Khi hội đồng nhân dân 'im lặng' - Kỳ 4: Phải có cơ chế để dân đánh giá đại biểu

18/07/2014 10:53 GMT+7

Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều ý kiến cho rằng, để các đại biểu HĐND không còn “im lặng” tại các kỳ họp, các phiên chất vấn, khi sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần thay đổi cách thức bầu cử và cơ chế đại biểu kiêm nhiệm như hiện nay, có cơ chế rõ ràng để thay thế đại biểu không xứng đáng là đại diện của dân.

 Suốt ngày 9.7, các đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình liên tục đứng lên chất vấn - d
Suốt ngày 9.7, các đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình liên tục đứng lên chất vấn - Ảnh Hoàng Long

Xuống cơ sở để đồng cảm  với dân

Từng 7 năm làm đại biểu HĐND TP.Hà Nội (từ 2004-2011) khi đang kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội, bà Bùi Thị An, đại biểu QH đương nhiệm cho rằng, nguyên nhân khiến đại biểu HĐND “im lặng” thì có nhiều nhưng cái chính vẫn là ngại va chạm, thiếu bản lĩnh, hoặc do thiếu thông tin, không nắm chắc được các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

“Điều quan trọng nhất để làm tốt công việc của một đại biểu HĐND vẫn là tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm của mỗi đại biểu. Đã thực sự muốn lắng nghe dân thì chỗ nào cũng có thể lắng nghe được. Tôi đi ra sân bay không vào phòng VIP đâu mà ra ngồi cùng với dân để lắng nghe. Ra chợ cũng nghe được, đi ra đường phố cũng nghe được những chia sẻ của người dân, có như thế mình mới nắm được thông tin, mới chất vấn đúng vấn đề bức xúc của cử tri”, bà An chia sẻ.

Điều bà An nói được minh chứng qua hoạt động của HĐND tỉnh Thái Bình hiện nay. Mặc dù 80% đại biểu tỉnh này là kiêm nhiệm, nhưng tại phiên chất vấn ngày 9.7 vừa qua của kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, số câu hỏi chất vấn của đại biểu lên tới 40 trang A4, chưa kể sau khi lãnh đạo 7 sở ngành trả lời xong, vẫn còn 21 ý kiến với 17 đại biểu đứng lên “truy vấn”.

Theo ông Nguyễn Như Thăng, Chánh văn phòng HĐND tỉnh Thái Bình, có được sự chuyển biến trên trong hoạt động của HĐND tỉnh này là từ chủ trương “đưa đại biểu xuống cơ sở”. “Khi có mặt ở cơ sở, ở với dân, đại biểu sẽ hiểu rõ vấn đề đó tác động thế nào tới đời sống người dân và từ đó đồng cảm với dân, thậm chí bức xúc cùng với dân. Chất vấn chỉ có hiệu quả khi đại biểu đặt mình vào vị trí người dân. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến đại biểu Thái Bình thi nhau chất vấn tại kỳ họp”, ông Thăng nói.

Chất lượng đại biểu phải là số 1

Tuy nhiên, hiện không phải HĐND địa phương nào cũng làm được như Thái Bình. Vì vậy, theo bà Bùi Thị An, để giải quyết tình trạng “im lặng” là phổ biến tại nhiều kỳ họp HĐND địa phương hiện nay, khi sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương, không nên nặng về cơ cấu đại biểu, mà quan trọng nhất vẫn là hiệp thương, giới thiệu người ứng cử có trình độ, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao. “Muốn vậy, phải quy trách nhiệm chính trị cơ quan hiệp thương, giới thiệu đại biểu ra ứng cử, trong trường hợp đại biểu không làm tròn vai trò đại diện của dân”, bà An đề nghị.

Ngoài ra, theo bà An, cần có cơ chế để cử tri đánh giá hoạt động của đại biểu HĐND, có thể 3 tháng hoặc 6 tháng, 1 năm một lần. “Dân bây giờ người ta rất ngại xuất đầu lộ diện khi đánh giá người có chức có quyền, nên phải nghiên cứu phương thức đánh giá thế nào đó cho khách quan. Như các nước có khảo sát dư luận xã hội, mình cũng đã làm rồi nhưng cần tổ chức bài bản hơn và quan trọng là phải quy định tính chất pháp lý của kết quả đánh giá đó”, bà An đề xuất.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng nhấn mạnh: HĐND được bầu ra, lựa chọn đại diện cho dân, nhưng thực tế thời gian qua, hoạt động của HĐND mang tính hình thức là nhiều. “Anh tạo ra một thiết chế để đại diện cho dân thì rất cần, rất đúng nhưng các điều kiện để bảo đảm cho đại biểu hoạt động thực chất, thực sự quyền thì chưa có. Vì vậy, sửa luật sắp tới ngoài việc tăng tỷ lệ chuyên trách, cần chú trọng đến chất lượng đại biểu trong hiệp thương giới thiệu, bầu cử”, ông Thảo đề nghị.

Bảo Cầm - Hoàng Long

>> Khi đại biểu hội đồng nhân dân 'im lặng' - Bài 3: 'Chất vấn không giải quyết được vấn đề gì
>> Khi đại biểu hội đồng nhân dân 'im lặng' - Kỳ 2: Ngậm miệng ăn tiền!
>> Khi đại biểu hội đồng nhân dân 'im lặng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.