và về mối quan hệ thương mại mà ông cho là "không công bằng".
Trên Twitter ngày 31.3, Tổng thống Trump viết: "Cuộc gặp tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn, nhưng khi đó chúng ta sẽ không thể thua thiệt lớn về thương mại và việc làm nữa. Các công ty Mỹ cần chuẩn bị tìm kiếm những sự thay thế".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.