Khi Mỹ - Úc cùng ứng phó Trung Quốc ở Biển Đông

30/07/2020 09:00 GMT+7

Trả lời Thanh Niên , giới chuyên gia quốc tế phân tích xung quanh việc Mỹ - Úc tăng cường hợp tác về an ninh khu vực mà trong đó nổi bật có vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Úc vừa đến Mỹ để có cuộc tham vấn ngoại giao với nước chủ nhà về hợp tác hai nước. Hôm qua (29.7), tuyên bố của cuộc tham vấn khẳng định hai nước sẽ tăng cường hợp tác quân sự. Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan hành động của Trung Quốc. Từ đó, Washington và Canberra cam kết đẩy mạnh các hoạt động song phương, đa phương ở Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds cũng khẳng định Úc sẽ tiếp tục các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông.
Cùng ngày 29.7, xung quanh diễn biến trên, Thanh Niên đã phỏng vấn GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản), ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), và TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ).

Canberra chọn vị thế mạnh mẽ

Ông đánh giá thế nào về những động thái gần đây của Úc liên quan tình hình Biển Đông?
GS Sato: Cam kết gần đây của Mỹ đã tạo động lực mới cho cộng đồng quốc tế phối hợp cùng các nước ASEAN ứng phó yêu sách chủ quyền quá đáng mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông. Nhiều năm qua, Canberra gắn kết với Washington về an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và khi Mỹ “mở ngõ” thì Úc sẽ “rộng cửa” tham gia vào các vấn đề ở Đông Nam Á hơn.

Washington - Canberra tăng cường hợp tác quốc phòng

Cũng trong tuyên bố chung sau đối thoại với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Mỹ cùng Úc, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Washington đề cao Canberra vì không chấp nhận ý muốn của Bắc Kinh dù chịu sự cưỡng ép và hăm dọa về kinh tế. Bên cạnh đó, Mỹ và Úc cũng đồng ý gia tăng hợp tác về công nghệ quốc phòng nhằm tăng cường năng lực về vũ khí bội siêu thanh, tác chiến điện tử và vũ khí không gian. 
Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh nước này sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác như Ngũ Nhãn, ASEAN, QUAD...
Vi Trân
Ông Poling: Úc đang ngày càng lo lắng về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông trong vài năm gần đây. Sau Mỹ, Úc đã trở thành tiếng nói mạnh mẽ nhất về vấn đề này. Trong 6 tháng qua, những lo ngại về tình hình Hồng Kông, tin tặc được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, Bắc Kinh bị cáo buộc can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của Úc... đã khiến Canberra đẩy nhanh cách tiếp cận với Bắc Kinh.
TS Nagao: Sự cứng rắn của Úc đối với Trung Quốc đã được củng cố trong từng năm qua, và giờ đây trước những hành động của Bắc Kinh giữa đại dịch Covid-19 thì Canberra càng đẩy nhanh tiến trình đó.
Từ trước đại dịch Covid-19, Úc đã bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Và giờ đây, giữa đại dịch thì Úc chọn vị thế mạnh mẽ hơn khi đứng cùng Mỹ trong tuyên bố rõ ràng để từ chối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Xây dựng mạng lưới hợp tác rộng lớn

Từ đó, hợp tác Mỹ - Úc có tác động ra sao đến tình hình Biển Đông?
GS Sato: Hợp tác Mỹ - Úc mở ra ưu thế ở 3 khía cạnh. Thứ nhất, hợp tác bổ sung tính hợp pháp cho chính sách của Washington thông qua một triển vọng đa phương. Thứ hai, Úc mở ra định hướng tăng cường lực lượng quân sự, khí tài cần thiết để thách thức các hành vi của Trung Quốc. Cụ thể là hải quân Úc dần xúc tiến các hoạt động tuần tra, bảo vệ tự do hàng hải và thảo luận việc duy trì khả năng chống tàu chiến tầm xa. Thứ ba, Úc có thể chia sẻ cùng Mỹ để cùng đảm đương việc xây dựng cân bằng quân sự trước Trung Quốc ở khu vực.
Ông Poling: Mỹ - Úc cần xây dựng một mạng lưới hợp tác quốc tế rộng lớn về vấn đề Biển Đông, để từ đó hình thành những sức ép về ngoại giao lẫn kinh tế nhằm khiến cho Trung Quốc phải thay đổi hành vi và tuân thủ luật pháp quốc tế. Vì vậy, hợp tác giữa Washington và Canberra chỉ mới khởi đầu, cần có thêm sự tham gia của nhiều đối tác, đặc biệt là các nước châu Âu.
TS Nagao: Hợp tác với Úc giúp cho Mỹ chứng minh luôn có những đồng minh vững bền để cùng tạo ra áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc. Ngoài ra, ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Úc có lực lượng quân sự khá mạnh mẽ, bên cạnh Nhật Bản và Ấn Độ. Canberra cũng đã lên kế hoạch mua sắm nhiều loại vũ khí như tàu ngầm. Giữa đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc có nhiều hành động gây căng thẳng, Úc cũng đã tập trận cùng Mỹ ở Biển Đông, biển Philippines. Nên hợp tác Mỹ - Úc là bước chuyển để có nhiều lực lượng cùng hiện diện ở Biển Đông.

Kỳ vọng “bộ tứ an ninh” hiệu quả hơn

Ngoài Mỹ và Úc thì 2 nước còn lại trong “bộ tứ an ninh” (QUAD) là Nhật Bản và Ấn Độ có vai trò thế nào về vấn đề Biển Đông?
GS Sato: Ấn Độ và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác quân sự trong nhóm QUAD. Việc New Delhi mời Canberra tham gia cuộc tập trận thường niên Malabar (trước đây chỉ có Ấn Độ - Mỹ - Nhật) sắp tới và việc Tokyo tham gia tập trận cùng Washington, Canberra mới đây ở Biển Đông cũng đã gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh.
Ông Poling: Nhật Bản đã đưa ra phản ứng tích cực về việc Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đưa ra quan điểm mới về Biển Đông. Tokyo sẽ tiếp tục đóng vai trò có ảnh hưởng trong vấn đề này, còn New Delhi thì có thể thầm lặng hơn.
TS Nagao: Chính sách của Úc gần đây đã tạo ảnh hưởng lên quan hệ hợp tác của QUAD. Năm 2007, Úc từng cùng Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Singapore tham gia tập trận Malabar. Nhưng sau khi ông Kevin Rudd trở thành Thủ tướng Úc, Canberra đã rút khỏi hợp tác này. Giờ đây, nếu Úc tham gia trở lại theo lời mời của Ấn Độ, đồng thời Canberra thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong QUAD thì “bộ tứ an ninh” này sẽ tạo ra hiệu quả ảnh hưởng lớn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.