Khi Mỹ trừng phạt nặng nề Trung Quốc về Biển Đông

28/08/2020 08:03 GMT+7

Biện pháp cấm vận đối với 24 công ty nhà nước, cùng những cá nhân của Trung Quốc có liên quan hoạt động xây dựng phi pháp hạ tầng ở Biển Đông, là chỉ dấu cho thấy chính quyền Mỹ đang chuyển hướng tiếp cận vấn đề ở vùng biển này.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ ngày 26.8 đã công bố cấm vận 24 công ty nhà nước của Trung Quốc liên quan các hoạt động xây dựng trái phép hạ tầng ở một số thực thể trên Biển Đông. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Washington chuyển hướng tiếp cận

Trả lời Thanh Niên ngày 27.8, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét các biện pháp trên của Washington thực sự tạo ra một thách thức lớn cho Bắc Kinh ở vùng biển chiến lược.
“Kiểu tiếp cận trừng phạt thông minh và sẵn sàng leo thang này sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ càng đến gần. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rằng khi đưa ra chính sách mạnh mẽ trước Trung Quốc sẽ có hiệu quả cao cho vị thế chính trị của ông. Đương kim chủ nhân Nhà Trắng có lẽ đang kỳ vọng lập trường chống Trung Quốc của ông sẽ giúp giành lấy sự ủng hộ đối với các cử tri còn do dự”, PGS Nagy nhận định và cho rằng: “Bên cạnh đó, biện pháp trừng phạt mà Washington vừa đưa ra còn giúp trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng chính quyền đương nhiệm của Mỹ đang chuyển hướng tiếp cận một cách hiệu quả hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông”.
Liên quan phản ứng của Bắc Kinh, PGS Nagy dự báo: “Tất nhiên, Bắc Kinh có thể đáp trả lại một cách nguy hiểm trước các biện pháp của Washington”. Qua đó, ông lo ngại: “Vấn đề là liệu vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên có bị vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hai phía hay không. Thực tế này tiềm ẩn nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực và thậm chí có thể dẫn đến xung đột. Trong bối cảnh như vậy, các nước Đông Nam Á cần theo dõi sát sao, đồng thời để phối hợp không để bị ảnh hưởng xấu”.
Phản ứng các biện pháp của Mỹ, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 27.8 bác bỏ cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh quân sự hóa các hạ tầng ở Biển Đông để phục vụ cho mưu đồ thâu tóm vùng biển này. Từ đó, phát ngôn viên Triệu cho rằng Mỹ đã “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Thực tế, tuyên bố chủ quyền theo bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông đã bị bác bỏ bởi Tòa trọng tài quốc tế ở Tha Hague (PCA) vào năm 2016. Chính vì thế, việc Trung Quốc không ngừng xây dựng hạ tầng và quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông thực tế đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Tàu chiến Mỹ tuần tra đáp trả

Căng thẳng Mỹ - Trung tại Biển Đông cũng dâng cao sau khi Trung Quốc ngày 26.8 đã phóng thử 2 tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 và Đông Phong 26 đến Biển Đông. Cả hai đều được xem là “sát thủ diệt hạm”. Phản ứng sau vụ phóng tên lửa của Trung Quốc, Phó đô đốc Scott Conn, chỉ huy Hạm đội 3 của hải quân Mỹ, cho rằng sự hiện diện của hải quân Mỹ ở khu vực này “vẫn vững mạnh”. Tức hàm ý các chiến hạm của Mỹ điều động đến đây không hề lo ngại tên lửa Trung Quốc.
Cùng ngày 27.8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định Trung Quốc đang phô trương sức mạnh tại Đông Nam Á mà đặc biệt là Biển Đông. Ông Esper khẳng định Mỹ sẽ không nhường bước Trung Quốc ở khu vực này. Cũng trong ngày 27.8, Mỹ điều động khu trục hạm USS Mustin thực hiện chuyến tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hành xử hung hăng để chuyển hướng quan tâm
Chính quyền Trung Quốc đang chịu áp lực lớn trong nước vì bị người dân chỉ trích về việc xử lý không hiệu quả đại dịch Covid-19. Giữa bối cảnh đó, chính quyền nước này muốn giữ vững uy quyền bằng cách tạo ra nhiều thế trận hung hăng cả trên đất liền, lẫn trên biển nhằm chuyển hướng quan tâm của dư luận trong nước sang các vấn đề quốc tế.
Bắc Kinh cũng tận dụng thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc để cho thấy Đảng cầm quyền đang ra sức bảo vệ quyền lợi quốc gia, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nội bộ. Và việc tổ chức tập trận, chủ động gây căng thẳng là một phần trong chiến lược này. Ngoài ra, trước những khó khăn về kinh tế, tham vọng mở rộng quyền lực hàng hải càng trở nên cấp thiết hơn đối với Trung Quốc.
TS Jagannath P.Panda
(Giám đốc Trung tâm Đông Á, Viện Phân tích và nghiên cứu quốc phòng (IDSA), Ấn Độ)
Úc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Theo Bloomberg, Thủ tướng Úc Scott Morrison dự định sẽ công bố một dự luật vào tuần tới cho phép chính phủ hủy những thỏa thuận giữa chính quyền các bang với nước ngoài, được cho là nhằm ngăn chặn Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường. Cụ thể theo dự luật, Ngoại trưởng Úc có quyền hủy bất kỳ thỏa thuận nào của chính quyền bang, vùng lãnh thổ hoặc các trường đại học công lập với nước ngoài nếu chúng “ảnh hưởng xấu hoặc không phù hợp với chính sách đối ngoại”. Dự kiến luật sẽ áp dụng trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, hợp tác văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục và cả quan hệ đối tác nghiên cứu tại các trường đại học. Thủ tướng Morrison cho biết 130 thỏa thuận với 30 quốc gia khác nhau có thể chịu ảnh hưởng vì luật mới.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.