Khi nào ngành văn hóa mới nhìn ra những tồn tại ?

05/01/2020 07:28 GMT+7

Đó là câu hỏi nhiều bạn đọc đặt ra sau khi xem báo cáo tổng kết của ngành VH-TT-DL chỉ khoe các thành tích mà không có yếu kém.

Như Thanh Niên thông tin (Báo cáo "tẩy trắng" của ngành văn hoá) Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức họp báo thường kỳ quý 4, đồng thời công bố báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 của ngành với nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết của Bộ gửi cho báo chí, năm 2019 không có các vấn đề tồn tại, dù thực tế xảy ra rất nhiều vụ việc của ngành. Chẳng hạn, ở lĩnh vực điện ảnh, bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ với hình ảnh đường lưỡi bò đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt và cho ra rạp, gây bức xúc dư luận; hay bộ phim Ròm tuy được giải thưởng lớn ở LHP Busan nhưng lại chưa được cấp phép phổ biến. Ở lĩnh vực mỹ thuật, bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí đã bị hỏng nặng sau khi “làm vệ sinh”. Đáng nói hơn, do tổn thương nặng, bức tranh này hiện được nhiều chuyên gia cho là vô cùng khó phục hồi. Ở lĩnh vực di sản, nhiều di sản đã bị cấy thêm công trình vào mà không có phép, dẫn đến ảnh hưởng tới cảnh quan và giá trị cốt lõi của di sản…
Năm 2019 cũng đánh dấu thêm một năm nữa ngành VH-TT-DL không bình chọn danh sách những tồn tại của năm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của Bộ, nói: “Chúng ta cũng phải để điều kiện cho đầy đủ chín muồi mới triển khai được. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, trong thời gian tới thực hiện được thì rất là tốt”. Ông Bình đã không giải thích thế nào là điều kiện chín muồi để tìm ra những tồn tại của ngành, và vì sao điều kiện này lại khó đến như vậy.

"Bệnh thành tích quá nặng"

Bạn đọc (BĐ) Dương Văn Tuấn (Khánh Hòa) cho rằng: "Đó là câu muôn thuở: Tốt khoe, xấu che. Báo cáo tổng kết hầu như nơi nào cũng thế, toàn là khoe thành tích để cùng nhau vỗ tay thắng lợi". Đồng quan điểm, BĐ Robin (Hà Nội) viết: "Tốt khoe - Xấu che. Đó là cách mà những người thích hình thức, thích được ca ngợi và thiếu dũng cảm thường làm. Và đó là hành vi kém văn hóa".
Trong khi đó, BĐ Bùi Đán (Thái Nguyên) đánh giá đây là thực trạng “Bệnh thành tích quá nặng!” và cho rằng: “Hiện nay căn bệnh này hầu như có khắp nơi trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Với những yếu kém còn tồn tại trong ngành văn hóa của mình mà không mạnh dạn nhìn thẳng vào để thay đổi thì khó có chuyển biến”. Còn BĐ Huy Trần (TP.HCM) đề xuất: “Nên chăng báo chí có một danh sách thành tích riêng “Ig văn hóa” kiểu như Ig Nobel. Vừa mang tính góp ý, vừa có tính hiện thực...”.

Dám nhìn thẳng mới biết sửa lỗi

Nhiều BĐ cũng cho rằng, việc ngành văn hóa đưa ra toàn thành tích, trong khi sự hạn chế của ngành mình thì giấu nhẹm sẽ khiến cho mọi người không có cái nhìn tổng thể, khi đó sẽ khó có những quyết định đúng đắn để chỉnh đốn, cải tổ những hạn chế của ngành mình. “Một nhận thức rất sai lầm và nguy hiểm”, BĐ Trúc Nhân (TP.HCM) góp ý.
BĐ Nguyễn Nghĩa (TP.HCM) thẳng thắn: “Trong năm qua lĩnh vực văn hóa có biết bao nhiêu là vụ bê bối vậy mà các anh còn cho là chưa phải thời điểm chín muồi để nghĩ đến chuyện công bố các sự kiện “xấu” trong lĩnh vực mà mình quản lý. Vậy đến khi nào mới là thời điểm chín muồi? Nếu các anh không mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại để có những điều chỉnh, chỉnh đốn thì không bao giờ tiến bộ được”. Còn BĐ Trúc Ly (Hà Nội) viết: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển, nếu không mạnh dạn nhìn nhận những tồn tại của ngành mình thì sẽ không bao giờ “lớn” được”.
* Bệnh thành tích thật đáng sợ, nó đã "di căn" vào nhiều ngành, trong đó có văn hóa.
Trực Ngôn (TP.HCM)
* Báo cáo tô hồng, trong khi thực tế còn quá nhiều chuyện bầy hầy. Muốn phát triển thì cần phải nhìn thẳng vào thực tế của ngành mình.
Phương Anh (Đà Nẵng)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.